Bệnh nhân tiểu đường sẽ có lượng đường trong máu cao hơn mức bình thường. Điều này là do cơ thể tiết ra quá ít insulin hoặc không thể sử dụng insulin một cách hiệu quả. Tiểu đường có tiểu đường loại 1 và loại 2, trong đó tiểu đường loại 2 phổ biến hơn rất nhiều, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).
Bệnh tiểu đường khiến các mạch máu bị thu hẹp, làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. Người bệnh cũng có thể bị tổn thương dây thần kinh, còn được gọi là bệnh thần kinh ngoại biên. Tổn thương này có thể xảy ra ở bàn tay, bàn chân hay bất kỳ vị trí nào trong hệ thần kinh ngoại biên.
Viêm nhiễm là một triệu chứng phổ biến khác của bệnh tiểu đường. Với bệnh nhân tiểu đường loại 2, tế bào mỡ sẽ giải phóng nhiều cytokine hơn. Chất này sẽ góp phần gây viêm nhiễm trong cơ thể. Kháng insulin sẽ khiến viêm nhiễm thêm nghiêm trọng.
Không có bộ phận nào trong cơ thể có thể tránh được tác động của viêm nhiễm. Nếu viêm nhiễm xảy ra ở hàm, người bệnh sẽ bị đau nhức khớp thái dương hàm. Nói cách khác, tiểu đường sẽ làm tăng nguy cơ bị viêm khớp thái dương hàm.
Các triệu chứng của viêm khớp thái dương hàm là cảm giác đau ở hàm, mặt và cổ. Người bệnh có thể không thể mở miệng hoàn toàn được và nghe thấy tiếng lộp cộp khi cử động hàm. Hàm sẽ cứng, sưng và khiến hoạt động nhai trở nên khó khăn.
Các chuyên gia khuyến cáo nếu bỗng dưng cảm thấy cơn đau hàm không rõ nguyên nhân và kéo dài thì cần đến bác sĩ để kiểm tra đường huyết. Trong khi đó, với người đã có bệnh tiểu đường thì cần theo dõi sức khỏe hàm. Nếu cảm thấy bất thường thì nên đến khám bác sĩ ngay để được điều trị kịp thời.
Khi thấy các triệu chứng nghi ngờ là viêm khớp thái dương hàm, bác sĩ sẽ yêu cầu chụp MRI. Phương pháp điều trị thường thấy là kê thuốc hoặc nẹp khớp hàm nếu cần.
Các trường hợp viêm khớp thái dương hàm ít nghiêm trọng thì người bệnh có thể điều trị tại nhà. Chườm ấm hay chườm mát lên hàm từ 15 đến 20 phút có thể cải thiện cơn đau.
Người bị đau hàm cũng cần thay đổi thói quen ăn uống. Vì viêm khớp thái dương hàm có liên quan đến tình trạng gia tăng viêm nhiễm trong cơ thể bệnh nhân tiểu đường. Do đó, người mắc cần phải giảm viêm trong cơ thể bằng các loại thực phẩm giàu chất kháng viêm như trái cây, rau củ.
Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là trái cây, rau củ cần phải mềm. Các loại thực vật sẽ mềm khi đã chín cây hay được chế biến. Trong một số trường hợp, ăn trái cây, rau củ cứng sẽ khiến cơn đau hàm thêm nặng. Nếu không thể nhai thì cách tốt nhất là xay sinh tố, theo Medical News Today.
Bình luận (0)