Đấu giá đất Thủ Thiêm : Doanh nghiệp tiếp tục bỏ cọc

09/02/2022 06:58 GMT+7

Chiều 8.2, nguồn tin của Báo Thanh Niên cho biết, Công ty TNHH đầu tư phát triển và thương mại Bình Minh (Công ty Bình Minh) đã có văn bản gửi đến các cơ quan chức năng về việc xin bỏ cọc lô đất 3-9.

“Nghe thông tin có 2 doanh nghiệp bỏ cọc”

Trong vụ đấu giá đất tại khu đô thị Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức, TP.HCM) gây choáng thị trường cuối năm 2021, Công ty Bình Minh trúng đấu giá lô đất 3-9 với số tiền 5.026 tỉ đồng, cao hơn giá khởi điểm gấp 6,9 lần. Để trúng đấu giá lô đất trên, Công ty Bình Minh đã phải vượt qua 13 doanh nghiệp (DN) khác với 140 lượt gọi giá. Chiều 8.2, “râm ran” thông tin các DN trúng đấu giá cũng theo chân Tập đoàn Tân Hoàng Minh “bỏ của chạy lấy người”.

Sau Tân Hoàng Minh, đến lượt Công ty Bình Minh xin bỏ cọc đấu giá ở Thủ Thiêm

Đặc biệt, tại buổi sơ kết tháng 1 diễn ra sáng 8.2, ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho biết Phòng Quản lý đất (thuộc Cục Thuế) báo cáo chứng từ trên hệ thống thuế chưa ghi nhận 4 DN trúng đấu giá đất tại khu đô thị Thủ Thiêm nộp tiền sử dụng đất. Cơ quan thuế đang chờ thêm thời gian để nhận thêm thông tin từ phía Kho bạc Nhà nước. Theo quy định, trước ngày 6.2, 4 DN trúng đấu giá đất Thủ Thiêm phải nộp 50% tiền sử dụng đất và nộp đầy đủ 37.364 tỉ đồng trước ngày 6.4. Riêng 3 DN có phần diện tích thực hiện chức năng thương mại dịch vụ cần đóng thêm 1,5 tỉ đồng lệ phí trước bạ.

Sau Tân Hoàng Minh, có thêm doanh nghiệp bỏ cọc trúng đấu giá đất tại Thủ Thiêm

NGỌC DƯƠNG

Trước đó, theo thông báo thuế phát hành từ đầu tháng 1, Công ty CP Dream Republic trúng đấu giá lô đất 3-5 có diện tích 6.446 m2 sẽ phải đóng 3.820 tỉ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng lệ phí trước bạ. Mức giá mà công ty này trúng đấu giá cao gấp 6,6 lần giá khởi điểm. Công ty CP Sheen Mega trúng đấu giá lô đất 3-8 rộng hơn 8.500 m2 sẽ phải đóng 4.000 tỉ đồng tiền sử dụng đất (giá đấu thành công cao gấp 4 lần so với mức khởi điểm). DN thứ ba là Công ty Bình Minh trúng đấu giá lô đất 3-9, cần đóng 5.026 tỉ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ (giá trúng đấu giá cao gấp 6,9 lần so với giá khởi điểm). Mức giá trúng đấu giá cao kỷ lục gấp 8,3 lần so với giá khởi điểm thuộc về Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt (thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) cho lô đất 3-12 với diện tích gần 10.060 m2. Công ty này phải đóng tiền sử dụng đất 24.500 tỉ đồng. Cuối tháng 1 vừa qua, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã xin không tiếp tục mua lô đất 3-12 và xin chịu mất tiền cọc.

Phía cơ quan thuế cho biết hiện mới nghe thông tin có thêm 2 DN bỏ cọc, không nộp tiền sử dụng đất, nhưng chưa nhận được công văn chính thức về việc công ty trúng đấu giá lô đất tại khu đô thị Thủ Thiêm đơn phương chấm dứt hợp đồng trúng đấu giá. Chính vì vậy, thông báo thuế mà cơ quan này ban hành trước đó vẫn chưa xử lý thu hồi, khi nào UBND TP.HCM có quyết định chính thức về việc hủy công nhận kết quả trúng đấu giá, cơ quan thuế sẽ thu hồi thông báo nộp tiền sử dụng đất của đơn vị trúng đấu giá đất.

