Hành trình trở thành đầu bếp của ông Surasaek Jarupisanlert (hay còn gọi là “đầu bếp Saek”) là một câu chuyện thú vị, dám sống vì đam mê, “khởi nghiệp” ở tuổi không còn trẻ trung nữa.
Gác lại giấc mơ đứng bếp để kinh doanh hoa lan
tin liên quan
Chủ tịch Leicester qua đời: Tỉ phú quyết bán bia Sài Gòn trong sân King Power
Sinh ra trong một gia đình đông đúc người Thái gốc Hoa, Surasaek Jarupisanlert trưởng thành từ rất sớm và có ý thức phụ giúp cha mẹ chăm sóc các em. Theo văn hóa Á Đông, mối quan hệ trong nhà theo thứ bậc chặt chẽ, mỗi thành viên đều được phân chia công việc theo sức lực và khả năng, từ việc đi làm thuê kiếm tiền, dọn dẹp nhà cửa, đến nấu nướng.
Là con trai thứ 4, nhưng Saek lại khá tỉ mỉ và bắt đầu bằng những công việc lặt vặt trong bếp, rồi dần tập nấu và nấu ăn chính cho cả gia đình hơn 10 người. Trong những dịp lễ, tết quan trọng, ông chu toàn từ khâu chuẩn bị, chế biến đến sắp xếp bàn cúng để cầu phúc cho cả nhà.
|
Thế nhưng, cuộc đời không bao giờ bằng phẳng, giữa đam mê nấu nướng và gánh nặng gia đình, ông tạm gác ước mơ, vào làm việc tại Tập đoàn nuôi trồng nông sản Charoen Pokphand Group (CP group), ở mảng kiểm định và đảm bảo rau và hoa xuất khẩu.
Cần mẫn làm việc, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, vào khoảng năm 1995 nhìn thấy thị trường hoa lan chuyển biến, có cơ hội cho mình, ông nghỉ việc, cùng với đối tác lập công ty riêng, trồng hoa lan và đẩy mạnh tiếp thị để xuất khẩu.
|
Đứng vai trò tổng giám đốc của công ty, công việc đòi hỏi phải hiểu biết về tài chính nên ông quyết định học thêm bằng cử nhân kế toán. Thêm vào đó, vốn liếng ngoại ngữ từ thời đi học và làm việc giúp ông đắc lực trong vấn đề xuất khẩu hoa lan sang thị trường Nhật, châu Âu và châu Mỹ.
Lần đầu đến Việt Nam du lịch vào năm 2000, ông chứng kiến một nền kinh tế bên cạnh Thái Lan phát triển rất nhanh. Năm 2005, các hãng bay nối liền hai nước Việt Nam - Thái Lan tăng chuyến nhiều hơn, ông bắt đầu xuất hoa lan giống Dendrobium màu trắng, tím, hồng phớt và một số nhuộm màu vàng, đỏ, xanh và cam sang thị trường Việt Nam.
Từ đó, cứ 2-3 tháng, ông lại trở lại Việt Nam, sống vài ngày ở Sài Gòn, vài ngày ở Hà Nội và các tỉnh khác.
Trở thành đầu bếp
20 năm làm việc với hoa lan nhưng đam mê nấu nướng của ông vẫn như ngày đầu. Ông giữ điều đó bằng việc luôn sẵn lòng nấu nướng cho nhân viên ăn vào buổi trưa và đối xử với họ như người trong gia đình. Vậy là ở tuổi 51, ông gác lại hoa lan, tìm về đam mê của mình.
Sắp xếp đi học bài bản tại Trung tâm đào tạo của Hoàng gia chuyên về bếp Thái, bên cạnh đó, ông còn đi học thêm nơi các đầu bếp nổi tiếng và thường xuyên xin trao đổi, chia sẻ bí quyết với các bếp Hoàng gia.
|
tin liên quan
Hủ tiếu 23 năm trong con hẻm nhỏ ở Sài Gòn
Bắt đầu một lĩnh vực khác ở tuổi trung niên, nhưng chặng đường đã qua không phải là vô ích. Những chuyến bay đến Việt Nam giúp ông tìm hiểu đời sống và văn hóa ẩm thực nơi này, hiểu khẩu vị của người Sài Gòn cũng như văn hóa chợ.
Ông thân thuộc chợ Bến Thành (TP.HCM) như nhà. Đối với ông, chợ Bến Thành là bà con và sẽ luôn bán đúng giá cho ông. Ông dần có thêm nhiều bạn bè, khách hàng thân thiết. Ai cũng mến đam mê nấu ăn của ông mà nhiệt tình gợi ý mở quán Thái theo kiểu street food (thức ăn đường phố) và hứa sẽ giúp tìm kiếm nguyên liệu giống như ở Thái.
Mở nhà hàng, ông sử dụng kiến thức và kinh nghiệm tích lũy từ những ngày học hành và làm việc để xây dựng quy trình rửa và bảo quản rau, thực phẩm. Thực phẩm cũng được ông lựa chọn kỹ càng từ rất nhiều ngôi chợ khắp Sài Gòn.
Tại lễ hội ẩm thực đường phố Zap’Ver do Lãnh sự quán Thái Lan tổ chức vào ngày 11.9.2018 ở TP.HCM, tấm biển xinh xinh của gian hàng ông Surasaek Jarupisanlert thu hút thực khách với những dòng giản dị “Pad Thai /Cơm xá xíu/Trà hoa cúc” viết bằng phấn màu, nửa tiếng Thái, nửa tiếng Việt và một bông hoa thay vào chữ “hoa”.
|
tin liên quan
Bánh mì 'khổng lồ' Việt Nam dù vào top món ăn kì lạ nhưng không còn bán
Cười vui vẻ sau cái khẩu trang (để đảm bảo vệ sinh thực phẩm), đôi tay thoăn thoắt đảo nguyên liệu trong chiếc chảo to, ông cho biết cơm xá xíu là món gia truyền và khẳng định Pad Thai mang đến đây đúng chuẩn vị Thái, còn trà hoa cúc là để khép lại hành trình vị giác mát lành. Chẳng mấy chốc các món ăn hết veo theo dòng người đến lễ hội ngày càng đông và nhận được nhiều cái gật gù khen ngon.
Ông chia sẻ, người Thái thường ăn cơm và không giỏi trong việc chế biến các món sợi. Nhưng người Việt thì rất phong phú các món sợi, này bún, này phở, hủ tiếu, miến … Bao nhiêu lần đến Việt Nam là bấy nhiêu lần ông đều thưởng thức món phở hay món sợi khác cho bằng được.
Bình luận (0)