Tiền lệ “bùng đấu giá”
Ngày 8.6, đại diện Công ty cổ phần bán đấu giá Lạc Việt cho biết người trúng đấu giá cặp chóe Tứ Linh tại phiên đấu giá tác phẩm nghệ thuật đầu tiên tại VN đã từ chối mua sản phẩm này. Trước đó, ngày 28.5, ông Vũ Mạnh Hùng (đại diện trả giá thay ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) đã trúng đấu giá cặp chóe Tứ Linh ở mức trả giá 6 tỉ 50 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó cũng chính ông Hùng, đại diện cho ông Dũng, đã từ chối mua tài sản đấu trúng tại phiên đấu giá nêu trên.
Theo Lạc Việt, như vậy, khách hàng Vũ Mạnh Hùng sẽ bị xử lý theo quy định là không được hoàn trả tiền đặt cọc 50 triệu đồng. Cặp chóe Tứ Linh sẽ được bán cho người trả giá liền kề là ông Đỗ Quý Hải, Chủ tịch Tập đoàn Hải Phát với giá trúng là 6 tỉ đồng. Lạc Việt cho biết ông Hải đã đồng ý mua lại cặp chóe này. Như vậy, việc trúng mà không mua đã xảy ra. Điều này không giống như bà Nguyễn Thị Phượng, Giám đốc khu vực miền Bắc của Lạc Việt, từng cho rằng: “Chủ của đôi chóe là một tập đoàn rất lớn rồi. Với uy tín của người ta thì người ta không thể đánh đổi đâu”, khi được PV Thanh Niên hỏi về khả năng “bùng đấu giá” của người đấu thắng.
Chiều 8.6, bà Phượng cho biết sau khi liên lạc và ông Hải đồng ý sẽ mua lại cặp chóe, Lạc Việt dự kiến ngày 12.6 sẽ trao cặp chóe này. “Hiện đang thảo hợp đồng”, bà Phượng nói thêm. Song bà không dám chắc việc giao kết hợp đồng bằng văn bản này đã hoàn thành hay chưa, điều này cần phải liên lạc với tổng giám đốc là bà Đỗ Thị Hồng Hạnh. Tuy nhiên, phóng viên đã không thể liên lạc với bà Hạnh qua điện thoại.
|
|
|
Nhiều người cứ rủ tôi mở một sàn đấu giá tác phẩm nghệ thuật nhưng tôi nghĩ VN chưa làm được do còn nhiều vấn đề về con người, rồi nhận thức, văn hóa... Chờ ý thức của người ta lớn lên đã, song song với quốc tế thì mới làm đấu giá nghệ thuật được
|
|
|
Nhà sưu tập Nguyễn Minh
|
|
|
Không phải đến bây giờ mới diễn ra hiện tượng “bùng” ở các cuộc đấu giá. Năm 2004, doanh nhân trả 1 tỉ 10 triệu đồng cho chiếc sim số 0988888888 của Viettel trong một chương trình đấu giá từ thiện đã không trả số tiền như đã cam kết. Năm 2010, bức tranh gạo của ca sĩ Quang Dũng cũng được trả giá cao nhất 10.000 USD trong một chương trình khác. Tuy nhiên, tiền vẫn không được thanh toán cho Mặt trận Tổ quốc Bình Định đúng như cam kết.
Văn hóa đấu giá
Họa sĩ Lê Thiết Cương, người chịu trách nhiệm chuyên môn về mỹ thuật của cuộc đấu giá nghệ thuật đầu tiên, cho rằng việc người thắng đấu không mua tác phẩm cho thấy bộ mặt văn hóa đấu giá hiện nay, khi người có tiền không chắc là có văn hóa trong đấu giá. “Họ là doanh nhân rồi chứ có phải là người buôn thúng bán mẹt nữa đâu mà cọc thấp, trả giá cao rồi bùng”, ông Cương nói.
Nhà sưu tập Nguyễn Minh hoàn toàn không ngạc nhiên về việc từ chối mua này. Ông Minh đã dự nhiều cuộc đấu giá ở các nhà đấu giá lớn trên thế giới tại Hồng Kông, châu Âu, châu Mỹ, mang về rất nhiều tranh của các họa sĩ thời Mỹ thuật Đông Dương.
