Kỷ niệm 62 năm Ngày trruyền thống ngành dầu khí (27.11.1961 - 27.11.2023):

Dầu khí - ‘Đầu tàu’ của nền kinh tế Việt Nam

27/11/2023 16:30 GMT+7

Trong 62 năm ra đời và phát triển của ngành dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) luôn giữ vai trò nòng cốt với những bước tiến mạnh mẽ, trở thành "đầu tàu" của nền kinh tế Việt Nam.

Khai thác dầu khí trên mỏ Bạch Hổ

Khai thác dầu khí trên mỏ Bạch Hổ

Phát triển thần kỳ!

Ngày 27.11.1961, tổ chức dầu khí đầu tiên tại Việt Nam - Đoàn thăm dò dầu lửa được thành lập và phải đến năm 1986 mới khai thác được tấn dầu thô đầu tiên. Đến nay, sản lượng khai thác dầu khí đạt khoảng 430 triệu tấn và khoảng 180 tỉ m3 khí. Hàng năm, Petrovietnam cung cấp 9 - 11 tỉ m3 khí cho sản xuất 35% sản lượng điện quốc gia; 70% sản lượng đạm và 70 - 80% lượng khí cho các hộ tiêu thụ dân dụng cả nước. Trong lĩnh vực xăng dầu, Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất đang cung ứng 30% nhu cầu xăng dầu trong nước, đặc biệt là đáp ứng nhiên liệu theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng...

Trong đó, năm 2022, Petrovietnam đạt kỷ lục về sản lượng khai thác dầu thô với 8,98 triệu tấn; sản xuất 1,88 triệu tấn phân đạm, xuất khẩu 606.000 tấn, đóng góp 37,4% kim ngạch xuất khẩu phân bón; sản xuất xăng dầu đáp ứng khoảng 75% nhu cầu xăng dầu trong nước...

Người lao động dầu khí (ảnh: Nguyễn Trường Sơn)

Người lao động dầu khí

Ảnh: Nguyễn Trường Sơn

Petrovietnam đã đào tạo được đội ngũ lao động hùng hậu, trình độ cao. Cách đây hơn 30 năm, Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro) phải di chuyển chân đế giàn khoan từ Baku (Azerbaijan) sang lắp đặt ngoài khơi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để thăm dò, khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ. Nhưng hiện nay, ngành dầu khí có thể tự chế tạo, lắp đặt, vận hành an toàn tuyệt đối các giàn khoan thăm dò, khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam. Sản phẩm cơ khí chế tạo dầu khí được xuất khẩu mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho đất nước.

Vai trò "đầu tàu" của nền kinh tế được khẳng định đóng góp 20 - 25% tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2006 -2015 và 18 - 25% GDP cả nước. Sau 2015, Petrovietnam liên tục phải đối mặt với hàng loạt thách thức, khó khăn bởi những bất ổn của nền kinh tế, áp lực giá dầu giảm sâu, đại dịch Covid-19, các cuộc xung đột địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu... Nhưng Petrovietnam vẫn đóng góp trung bình 10 - 13% GDP cả nước; chiếm 9 - 11% tổng thu NSNN và chiếm 16 - 17% tổng thu ngân sách T.Ư. Trong đó, nguồn đóng góp ngân sách từ dầu thô chiếm 5 - 6% tổng thu NSNN. Theo đó, dầu khí đã trở thành ngành kinh tế đặc biệt, là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô quan trọng của Chính phủ.

Toàn cảnh khu công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau

Toàn cảnh khu công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau

Vững vàng bước vào giai đoạn mới

Trong bối cảnh tác động tiêu cực của nền kinh tế vĩ mô, địa chính trị, thị trường, 10 tháng đầu năm nay, Petrovietnam hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu tài chính, về đích trước từ 1,5 - 5 tháng so với kế hoạch năm.

Năm 2023 ghi nhận hàng loạt những dấu ấn quan trọng của Petrovietnam. Lần đầu tiên trong một năm, Petrovietnam đã có 2 phát hiện dầu khí mới tại Lô 16-2 (giếng khoan Hà Mã Vàng -1X) và tại lô PM3-CAA (giếng khoan Bunga Lavatera-1) Ngoài ra, Petrovietnam cùng các đối tác đã ký kết các hợp đồng liên quan và triển khai chuỗi Dự án Lô B - Ô Môn là sự kiện quan trọng nhất, đánh dấu bước tiến quan trọng của chuỗi dự án khí điện trọng điểm đã kéo dài gần 20 năm. Cuối tháng 10.2023, Kho cảng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Thị Vải công suất 1 triệu tấn/năm đượkhánh thành. Đây là kho LNG đầu tiên, lớn nhất Việt Nam, đánh dấu một bước đột phá của Petrovietnam trong việc đa dạng hóa sản phẩm, năng lượng mới, mở rộng thị trường, đáp ứng mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng, chuyển dịch và xanh hóa nguồn năng lượng quốc gia.

Ngoài ra, mảng dịch vụ dầu khí chất lượng cao cũng tạo dấu ấn khi PTSC - đơn vị dịch vụ chủ lực của Petrovietnam - đã trở thành nhà đầu tư đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được Bộ TN-MT cấp phép để triển khai các hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển để phát triển dự án điện gió ngoài khơi, phục vụ cho việc phát triển dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Việt Nam, xuất khẩu điện sạch sang Singapore. Đây cũng là một trong những dự án quan trọng góp phần hiện thực hóa bản ghi nhớ xây dựng đối tác kinh tế xanh - kinh tế số giữa Việt Nam và Singapore, chung tay hoàn thành mục tiêu đạt được 6 GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 của Quy hoạch điện VIII, cũng như cam kết Net Zero của Chính phủ Việt Nam tại COP26...

Chuyến tàu nhập khẩu LNG đầu tiên của Việt Nam cập bến kho cảng Thị Vải

Chuyến tàu nhập khẩu LNG đầu tiên của Việt Nam cập bến kho cảng Thị Vải

Có thể khẳng định, những nỗ lực của Petrovietnam và các đơn vị thành viên trong những năm qua luôn gắn liền mục tiêu, khát vọng hiện thực hóa Chiến lược phát triển của Petrovietnam với định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời nhấn mạnh quan điểm sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; chủ động thực hiện các giải pháp giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu; thúc đẩy tìm kiếm và phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo...10 tháng năm 2023, tổng doanh thu toàn Petrovietnam đạt 745.000 tỉ đồng, vượt 10% kế hoạch cả năm, về đích trước 2 tháng; nộp NSNN toàn Petrovietnam đạt 121.000 tỉ đồng, vượt 54% kế hoạch cả năm, về đích trước 5 tháng...





Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.