Nhiều chị em chỉ để ý đến chất lượng tốt, bền, đẹp của chiếc xe, nhưng chính kiểu dáng xe và phương pháp tập mới là yếu tố quyết định.
Xe đạp tại chỗ có hai loại chính. Xe đạp đứng có yên cao tương tự xe đạp thông thường, chân thẳng góc với sàn nhà và bàn đạp nằm thấp dưới chậu hông (hình 1). Dạng điển hình của loại này có tay vịn khá cao giữ cho lưng thẳng. Dạng khác của loại đứng dùng dây sên và bánh đà có tay vịn thấp hơn, người tập phải cúi tới trước giống như cuarơ (hình 2).
Loại thứ hai có lưng tựa, yên thiết kế thấp hơn với bàn đạp nằm phía trước (hình 3). Người tập giống như đang ngồi ghế dựa dùng sức đạp đẩy người về sau. Những người khó giữ thăng bằng như béo phì, lớn tuổi, chấn thương chi dưới... cảm thấy thoải mái hơn khi được dựa lưng.
Hiệu quả khác biệt
|
|
Xe đạp tại chỗ thuộc nhóm rèn luyện hệ tim mạch, tuy nhiên các kiểu dáng mang lại hiệu quả rèn luyện tương đối khác biệt. Vị trí ngồi tựa lưng cho nhịp tim và lượng tiêu thụ oxy thấp hơn trong bài tập cường độ trung bình, có thể do chân nâng cao giúp máu trở về tim dễ dàng hơn và gia tăng lượng máu tống đi trong mỗi nhịp tim. Vì xe đạp tựa lưng tập nhẹ nhàng hơn nên được khuyến khích dùng cho người có thể trạng kém, không vững vàng hoặc có vấn đề tim mạch như huyết áp thấp, thiếu máu cơ tim...
Chính kiểu dáng xe và phương pháp tập mới là yếu tố quyết định
|
|
Tư thế ngồi trên xe đạp có ảnh hưởng đến sức chịu lực của cột sống và các khớp. Một số người nhạy cảm dễ bị đau lưng (ví dụ công việc phải đứng lâu, đi nhiều) nên chọn loại ghế tựa giúp thả lỏng cơ lưng. Loại tay vịn thấp như xe đua làm gập lưng rất dễ gây đau lưng và đau vai cổ, nhất là khi tập tăng lực ma sát trong tư thế ngồi, do đó không nên tập quá lâu. Muốn bớt đau lưng chúng ta nên chỉnh tay vịn càng cao càng tốt cho mọi loại xe đạp. Nếu cần thiết phải tập nghiêng người tới trước thì lưu ý ngồi cao lên, nâng lồng ngực, dùng sức cơ lưng và cơ bụng giữ đường cong tự nhiên ở thắt lưng hơi ưỡn nhẹ chứ không được gù lưng.
Bàn đạp quá gần
Nhiều người leo lên xe đạp là cắm cúi tập mà quên điều chỉnh yên cho phù hợp, thường gặp ở các phòng tập hay khi dùng chung ở nhà. Với khớp gối, rất quan trọng phải để yên đủ cao trong loại đứng hoặc đủ xa trong loại tựa lưng để chân gần như được duỗi thẳng hết tại điểm xa nhất của vòng quay (nhưng tránh xa quá phải nhón chân). Chị N đã để bàn đạp quá gần khiến khớp gối luôn bị gập trong quá trình đạp xe, dẫn đến tăng áp lực lên mặt khớp và gân cơ quanh khớp gây đau gối, đặc biệt là khi tăng tốc độ hoặc tập “leo dốc”.
Kỹ thuật tập sai cũng có thể gây đau gối. Tăng khối lượng, cường độ, thời gian tập quá nhanh sẽ mau yếu hơn là mau khỏe vì cơ thể chưa kịp thích nghi. Vài tuần đầu chỉ cần đạp không tải và tăng dần về thời gian. Giai đoạn kế tiếp xen kẽ cách ngày tập tăng tốc độ, cứ 10 phút bình thường rồi 5 phút đạp nhanh. Sau nữa là tập tăng cường độ hai ngày trong một tuần, 10 phút bình thường rồi đến 5 phút đạp nặng với lực ma sát.
Song song với tập đạp xe, chúng ta tập bổ trợ cho cân bằng và ổn định thể lực bằng các bài tập kéo dãn, đi bộ, đá tạ và đi bơi để xả cơ, có thể vào ngày nghỉ đạp xe trong tuần hay vào buổi còn lại trong ngày. Một số kiểu xe cho phép tập đạp ngược để rèn luyện thêm cho nhóm cơ đối vận.
Nói chung loại xe đạp nào cũng tập được, chỉ tùy đặc điểm của mỗi người mà chúng ta sẽ lựa chọn sao cho thích hợp nhất.
BS Tô Minh Châu
(Hội Y học thể thao TP.HCM/Tuổi Trẻ)
Bình luận (0)