“Khi đi đấu giá ở nước ngoài thì lần đầu phải đặt một số tiền cọc, còn những lần sau quen rồi, có tài khoản đấu giá rồi thì không cần đặt. Lần đầu người ta sẽ hỏi mình dự định mua bức tranh nào rồi yêu cầu đặt cọc. Cũng không hẳn số tiền cọc phải theo phần trăm giá trị bức tranh đâu. Thường là bọn mình đặt khoảng 50.000 hoặc 100.000 USD (tương đương từ 1,1 - 2,2 tỉ đồng tùy thời điểm - NV)”, ông Minh nói. Theo ông Minh, dù cọc vẫn phải đặt nhưng ở nước ngoài rất ít khi có trường hợp đấu trúng mà không mua. “Họ đã có văn hóa đấu giá từ lâu đời rồi”, ông nói thêm.
Ông Minh cho biết, trước đây cũng từng có một vài lần đấu giá cổ vật tại VN, người đấu thắng sau đó không trả tiền mua đồ. “Thậm chí có trường hợp hỏi làm sao đấu giá thắng mà không lấy, người ta còn quay ra chửi. Thì phải chịu chứ làm thế nào. Tự dưng thành tiền lệ xấu. Nói thật nhiều người cứ rủ tôi mở một sàn đấu giá tác phẩm nghệ thuật nhưng tôi nghĩ VN chưa làm được do còn nhiều vấn đề về con người, rồi nhận thức, văn hóa… Chờ ý thức của người ta lớn lên đã, song song với quốc tế thì mới làm đấu giá nghệ thuật được”, ông Minh nói.
Chỉ quy định đặt cọc không quá 15% giá khởi điểm
Khoản 1 điều 29, Nghị định 17/2010/NĐ-CP về đấu giá tài sản quy định:
Người tham gia đấu giá tài sản phải nộp phí tham gia đấu giá và khoản tiền đặt trước. Phí tham gia đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.
Khoản tiền đặt trước do tổ chức bán đấu giá tài sản và người có tài sản bán đấu giá thỏa thuận quy định nhưng tối thiểu là 1% và tối đa không quá 15% giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá.
|
Hành vi “biến mất khi phải trả tiền” bị lên án
Tạp chí Newsweek, trong bài Những nhà sưu tầm Trung Quốc biến mất khi phải trả tiền đăng tải tháng 4.2011, đã thông tin về việc nhiều nhà sưu tầm Trung Quốc khiến giới chơi đồ cổ thế giới choáng váng khi đưa ra những mức giá cao ngất ngưởng để mang về những cổ vật Trung Hoa lưu lạc từ các nhà đấu giá danh tiếng như Sotheby, Christie. Tuy nhiên các tay sưu tập Trung Quốc cũng đang khiến các nhà đấu giá quốc tế đau đầu bởi họ có thể đưa ra một số tiền lớn khi đấu giá, nhưng yêu cầu họ trả số tiền này cực kỳ khó khăn, và tình trạng này đang có xu hướng tăng lên.
Newsweek dẫn chứng: Tháng 11.2010 hai người Anh đã bán một chiếc bình Trung Hoa có từ thế kỷ 18 thông qua một công ty đấu giá nhỏ của Anh. Một công ty bất động sản Trung Quốc đã thắng khi bỏ giá 83 triệu USD, lập nên kỷ lục thế giới về giá mua cho một tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc. Thế nhưng đến thời điểm Newsweek đăng bài thì người bán vẫn đang dài cổ chờ người mua chuyển tiền tới. Hoặc một người Trung Quốc có tên Cai Mingchao sau khi thắng trong cuộc đấu giá cổ vật 2 đầu thú bằng đồng đã từ chối trả tiền. Đầu tháng 4.2011, nhà sưu tập ở Hồng Kông Nicholas Coulson trở thành người đầu tiên kiện một nhà đấu giá quốc tế (Christie) ra tòa vì đã chậm trễ chuyển cho ông món tiền từ người mua là người Trung Quốc.
Để ngăn chặn tình trạng này, tháng 4.2011 nhà đấu giá Sotheby đã yêu cầu người đăng ký phải đóng tới 500.000 USD tiền cọc mới được tham dự phiên đấu giá một cổ vật Trung Quốc, dẫn tới việc 30% số vật phẩm đấu giá hôm đó đã không có chủ mới, bởi khá nhiều người mua tiềm năng không tham gia do “cảm thấy bị xúc phạm trước yêu cầu đặt cọc này”. Theo tạp chí Art in America, nhà đấu giá Christie cũng đã yêu cầu đặt cọc đối với những cổ vật châu Á có giá trị cao, và tiền cọc sẽ tùy vào từng cổ vật cụ thể.
Xuyên Vân
|
Bình luận (0)