Dấu hiệu trở nặng ở trẻ mắc tay chân miệng

15/04/2023 04:00 GMT+7

Tại một số đơn vị điều trị nhi trên địa bàn Hà Nội, số trẻ mắc tay chân miệng được gia đình đưa đến khám và điều trị tăng cao trong các tuần gần đây.

Theo Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư (Hà Nội), từ đầu năm đến nay tại trung tâm này có hơn 100 trường hợp trẻ nhập viện do tay chân miệng (TCM), ghi nhận một số trường hợp, bệnh nặng gây biến chứng nguy hiểm.

Tương tự, tại BV đa khoa Hà Đông (Hà Nội), Khoa Bệnh nhiệt đới cũng ghi nhận gia tăng trẻ mắc TCM nhập viện. Mỗi ngày có 10 - 15 trẻ mắc bệnh đến khám và 5 - 7 ca điều trị nội trú, trong đó có ca bệnh diễn biến nặng.

Dấu hiệu trở nặng ở trẻ mắc tay chân miệng - Ảnh 1.

Bác sĩ khám cho trẻ nghi mắc tay chân miệng tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông

Đào Hiền

Bác sĩ (BS) Trần Thị Kim Anh, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới - BV đa khoa Hà Đông, cho hay trẻ em thường có sức đề kháng yếu, chưa đủ khả năng tự bảo vệ nên dễ mắc bệnh hơn người lớn. Khi trẻ bệnh, cần đưa đi thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được hướng dẫn chăm sóc đúng.

"Đa số trẻ mắc bệnh TCM thường có những biểu hiện như: bóng nước hồng ban ở lòng bàn tay, chân. Gần đây, các BS cũng tiếp nhận điều trị một số trẻ mắc TCM gặp biến chứng với những biểu hiện bên ngoài kín đáo hơn, thường đã chuyển biến nặng độ 3, 4", BS Kim Anh lưu ý.

Qua thực tế điều trị, BS Kim Anh tư vấn: Nếu sau một ngày trẻ vẫn sốt cao thì nên đưa trẻ đi khám. Tại cơ sở y tế, trẻ có thể được làm test nhanh SARS-CoV-2, test nhanh kháng nguyên sốt xuất huyết để loại trừ. BS sẽ thăm khám xem trẻ có loét họng, có biểu hiện bóng nước hồng ban lòng bàn tay, chân, mông, gối để kịp thời phát hiện sớm và điều trị TCM, tránh tình trạng trở nặng.

TCM do vi rút Ev71 gây nên, dễ lây và hay gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ mầm non mẫu giáo rất dễ lây cho nhau. Trẻ mắc bệnh TCM thường có biểu hiện ban đầu là sốt, biếng ăn, nôn trớ. Sau sốt, trẻ mọc các nốt ở niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, bắp chân…

Bệnh TCM do vi rút gây ra và chưa có vắc xin phòng ngừa cũng như thuốc điều trị đặc hiệu, hiện chủ yếu điều trị triệu chứng. Loại vi rút này có thể tồn tại ở các vật dụng như: tay nắm cửa, đồ chơi, bàn học… rất lâu. Bên cạnh đó, bệnh lây qua tiếp xúc giọt bắn, dịch tiết. Do đó, lớp học và gia đình cần đảm bảo vệ sinh chung, vệ sinh các vật dụng, đồ chơi cho trẻ; người chăm sóc trẻ cần giữ vệ sinh cá nhân, tránh là nguồn lây nhiễm bệnh.

Theo BV Nhi T.Ư, TCM có thể gây biến chứng thần kinh (viêm màng não); biến chứng tim mạch, hô hấp (viêm cơ tim, phù phổi cấp, suy tim, trụy mạch...). Cần đưa trẻ mắc TCM đi khám khi sốt cao (từ 38,5 độ C) liên tục trong 48 giờ không đáp ứng tác dụng thuốc hạ sốt, trẻ giật mình nhiều, quấy khóc dai dẳng kéo dài.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.