Khung xét duyệt buộc phải có
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Trịnh Thị Thủy cho biết Bộ này đang trong quá trình xây dựng hồ sơ dự thảo Nghị định về xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT). Nghị định này xây dựng trên cơ sở luật Thi đua, khen thưởng năm 2022. Theo đó, đối tượng được xét tặng danh hiệu sẽ được bổ sung thêm. Cụ thể, bên cạnh nghệ sĩ biểu diễn vẫn được xét tặng từ trước tới nay, còn thêm đối tượng "người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật". Với sự bổ sung này, các nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng đứng trước cơ hội được nhận danh hiệu NSND, NSƯT.
Theo dự kiến, đối với danh hiệu NSND, bên cạnh các quy định chung, nghệ sĩ cần có ít nhất 2 giải vàng quốc gia, trong đó một giải vàng cá nhân hoặc có ít nhất 3 giải vàng quốc gia nếu không có giải vàng cá nhân. Một số trường hợp có cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật nhưng thiếu giải thưởng sẽ trình Thủ tướng quyết định. Bà Thủy cũng cho biết sẽ có các quy định về quy đổi giải thưởng, trong đó có các giải thưởng quốc tế, các giải thưởng cuộc thi trong nước. "Từ trước tới nay, việc xét quy đổi giải thưởng sẽ do các đơn vị quản lý của Bộ thực hiện như: quy đổi giải thưởng điện ảnh do Cục Điện ảnh chịu trách nhiệm, quy đổi giải thưởng nhiếp ảnh, mỹ thuật sẽ do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm thực hiện, quy đổi giải thưởng ca múa nhạc do Cục Nghệ thuật biểu diễn chịu trách nhiệm", Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nói.
Cũng theo bà Thủy, hiện dự thảo đã có một bảng quy định về quy đổi, tuy nhiên sẽ phải có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn về việc quy đổi này. Văn bản đó sẽ cụ thể hơn về việc giải thưởng nào được phép, giải thưởng nào không được phép quy đổi, trong đó có cả giải thưởng các cuộc thi quốc tế… "Quy định đó sẽ cụ thể, chứ không phải cuộc thi nào cũng được phép quy đổi", bà Thủy nêu quan điểm.
Bạt ngàn cuộc thi, đủ loại giải thưởng
Nhiếp ảnh đang đứng trước một "vận hội lớn", cơ hội phong tặng danh hiệu cho các nghệ sĩ. Mặc dù vậy, việc quy đổi giải thưởng nhiếp ảnh đang trở thành vấn đề rất đau đầu. "Chúng ta có nhiều người chụp ảnh hơn, cũng có nhiều người dự thi các cuộc thi nhiếp ảnh hơn. Các cuộc thi nhiếp ảnh trong nước lẫn ngoài nước cũng nhiều, việc gửi dự thi không có gì khó khăn, cá nhân có thể tự gửi dễ dàng. Vì thế, yêu cầu xem xét chất lượng của các giải sẽ nhiều hơn, mất thời gian hơn", nhiếp ảnh gia Lê Huy cho biết.
Có một quan điểm tồn tại nhiều năm trong giới nhiếp ảnh là thường coi trọng các giải thưởng có yếu tố quốc tế, tuy chính họ lại thiếu thông tin về uy tín, cách thức tổ chức của giải thưởng đó. Tuy nhiên, quan điểm này hiện đang lung lay. Còn nhớ, cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế tại VN 2017 bị kêu ca có 2/3 là tác giả Việt nhưng lại tự nhận là cuộc thi quốc tế. Ông Vũ Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN khi đó, cho biết đó là cuộc thi mở 2 năm/lần và Liên đoàn Nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế FIAP không quy định cuộc thi quốc tế (đơn vị bảo trợ) phải có bao nhiêu phần trăm người dự thi quốc tế tham gia. Tại cuộc thi đó, ông Khánh bị cho "vừa đá bóng vừa thổi còi" khi ông vừa làm ban tổ chức, vừa có ảnh dự thi và có giải.
