Được Tổ chức Howard G. Buffett hỗ trợ kinh phí, trong hơn một năm các chuyên gia nghiên cứu Viện Oakland đã điều tra các hợp đồng đầu tư vào đất đai ở bảy quốc gia châu Phi. Đó là các nước Ethiopia, Mali, Mozambique, Sierra Leone, Sudan, Tanzania và Zambia. Họ phát hiện các quỹ đầu tư, giới đầu cơ Mỹ và châu u, thậm chí cả các trường đại học và quỹ hưu trí Mỹ đang ồ ạt thu mua đất nông nghiệp tại các quốc gia này. Khảo sát của Viện Oakland và Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết chỉ trong năm 2009, các quỹ đầu tư đã mua hoặc thuê gần 60 triệu ha đất nông nghiệp ở châu Phi, tương đương với diện tích toàn nước Pháp.
|
Những hợp đồng mờ ám
Ước tính dân số thế giới sẽ tăng lên 9 tỉ người vào năm 2050, sản xuất lương thực toàn cầu cần phải tăng trên 70% so với mức hiện nay để đáp ứng nhu cầu toàn thế giới. Do đó, các chuyên gia Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết trong vài năm qua giới đầu tư đã chạy đua thu mua đất nông nghiệp trên toàn thế giới. Việc mua đất nông nghiệp ở châu Phi được thực hiện một cách khá dễ dàng, do chính quyền nhiều nước châu Phi tham nhũng hoặc muốn phương Tây vào hỗ trợ hiện đại hóa nền nông nghiệp nhằm tăng sản lượng lương thực.
"Khi nghe mất mùa xảy ra ở đâu đó trên thế giới, thường thì giá cả sẽ phải tăng lên khoảng 1 USD/kg chẳng hạn. Thế nhưng, khi giới đầu cơ kiểm soát đến 70-80% thị trường lương thực thì giá sẽ tăng lên từ 2-3 USD để chi trả cho các chi phí ăn theo. Điều này chỉ khiến sự bất ổn trở nên trầm trọng hơn" Mike Masters, nhà quản lý các quỹ của Công ty Masters Capital Management, cảnh báo việc giới đầu tư Mỹ ồ ạt chuyển tiền vào lĩnh vực nông nghiệp sau khủng hoảng tài chính 2006 và chi phối thị trường lương thực để làm giá giống như trong thị trường xăng dầu. |
||
Chính quyền Mozambique bán 7 triệu ha đất nông nghiệp cho các quỹ đầu tư phương Tây và còn miễn thuế cho nhà đầu tư trong vòng 25 năm. Ở Nam Sudan, khoảng 9% diện tích đất nông nghiệp trên toàn quốc đã bị bán và cho thuê. Hợp đồng lớn nhất thuộc về một tập đoàn ở Texas (Mỹ) là Nile Trading & Development. Công ty này thuê 400.000ha ở tỉnh Equatoria trong 49 năm với giá chỉ 25.000 USD, và có quyền khai thác mọi tài nguyên trên diện tích đất này, kể cả dầu khí và gỗ.
Điều đáng nói là các hợp đồng đất đai này đẩy hàng triệu nông dân châu Phi vào cảnh mất đất canh tác và phải di dời. Hợp đồng giữa chính quyền Tanzania với Tập đoàn Mỹ AgriSol Energy buộc 162.000 dân ở Katumba và Mishamo, từng canh tác tại đây 40 năm qua, phải ra đi. Chính quyền Ethiopia cũng đang di dời hàng chục ngàn dân ở các khu đất bán cho các tập đoàn nước ngoài.
Báo cáo của Viện Oakland cho biết các nhà đầu tư nước ngoài thường cam kết tạo công ăn việc làm, hiện đại hóa nông nghiệp cho các nước châu Phi, nhưng không bao giờ giữ đúng lời hứa. “Các hợp đồng mua bán đất ở châu Phi rất thiếu sự minh bạch - giám đốc chính sách Viện Oakland Frederic Mousseau bình luận - Các nhà đầu tư quốc tế hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm đối với bất cứ ai”. Chuyên gia Obang Metho thuộc Phong trào đoàn kết Ethiopia khẳng định không có chuyện các nhà đầu tư tới cứu nông dân nghèo châu Phi, tạo công ăn việc làm, bởi “các thỏa thuận này chỉ đem lại đồng USD vào túi các lãnh đạo tham nhũng và nhà đầu tư nước ngoài”.
Nguy cơ đối với an ninh lương thực
Báo cáo của Viện Oakland khẳng định việc thu mua đất nông nghiệp tràn lan ở châu Phi cho thấy giới đầu tư Mỹ và châu u muốn tăng cường kiểm soát thị trường lương thực toàn cầu. Điều đáng nói là một phần lớn diện tích đất nông nghiệp này bị sử dụng để sản xuất nhiên liệu sinh học, do đó nguồn đất nông nghiệp châu Phi bị thu hẹp lại, dẫn đến nguy cơ đẩy giá lương thực toàn cầu tăng cao trong những năm tới. “Việc chuyển đổi các trang trại nhỏ và rừng ở châu Phi thành các khoản đầu tư lợi nhuận cao có thể đẩy giá lương thực lên cao và gây thêm nguy cơ biến đổi khí hậu” - giám đốc Viện Oakland Anuradha Mittal cảnh báo.
Chuyên gia Mousseau cho rằng việc thu mua đất nông nghiệp ồ ạt ở châu Phi gây bất ổn đối với hệ thống lương thực toàn cầu và là mối đe dọa đối với an ninh thế giới còn lớn hơn cả chủ nghĩa khủng bố. “Hơn một tỉ người trên thế giới đang bị đói - chuyên gia Mousseau cho biết - Phần lớn người dân ở các nước nghèo vẫn phải dựa vào các trang trại nhỏ để có thức ăn, và các nhà đầu cơ đang lấy đi đất của họ và đưa ra những lời cam kết không bao giờ thành hiện thực”.
Tổ chức Oxfarm mới đây cảnh báo giá lương thực sẽ tăng gấp đôi trong vòng hai thập kỷ tới nếu các nước không cải tổ hệ thống nông nghiệp. FAO cũng cho biết giá lương thực tiếp tục duy trì ở mức cao cho tới ít nhất là năm sau, do sản lượng bột mì toàn cầu chỉ đạt 673,6 triệu tấn trong năm nay, thấp hơn nhu cầu 677 triệu tấn. Giá thịt và các sản phẩm từ sữa vẫn duy trì ở mức cao. Trong tháng 5 vừa qua, chỉ số giá lương thực của FAO chạm 232 điểm, cao hơn 37% so với cùng kỳ năm ngoái. FAO cảnh báo giá lương thực cao sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quốc gia nghèo.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)