Theo số liệu do Chính phủ Mỹ công bố hôm 25.6, GDP nước này giảm 5,5% trong quý đầu tiên của năm 2009. Con số trên cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn suy giảm mạnh. Tuy nhiên, so với dự báo trước đó của Bộ Thương mại, rằng GDP Mỹ sẽ giảm 5,7% vào quý 1 năm 2009, thì con số được công bố chính thức vừa qua mang đến một tín hiệu có thể nói là tích cực.
Trong quý 4/2008, GDP Mỹ suy giảm tới 6,3%, mức kỷ lục trong nhiều thập niên. Vào lúc đó, tình hình tài chính của nhiều tập đoàn sừng sỏ cộng với tỷ lệ thất nghiệp cao tại Mỹ và những biến động lớn trong nền kinh tế thế giới đã khiến các dự báo đều hết sức bi quan. Tuy nhiên, những chuyển động sau đó, đặc biệt là sự phát huy tác dụng của các chính sách phục hồi kinh tế, đã cho thấy viễn cảnh phục hồi có thể đến sớm hơn, hoặc ít ra thì suy thoái sẽ sớm bớt trầm trọng đi.
Con số suy giảm GDP 5,5% của quý vừa qua đã khiến giới phân tích kinh tế có cái nhìn mới mẻ về hiện trạng của nền kinh tế Mỹ. Theo đó, trong quý 2/2009, sẽ kết thúc vào ngày 30.6, nền kinh tế của cường quốc số 1 thế giới có thể suy giảm thấp hơn con số 5,5% của quý vừa qua. Hãng tin AFP dẫn lời chuyên gia Augustine Faucher của website Economy.com thuộc Tập đoàn Moody nhận định: “Nền kinh tế này sẽ suy giảm ít hơn trong quý 2 - khoảng 2,0 đến 3,0% - và có thể sẽ hết suy giảm trong quý 3, sau đó bắt đầu tăng trưởng trở lại vào cuối năm”. Báo cáo mới nhất của Chính phủ Mỹ cũng cho thấy chỉ số tiêu dùng tăng 1,4%, mức tăng rất đáng kể nếu như nhìn vào con số giảm 4,3% vào quý 4/2008.
Trong khi đó, đầu tư ngoài ngành bất động sản giảm 37,3%, trong đó riêng đầu tư vào lĩnh vực phần mềm và thiết bị giảm 33,7%. Ngành nhà đất chứng kiến một sự sụt giảm nghiêm trọng, ở mức 38,8%. Trong quý vừa qua, theo Bộ Thương mại Mỹ, cả nhập khẩu lẫn xuất khẩu đều giảm, lần lượt là 36,4% và 30,6%. Báo cáo của Bộ Lao động cũng cho thấy số người nộp đơn hưởng trợ cấp thất nghiệp lần đầu tăng 15.000, tới mức 627.000, cao hơn chút ít so với dự báo.
Những số liệu trên cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn đang trong tình trạng suy thoái khi sự đình trệ trong lĩnh vực sản xuất và các bất ổn về tài chính vẫn còn phổ biến. Tuy nhiên, từng bước, nền kinh tế này đã cho thấy những dấu hiệu phục hồi. Viễn cảnh phục hồi có thể sẽ đến sớm hơn so với những dự báo bi quan trước đây.
Trong báo cáo mới nhất của mình, Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ đã nhìn nhận: “Những thông tin nhận được kể từ sau cuộc họp hồi tháng 4 của ủy ban đều cho thấy suy giảm kinh tế đang chậm lại. Dù hoạt động kinh tế vẫn ở mức yếu trong một thời gian nữa, nhưng ủy ban tiếp tục dự báo rằng chính sách nhằm bình ổn thị trường tài chính và các thể chế tài chính, các gói kích cầu và các lực lượng thị trường sẽ góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng ổn định trở lại của nền kinh tế”.
Đỗ Hùng
Bình luận (0)