Với cuộc thi ở nước ngoài, mọi chuyện phức tạp hơn nhiều. Nhiếp ảnh gia Trần Việt Văn là người được nhiều giải thưởng các cuộc thi ảnh quốc tế. Theo tổng hợp tính đến 2021, ông Việt Văn có giải thưởng The Prix de la Photographie Paris (Pháp, đoạt giải 9 năm), International Photography Awards (IPA, Mỹ, đoạt giải 9 năm), London International Creative Competition (LICC, Anh), Moscow International Foto Awards (MIFA, Nga), Tokyo International Foto Awards (TIFA, Nhật)… "Cả 5 giải thưởng nhìn có vẻ to và không thể… quốc tế hơn. Nhưng sau khi nghiên cứu, tôi phát hiện cả 5 giải này đều trực thuộc một công ty mẹ là Tập đoàn Farmani ở Mỹ, chuyên tạo giải để kiếm lời", giám tuyển nghệ thuật Ace Lê cho biết.
Cũng theo ông Ace Lê, các giải thưởng này đều có chung một công thức kinh doanh. Trang web thiết kế copy với nội dung, cách thức tổ chức giống hệt nhau như nhân bản vô tính. Người dự thi mất 15 - 60 USD một lần gửi bài dự thi. Nghe thì ít nhưng thống kê mới thấy họ tính toán giỏi. Ví dụ IPA có 15.000 bài đăng ký thường niên, thì doanh thu xấp xỉ 500.000 USD, chưa kể tài trợ và bán sách ảnh. Ban tổ chức trích 5 - 10% số tiền thu được làm tiền thưởng.
Ông Ace Lê cũng cho biết số lượng người thắng giải của Farmani là rất nhiều. Có khoảng trên dưới 10 hạng mục, mỗi hạng mục có 1 người thắng giải chung cuộc, 1 người về nhì, sau đó là cả chục giải vàng, chục giải bạc, vài chục giải đồng cho mỗi hạng mục, và thêm nhiều giải khuyến khích nữa. "Việc đặt tên vàng, bạc, đồng đã là rất mập mờ đánh lận con đen - trúng tâm lý giải bé xé ra to", ông Ace Lê nêu quan điểm.
Một "kỷ lục gia" giải thưởng nhiếp ảnh mới đây là ông Vũ Hải với 1.128 giải thưởng. Ông cho biết trong 18 tháng (9.2021 - 3.2023) đã tham dự 368 cuộc thi ảnh trên thế giới, ở hơn 70 quốc gia thuộc 5 châu lục và có 6.354 tác phẩm được triển lãm, đoạt 1.128 giải thưởng. Trong khi đó, các tác phẩm được giải của ông lại không được chính giới cầm máy trong nước đánh giá cao. "Đấy là những bức ảnh chỉ ở mức thấp. Ông ấy chỉ dám khoe huy chương mà không dám khoe tác phẩm. Nên danh sách các giải thưởng cần được rà soát cụ thể, tránh các giải dễ chỉ cần nộp tiền thi là có", nhiếp ảnh gia Lê Huy nói.
Ở cấp độ hội nhiếp ảnh địa phương, cũng có những giải thưởng gây tranh cãi. Hà Nội thường xuyên có những giải thưởng nhiếp ảnh "thảm họa". Tác phẩm đoạt giải cao của Hà Nội thậm chí có bức mắt nhân vật bị nhắm kiểu "con bay con đậu". Một tác phẩm khác là người bắn súng nhưng lại nhắm tịt mắt dùng để ngắm bắn…
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết ban soạn thảo đang làm dự thảo, sau đó sẽ đưa ra xin ý kiến. Bà cũng thấu hiểu việc không phải giải thưởng nhiếp ảnh nào cũng có giá trị như nhau. "Chúng tôi rất cần sự đóng góp ý kiến", bà Thủy nói.
Bình luận (0)