Đau đầu quản lý di sản thiên nhiên Hạ Long - Cát Bà

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
26/03/2018 09:00 GMT+7

Hồ sơ di sản thiên nhiên thế giới Hạ Long - Cát Bà đang được hoàn thiện để trình UNESCO. Nó đặt ra nhiều câu hỏi về quản lý di sản.

Một mình Cát Bà cũng đã đủ đặc sắc về đa dạng sinh học để trở thành khu dự trữ sinh quyển thế giới. Hạ Long một mình cũng đã trở thành di sản thế giới của UNESCO. Tuy nhiên, giờ đây hồ sơ di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà vẫn được thực hiện. Như thế, theo các chuyên gia, sẽ đảm bảo tính toàn vẹn của đa dạng sinh học tại khu vực này. “Sức mạnh của Cát Bà là đa dạng sinh học. Song địa chất ở Cát Bà có thể bổ sung cho Hạ Long làm bức tranh trọn vẹn hơn”, PGS-TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Địa chất khoáng sản, chia sẻ.
Điều quan trọng nhất khi làm hồ sơ cho Hạ Long - Cát Bà không phải là kết quả đạt được danh hiệu hay không. Quan trọng hơn là hành trình đến danh hiệu và hậu danh hiệu. “Chúng ta cần nhất là những kế hoạch quản lý di sản, có những nỗ lực liên tục để quản lý di sản
Ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại VN
Nhưng cũng chính sự toàn vẹn, đa dạng đó sẽ làm cho diện tích khu di sản lớn lên rất nhiều, cũng như phức tạp hơn rất nhiều cho quản lý. Đặc biệt là khi thống kê cho thấy, tại đây có tới 507 loài, 351 chi thuộc 110 họ thực vật bậc cao. Trong đó có 486 loài mộc lan, 17 loài dương xỉ và 20 loài thực vật ngập mặn. Cũng có 66 loài lưỡng cư và bò sát, 77 loài chim và 22 loài thú. Chưa kể, còn có tới 17 loài thực vật đặc hữu chỉ có ở Hạ Long như nhài Hạ Long, sung Hạ Long, khổ cừ Đại Nhung, tuế Hạ Long. Thêm vào đó, còn có sự đa dạng của các hang động mà trong những năm qua, không phải lúc nào cũng được bảo vệ tốt. “Đúng là một di sản thuộc hai địa phương quản lý sẽ khó khăn nếu không thống nhất”, PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ, nói.
Thống nhất chính sách
Xử lý nước thải chính là việc quan trọng mà Hạ Long - Cát Bà phải đối mặt. Tại cuộc gặp mặt của liên minh Hạ Long - Cát Bà vào giữa tháng 3 vừa qua, Công ty tư vấn HTM cho biết, nghiên cứu cho thấy các tàu lớn có cơ sở xử lý ngay trên tàu thì không sao, nhưng với tàu nhỏ thì có việc xả thải trên vịnh. “Nhiều tàu du lịch đỗ ở cảng đi trên vịnh đợi từ sáng đến 12 giờ mới đón khách lên. Cho nên khi không có cơ sở để thu gom và xử lý nước thải thì khó để đảm bảo làm sạch tàu hay xử lý nước thải trước khi đón lượt khách mới”, vị đại diện HTM cho biết. Cũng theo HTM, hiện tại ở Hạ Long có chứng chỉ Thuyền buồm xanh cấp cho thuyền đủ chất lượng môi trường, song vì chưa bắt buộc nên hiệu quả chưa rộng. Các thuyền trưởng do đó vẫn nói có thể tìm cách xả mà không bị phạt.