Không đóng tiền sẽ hủy kết quả, mất tiền cọc

Không chỉ cơ quan thuế mà trên thị trường cũng “râm ran” việc có thêm 2 DN trúng đấu giá đất Thủ Thiêm bỏ cọc, không nộp tiền trúng đấu giá đất. Liên quan đến thông tin này, ông Huỳnh Phước Nghĩa, chuyên gia tư vấn cao cấp tại Công ty GIBC, cho rằng thông tin bỏ cọc của các DN trúng đấu giá đất Thủ Thiêm, nối gót Tập đoàn Tân Hoàng Minh, không gây bất ngờ cho nhiều DN trong ngành bất động sản cũng như dự báo của bản thân ông và một số chuyên gia tài chính. Bởi số tiền trúng đấu giá nói trên, ít nhất cũng gần 4.000 tỉ đồng, là một con số khá lớn trong bối cảnh hệ thống ngân hàng vẫn đang siết việc cho vay bất động sản. Huy động đủ số tiền nói trên cũng không dễ. Hơn nữa, bản thân các công ty trên chỉ mới thành lập với số vốn khá ít ỏi, nên sau khi Tân Hoàng Minh bỏ cọc, họ cũng có thể sẽ “suy nghĩ” lại, nhất là về khả năng tạo ra lợi nhuận như thế nào của khu đất đó.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này khẳng định: Giả sử cả 3 DN còn lại sau Tân Hoàng Minh đều bỏ cọc thì cũng không gây thiệt hại gì với TP.HCM. Về thị trường, các lô đất ở Thủ Thiêm vẫn có sức hấp dẫn rất cao. Cuộc đấu giá trước đó đã thu hút đông đảo nhà đầu tư lớn, các công ty phát triển bất động sản nhiều kinh nghiệm tham gia, với giá đấu cũng cao hơn nhiều so giá khởi điểm. Vì vậy nếu không có gì thay đổi, các lô đất đó nếu đem ra tổ chức đấu giá lại thì sẽ nhanh chóng tìm được nhà đầu tư mới.

Gây ra nhiều hệ lụy không tốt

Để có thể sở hữu lô đất hơn 10.000 m2 tại Thủ Thiêm, Tập đoàn Tân Hoàng Minh sẽ phải tiếp tục nộp thêm gần 24.000 tỉ đồng (đã trừ gần 600 tỉ đồng tiền đặt cọc). Để có đủ số tiền trên, DN này phải đi vay từ các ngân hàng, phát hành trái phiếu hay vay từ nhà đầu tư khác. Tuy nhiên, ngay sau đó các ngân hàng từ chối cho vay đối với Tân Hoàng Minh cũng như các DN trúng đấu giá, và việc phát hành trái phiếu trong bối cảnh đang bị siết chặt là điều khiến giới kinh doanh bất động sản đều khẳng định các DN sẽ chịu mất cọc để “thoát thân”, vì có phát triển dự án cũng sẽ khó thu hồi vốn gốc chứ đừng nói là thu lợi nhuận. Điều này được minh chứng bằng việc lãnh đạo Tập đoàn Tân Hoàng Minh khẳng định việc trúng đấu giá cao như trên có thể dẫn đến sự xáo trộn và gây ra nhiều hệ lụy không tốt cho lĩnh vực bất động sản của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.

Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản

“Tôi cho rằng ảnh hưởng từ vụ bỏ cọc trên là những đơn vị tham gia đấu giá đất trong thời gian tới sẽ phải suy nghĩ thận trọng hơn. Không thể tùy tiện bỏ giá tham gia lên quá cao ngoài sự tưởng tượng hay định giá của thị trường gấp nhiều lần. Ngay sau khi Tân Hoàng Minh bỏ cọc, tâm lý nhà đầu tư hay cả bản thân các DN với kỳ vọng tăng nóng đối với giá đất ở nhiều nơi tại TP.HCM và cả các tỉnh thành khác cũng đã hạ nhiệt. Tôi tin rằng cùng với những điều chỉnh gần đây từ cơ quan quản lý như siết chặt về thuế đối với giao dịch bất động sản và các quy định liên quan, cũng góp phần chặn bớt những kỳ vọng tăng giá cục bộ, tăng giá ảo để đưa thị trường quay trở lại tăng trưởng tự nhiên”, ông Huỳnh Phước Nghĩa nói.

Trong khi đó, theo thông báo từ Cục Thuế TP.HCM, chậm nhất 30 ngày kể từ ngày phát hành thông báo thuế (6.1), người sử dụng đất phải nộp 50% tiền sử dụng đất. Chậm nhất 90 ngày kể từ ngày phát hành thông báo, người sử dụng đất phải nộp 50% tiền sử dụng đất còn lại. Theo quy định, quá thời hạn 180 ngày kể từ ngày ký thông báo thuế mà người trúng đấu giá không nộp đủ tiền mua tài sản đấu giá thì vi phạm hợp đồng mua bán. Khi đó, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM (Sở Tư pháp TP.HCM) sẽ thông báo về việc không nộp đủ tiền mua tài sản đấu giá để Trung tâm Phát triển quỹ đất báo cáo Sở TN-MT trình UBND TP.HCM hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá. Người trúng đấu giá không nộp hoặc không nộp đủ tiền trúng đấu giá theo thời gian trên sẽ không được nhận lại tiền đặt trước (20% so với giá khởi điểm).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.