Kể chuyện về tiết kiệm điện học theo ba tôi, tôi nhớ lại hồi năm 1978, khi mới chân ướt chân ráo bước vào học kỳ 1, năm thứ nhất đại học ở châu Âu. Lúc đó, chúng tôi gặp ngay cuộc khủng hoảng năng lượng. Trường cho sinh viên bản xứ về nhà, còn sinh viên ngoại quốc được dồn vào một bloc ký túc xá để chỉ bật sưởi ở mức tối thiểu.
Sau đó, châu Âu áp dụng giờ mùa đông và hè. Cứ đến một ngày chủ nhật của tháng 3 và tháng 10 là thay đổi giờ, mùa đông chậm lại 1 một giờ, mùa hè nhanh hơn 1 giờ ( 2 giờ sáng vặn đồng hồ thành 3 giờ sáng). Lý do đưa ra là để tiết kiệm năng lượng (điện). Các nước công nghiệp làm việc 3 ca và các nhà máy có thời gian nửa giờ đến 1 giờ (tùy ngành) để chuyển ca, tắt máy móc làm vệ sinh nên cần ít đèn chiếu sáng hơn khi đang sản xuất.
Không bao giờ xem tủ lạnh như chỗ trung chuyển đồ ăn thừa
Tôi học ba tôi trong việc tiết kiệm điện nấu ăn. Khi dùng nồi nhỏ thì bật bếp có đường kính nhỏ, nồi to thì bếp to. Tùy thời gian nấu ăn, nếu không cần thiết phải bật nhiều bếp một lúc thì nấu hết món này mới đặt nồi nấu món sau hay đặt ấm nước sôi lên bếp vừa nấu món trước để tận dụng sức nóng của món trước đó.
Nếu là các món luộc thì có thể tắt bếp trước vài phút để thức ăn tự chín tiếp trong nồi mà chưa vội vớt ra. Những món hầm thì chỉ cần để bếp số nhỏ, sôi lăn tăn là đủ. Rồi tận dụng nồi luộc trứng ở dưới, đặt xửng hấp ngô, khoai lên trên. Hay muốn có trứng dầm nước mắm chấm rau thì rửa sạch trứng cho vào luộc cùng rau hay cho vào nồi nấu cơm khi cơm vừa cạn. Mùa đông cần nước nóng rửa bát thì tận dụng nước luộc trứng, mì… để rửa các bát mỡ. Cũng đỡ được ít điện đun nước nóng.
Ngoài ra tôi còn tận dụng giấy lau miệng, lau tay để lau qua các bát đĩa mỡ rồi mới rửa. Vừa sạch, tiết kiệm nước rửa bát hay nước nóng rửa bát đĩa...
Để tiết kiệm điện, tôi còn trang bị ổ cắm điện có công tắc cho từng ổ nên khi không dùng ổ nào tôi tắt ngay công tắc ổ đó vừa phòng chập, cháy, vừa đỡ tốn điện chờ.
Nhiều gia đình người già ở nhà một mình buồn hay mở ti vi lên cho có tiếng chứ không xem. Tôi dù cũng không phải ngoại lệ nhưng thay vì mở ti vi tốn điện, nóng nhà, tôi mua ngay chiếc đài nhỏ bật chương trình VOV 2, hay VOV giao thông, vừa làm việc nhà vừa nghe đủ các loại chương trình cũng nâng cao kiến thức và giải trí.
Giặt hay sấy quần áo tôi cũng lựa chọn các chương trình phù hợp sao cho tiết kiệm điện, nước mà quần áo vẫn thơm tho. Tủ lạnh cũng được sắp xếp thông thoáng cho khí lạnh lưu thông, những đồ gì cần thiết để mới cho vào tủ lạnh và các ngăn cho hợp lí. Nhiều nhà tủ lạnh xếp chật kín như tủ quần áo, mỗi lần lấy đồ là phải lục lọi, xếp ra, vào và để cửa tủ lạnh mở lâu rất tốn điện.
Tôi hạn chế mở cửa tủ nhiều lần hay mở ra đứng ngắm nghía mà không biết cần lấy gì. Nhất là các cháu nhỏ. Vậy nên tôi luôn dạy con cháu muốn lấy gì thì nghĩ trước và để đồ cho trẻ ở vị trí cố định, dễ nhìn, dễ lấy.
Để tiết kiệm điện, tôi không bao giờ xem tủ lạnh như chỗ trung chuyển đồ ăn thừa từ bàn ăn đến sọt rác. Nhà tôi luôn sắp xếp để có đồ ăn tươi và nấu vừa phải, có thể ít một chút so với nhu cầu rồi cần thì ăn thêm ruốc hay vừng lạc, chứ không nấu thừa mứa rồi đổ đi hay cất tủ lạnh bữa sau mang ra ăn lại.
Khi xây nhà, tôi chú ý sơn tường màu sáng để đỡ hấp thụ nhiệt. Tôi cũng yêu cầu kiến trúc sư chú ý hướng gió, hướng ánh nắng để bố trí các cửa sao cho nhà mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông. Đèn thì chỉ bật những bóng nào cần dùng, vừa đỡ chói mắt, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, vừa không tiết kiệm điện.
Tóm lại, nếu khéo để ý, sắp xếp thì cũng đỡ tiết kiệm điện được khối tiền. Quan trọng là thói quen này nên hình thành cho con trẻ ngay từ nhỏ. Riêng về điểm tiết kiệm điện, tôi luôn biết ơn ba tôi đã cho tôi tấm gương sáng noi theo. Bởi đâu chỉ siêng tắt đèn là đã... tiết kiệm điện phải không các bạn?
Cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen lần 2 là nơi để độc giả chia sẻ các câu chuyện hay, sáng kiến mới, phương thức tiết kiệm điện hiệu quả, đã được chứng minh từ thực tế của các hộ gia đình, cơ quan công sở, doanh nghiệp... để mọi người cùng tham khảo, thực hiện.
Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng 100 triệu đồng, kéo dài đến hết ngày 10.7.2024.
Độc giả có thể gửi bài dự thi về địa chỉ: tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc đường bưu điện, gởi về tòa soạn Báo Thanh Niên (268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM). Ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen. Thể lệ chi tiết được đăng tải trên thanhnien.vn.
Bình luận (0)