Ông Nguyễn Duy Phú, Chủ tịch HĐQT du thuyền Pelican (Hạ Long), cho biết hiện các tàu đóng kiểu truyền thống muốn lắp thiết bị xử lý nước thải cũng không được do kết cấu. Vì thế mới chỉ có 10% số tàu trên vịnh có thiết bị này, và đều là tàu mới. “Cũng không thể phá tàu người ta ra… Ở Quảng Ninh nếu phát triển tàu mới thì việc tổ chức từ đầu rất dễ. Chỉ có cách tàu lịch sử hết niên hạn sử dụng đổi tàu mới, có quy định cụ thể về tàu. Thì sau đó mọi thứ sẽ tốt hơn rất nhiều”, ông nói.
Theo Ban Quản lý Hạ Long, các quy định hiện hành có khác biệt là tuổi thọ tàu để đăng kiểm của Hạ Long ngắn hơn Cát Bà. Chính vì thế, có hiện tượng tàu không đủ chất lượng đăng kiểm ở Hạ Long thì chuyển sang Cát Bà hoạt động. Về điều này, ông Trần Tân Văn cho rằng, cả hai địa phương nên cùng nâng chuẩn lên để giữ môi trường.
Một vấn đề nữa cũng cần chú ý là lượng khí sẽ di chuyển vào các hang động của Hạ Long - Cát Bà. Hiện tại, theo một số nghiên cứu, đã có những hang ở Hạ Long do việc khai thác sử dụng làm du lịch đã bị xuống cấp. Cụ thể, lượng một số khí đã vượt nhiều lần tiêu chuẩn cho phép. Điều này sẽ khiến thạch nhũ trong hang chết và ảnh hưởng tới đa dạng sinh học. Trong khi đó, đa dạng sinh học lại là giá trị nổi trội của Hạ Long - Cát Bà khi trình hồ sơ tới UNESCO.
Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN hiện đã tư vấn chính sách cho Tổng cục Du lịch để phát triển chứng chỉ môi trường cho các khách sạn để không làm ô nhiễm vịnh. Bên cạnh đó, IUCN cũng hướng dẫn địa phương việc tự mình khảo sát về đa dạng sinh học. Tuy nhiên, cái khó nhất lại là hiện tại ở đây chưa có một nguồn kinh phí ổn định để giám sát đa dạng sinh học. “Di sản đem lại nguồn thu cho các địa phương cả ngàn tỉ đồng mỗi năm, chưa kể nguồn thu gián tiếp khác nhưng các ban quản lý lại không có nổi kinh phí nhất định để giám sát đa dạng sinh học”, bà Phạm Thanh Hường, Trưởng phòng Văn hóa - Văn phòng UNESCO tại VN, nói. Chính vì thế, theo bà Hường, nhân việc làm hồ sơ di sản này, hai ban quản lý Hạ Long và Cát Bà có thể tận dụng cơ hội này để đề xuất nguồn tài chính đảm bảo hoạt động giám sát.
PGS-TS Trần Tân Văn cũng cho biết, trên thế giới cũng có những di sản thậm chí là xuyên biên giới, liên quốc gia. Họ vẫn có thể quản lý được. Với Hạ Long - Cát Bà, theo ông, có thể duy trì hai ban quản lý nhỏ dưới một ban điều hành lớn về hình thức. “Quyết định quản lý được thống nhất từ bên trên. Ở dưới vẫn có những ban quản lý riêng. Khách vào cửa nào thì cửa đó thu tiền. Ở Trung Quốc có những di sản 3 - 4 tỉnh thì họ cũng làm mấy cái cổng. Khách vào chỗ nào thì chi tiền vé chỗ đó. Tuy nhiên, phải thống nhất chuẩn chất lượng”, ông nói.
Ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại VN, cho biết điều quan trọng nhất khi làm hồ sơ cho Hạ Long - Cát Bà không phải là kết quả đạt được danh hiệu hay không. Quan trọng hơn là hành trình đến danh hiệu và hậu danh hiệu. “Chúng ta cần nhất là những kế hoạch quản lý di sản, có những nỗ lực liên tục để quản lý di sản”, ông nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.