Tuy nhiên, do người bán không biết giá và lo sợ bị tịch thu nên trong những ngày đầu, 1 kg kỳ nam tại làng Tốt chỉ được người địa phương mua với giá 2 triệu đồng. Sau đó, do có nhiều thương lái các nơi đổ về nên giá 1kg được nâng lên 10, 20, 100 rồi 200 triệu. Đó là giá mua tại làng Tốt. Vượt mấy mươi cây số đường rừng, khi kỳ nam được đưa qua quốc lộ 24, giá ấy được đẩy lên cao hơn trước nửa tỉ! Có thể đây là giá đã bao gồm phí "bảo hiểm", cũng có thể là thủ thuật "dẹp đám" của các "đại gia" để găm hàng, chờ các tay buôn nước ngoài lên tiếng.
So với các mức giá 300 - 450 triệu đồng được các thương lái ấn định đối với kỳ nam từng phát hiện tại Quảng Nam, Phú Yên thì giá 700 triệu đồng là cao kỷ lục lúc này. Mức giá trên có lý bởi theo giới trầm hương quốc tế, nguồn hàng này cực kỳ quý hiếm và kỳ nam Việt Nam gần như là nguồn độc nhất trên thế giới hiện nay. Vùi dưới đất 1.000 năm trầm kỳ vẫn định hương và trong một số trường hợp nó còn được các thầy thuốc Đông - Tây xem như biệt dược.
Theo giới buôn bán trầm kỳ, những người cuối cùng sử dụng kỳ nam thuộc giới thượng lưu ở các quốc gia dầu mỏ Trung Đông và các hãng sản xuất mỹ phẩm lừng danh quốc tế nên khi được đưa ra nước ngoài, giá kỳ nam Việt Nam sẽ tăng gấp rưỡi hoặc gấp đôi. Với giá ấy, nếu 200 kg kỳ nam Ba Tơ được bán tận ngọn, số tiền thu về sẽ từ 200 tỉ đến 300 tỉ đồng! Một nguồn tài sản cao vòi vọi, vậy mà những diễn biến hiện nay cho thấy, nó vẫn còn bị "xem rẻ" biết chừng nào!
Dân gian quan niệm "lộc trời, ai được cho thì hưởng" trong khi các cơ quan chức năng thì bảo "nếu bắt được sẽ thu hồi". Kỳ thực, đã bao lần chưa ai thấy chút trầm kỳ nào bị "bắt tận tay, day tận trán". Những chuyến hàng vẫn ra đi, những đoạn kỳ nam Ba Tơ vẫn đang theo nhau rời khỏi rừng trên đường độc đạo trong đêm. Tin giờ chót đêm 5/9, đã có gần 100 kg kỳ Ba Tơ đã đến Đài Loan (?). Người làng Tốt, rộng ra hơn là xã Ba Lế, đã bị thất thoát một món tiền rất lớn do bị hớ giá, do sợ bị bắt và do không được ai tư vấn, trợ giúp ngay từ đầu về các quy định của pháp luật, về giá kỳ nam trên thị trường Việt Nam và thế giới.
Trong thực tế, dù đã có những văn bản định danh, điều chỉnh cách thức quản lý mặt hàng này nhưng hiện nay vẫn đang tồn tại quan niệm trầm kỳ là hàng quốc cấm. Theo chúng tôi, đó là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Do vậy, đã đến lúc chúng ta cần suy nghĩ lại. Những cây dó chết rục trong rừng, những cội kỳ nam phí hoài cùng năm tháng dưới đất rừng thế mà khi ai đó phát hiện được thì phải trốn chui trốn nhủi. Những thương lái đặc doanh trầm kỳ cũng gần như thế, họ bị xem như đi buôn hàng lậu, trong khi nếu không có họ thì kỳ nam không thể cao giá như bây giờ.
Đã đến lúc cần xem trầm kỳ là một loại hàng hóa đặc biệt thu hoạch từ rừng và cần có quy định thỏa đáng phân chia lợi nhuận cho các cơ quan, cá nhân phát hiện, khai thác và nâng cao giá trị của nó trên thương trường quốc tế. Nước ta đã từng tổ chức thành công các cuộc đấu giá cổ vật, kim cương, yến sào... còn với kỳ nam, tại sao không? Hãy đưa mặt hàng quý hiếm này ra ánh sáng, sự minh bạch chắc chắn sẽ tốt hơn tình trạng u ám hiện nay.
Đặng Ngọc Khoa
Bình luận (0)