Thông tin nêu trên được một lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh Hải Dương xác nhận với PV Thanh Niên chiều 14.11. Theo đó, tổng số tiền xử phạt 155 trường hợp gây ô nhiễm sông Bắc Hưng Hải là trên 6,7 tỉ đồng.
Trong đó, lực lượng Công an tỉnh Hải Dương trực tiếp phát hiện, kiểm tra, xử lý 83 tổ chức, cá nhân về các hành vi đổ chất thải trái phép; xả nước thải vượt quy chuẩn gây ô nhiễm… với tổng số tiền gần 3,9 tỉ đồng.
Riêng Sở TN-MT tỉnh Hải Dương đã xử lý 32 tổ chức, cá nhân, với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 1,1 tỉ đồng.
Các tổ chức, cá nhân còn lại thuộc trường hợp bị Bộ TN-MT, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) và UBND cấp huyện trên địa bàn phối hợp kiểm tra, xử lý.
Theo Sở TN-MT tỉnh Hải Dương, hệ thống sông Bắc Hưng Hải đi qua 7 đơn vị hành chính cấp huyện trên địa bàn, gồm 6 huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Ninh Giang, Thanh Miện và TP.Hải Dương với tổng chiều dài 124 km. Hệ thống này gồm 8 tuyến của kênh trục chính, gồm: Kim Sơn, Cửu An, Tây Kẻ Sặt, Tràng Kỹ, Đình Đào, Kênh Cái, Lộng Khê - An Thổ, Lộng Khê - Cầu Xe.
Lượng nước thải phát sinh vào hệ thống Bắc Hưng Hải trên địa bàn tỉnh khoảng 118.504 m3/ngày đêm, trong đó nước thải sinh hoạt của các khu đô thị, khu dân cư tập trung phát sinh khoảng 95.250 m3; của các khu công nghiệp khoảng 11.070 m3; của các cơ sở ngoài khu, cụm công nghiệp phát sinh khoảng 7.000 m3, còn lại là nước thải của hơn 300 doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp, nước thải y tế.
Liên quan đến kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải, hồi tháng 4, Báo Thanh Niên đã đăng tải loạt bài về tình trạng đầu độc kênh thủy lợi này. Trong đó, nước thải từ khu công nghiệp dệt may Phố Nối B (H.Yên Mỹ, Hưng Yên) là một trong những địa điểm đen về ô nhiễm.
Cụ thể, tại khu công nghiệp xuất hiện tình trạng nước thải không đổ về nhà máy xử lý nước thải số 1, mà xả thẳng ra môi trường, thông qua hệ thống thoát nước mưa với thủ đoạn dùng ống ngầm tinh vi.
Sau khi vạch trần hành vi xả thải trộm, nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp dệt may Phố Nối B đã bị chính quyền sở tại ra quyết định xử phạt.
Đặc biệt, qua loạt bài Báo Thanh Niên đăng tải, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C05) Bộ Công an đã cử trinh sát và cán bộ nắm tình hình và trực tiếp lấy mẫu nước, đồng thời có điện chỉ đạo Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên phối hợp với các sở, ban, ngành của địa phương tiến hành xử lý.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Công an cũng chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra để phát hiện, xử lý, xử phạt những doanh nghiệp, đơn vị xả thải ra môi trường, làm ảnh hưởng đến hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải; nếu xử lý hành chính, xử phạt nhiều lần vẫn không khắc phục thì phải khởi tố để xử lý hình sự. Đồng thời, Bộ trưởng yêu cầu C05 hướng dẫn công an các địa phương làm điểm một số vụ để nêu gương, cảnh tỉnh.
Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải (còn gọi là sông Bắc Hưng Hải) là công trình thủy lợi lớn nhất miền Bắc một thời, từng được gọi là đại thủy nông Bắc Hưng Hải.
Đây là hệ thống kênh, đập, trạm bơm, đê điều nhằm phục vụ tưới tiêu và thoát úng cho một vùng tứ giác nước được giới hạn bởi sông Hồng ở phía tây, sông Đuống ở phía bắc, sông Thái Bình ở phía đông và sông Luộc ở phía nam.
Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương đều có một phần địa bàn nằm trong tứ giác này nên hệ thống được đặt tên là Bắc Hưng Hải.
Bình luận (0)