Đâu là nguyên nhân thật sự khiến cho Galaxy Note 7 bị cháy nổ?

12/10/2016 19:23 GMT+7

Một bài viết trên PhoneArena tổng hợp từ những trang tin New York Times, Bloomberg, Financial Times và SBS đã phân tích những vấn đề có thể là nguyên nhân chính khiến Galaxy Note 7 dễ bốc cháy và buộc Samsung phải khai tử.

Samsung đã mang đến cho Galaxy Note 7 rất nhiều cái ‘nhất’, và có thể một trong số đó chính là lý do giải thích tại sao điện thoại dễ bốc cháy và bị khai tử hôm 11.10 vừa qua.
Ví dụ, Samsung sử dụng hợp kim nhôm cứng cáp nhất 7000 series cho khung phía bên, giúp điện thoại mạnh mẽ và chống xước tốt hơn 1,3 lần so với vật liệu sử dụng trên Galaxy S7.
Hơn nữa, để mang lại đến không gian bề mặt phẳng lớn nhất cho S Pen vẽ vời trên đó, Samsung sử dụng quá trình 3D Thermoforming - nơi kính được chèn vào giữa hai khuôn và nung nóng đến nhiệt độ 800 độ C trước khi được ép thành một hình dạng đối xứng. Đó là lý do giúp Samsung ‘vỗ ngực’ khoe với thế giới rằng Galaxy Note 7 là thiết bị được thiết kế hoàn toàn đối xứng, nơi tấm kính mặt sau có thiết kế cong về khung kim loại, với độ cong tương tự màn hình ở mặt trước.
Galaxy Note 7 là điện thoại có màn hình cong đầu tiên với thiết kế đối xứng với mặt sau
Chính thiết kế đường cong làm cho Note 7 trở nên rất hẹp về bề rộng, thậm chí được so sánh với những sản phẩm có màn hình 5,3 inch. Việc bó hẹp màn hình 5,7 inch có thể là lý do tại sao điện thoại đã bị bốc cháy.
Ở đợt thu hồi đầu tiên, tài liệu rò rỉ từ cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Hàn Quốc cho thấy rằng gói pin được thực hiện bởi công ty con SDI của riêng Samsung là hơi lớn hơn so với khoang chứa của nó khoảng… một sợi tóc, cùng tấm cách ly quá mỏng khiến cực dương và cực âm quá gần nhau, dẫn đến dễ bị hiện tượng ngắn mạch gây bốc cháy. Họ cũng phát hiện các vấn đề với phần vỏ pin, như dải cách điện được tạo bởi một công ty riêng cũng như lớp phủ điện cực âm.
Thiết kế đối xứng này đã gây ra áp lực nhất định vào pin bên trong Note 7
Trong khi bản thân các vấn đề này có thể không gây cháy, nhưng khi tất cả được đóng gói lại trong Note 7 thì rất nguy hiểm, đặc biệt nếu có lực áp dụng vào tấm cách ly. Theo lý thuyết, thủ phạm tạo ra áp lực chính là những đường cong đối xứng mà Samsung đã thực hiện. Các cạnh cong này hướng áp lực về phía pin, khiến pin chịu một áp lực cao hơn bình thường.
Ở lần thu hồi thứ hai, mặc dù Samsung vẫn giữ kín nguyên nhân nhưng các thông tin rò rỉ cho thấy vấn đề không chỉ  nằm ở pin bị lỗi. Bên cạnh đó, phiên bản mới là pin được sản xuất hoàn toàn bởi ATL, vì vậy nó không có vấn đề với kích thước, tấm cách ly, cách điện cũng như lớp phủ điện cực âm. Chỉ còn lại duy nhất áp lực từ những đường cong đối xứng - vốn là lỗ hổng trong thiết kế đã hằn sâu trong Galaxy Note 7 không thể sửa chữa.
Tia X cho thấy pin do SDI sản xuất có các tấm cách ly đặt quá gần cạnh vỏ
Chính vì vậy, do yếu tố trong thiết kế sản phẩm lỗi, Samsung đã không còn cách nào khác là thu hồi toàn bộ và khai tử Galaxy Note 7.
Dù thế nào đi chăng nữa, những sai sót của Samsung với Galaxy Note 7 được xem là bài học rất hữu ích cho ngành công nghiệp điện tử để tránh những vấn đề tương tự trong tương lai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.