Như Thanh Niên đã thông tin, các cơ quan chức năng đang làm thủ tục bàn giao, tiếp nhận tài sản đề tài cấp quốc gia: “Khai thác và phát triển nguồn gien bò quý hiếm tại vùng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hòa”, bao gồm đàn bò tót lai F1.
Đề tài đã kết thúc từ tháng 6.2019. Tuy nhiên, sau khi kết thúc đề tài thì việc bàn giao đến nay chưa xong, trong khi đó đàn bò tót lai F1 thì bị bỏ đói gầy trơ xương.
Của chung không ai khóc ?!
Nhìn hình ảnh đàn bò quý trơ xương, nhiều bạn đọc (BĐ) bức xúc cho rằng phải chăng có tình trạng “đàn bò chung nên không ai khóc”. BĐ Nam Tran đặt câu hỏi: “Sao lại có thể vô tâm với đàn bò tót lai như thế?”, vì sự vô tâm đó cũng chính là vô tâm với “tài sản” của đề tài cấp quốc gia, chứ không chỉ đơn giản là một đàn bò tót lai F1 “không biết đi về đâu” khi kinh phí thực hiện đề tài đã hết.
Cần thanh tra vào cuộc
Chiều 30.9, Sở KH-CN Lâm Đồng đã phải chỉ đạo lập đoàn công tác đến tỉnh Ninh Thuận kiểm tra tình hình và xử lý kỹ thuật đàn bò tót F1 bị ốm ốm "trơ xương" bỏ bơ vơ tại đây. Nhiều BĐ nhận xét “không biết nói gì luôn” khi nguồn lực quản lý lại phải tốn hao để giải quyết câu chuyện “bò tót lai gầy trơ xương” mà lẽ ra đã phải tính toán hết khi xây đề tài về nguồn gien bò quý hiếm.
Liên quan đến vụ việc, trong bài viết ở mục Chào buổi sáng trên Báo Thanh Niên ngày 30.9 đã đặt câu hỏi còn bao nhiêu “công trình nghiên cứu" nữa được chi từ ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học của nhà nước ở các địa phương, bộ ngành mà sau khi kết thúc nghiên cứu rồi lại tan biến mất dạng như chưa từng nghiên cứu? Còn BĐ đặt ra hàng loạt câu hỏi trực tiếp: đầu tư tiền tỉ, đề tài nghiên cứu kéo dài, nhưng không rõ kết quả khoa học của đề tài ra sao? Nguồn gien quý có phát triển, duy trì được? Hiệu quả kinh tế của giống bò lai này đến đâu? “Nên thanh tra đề tài khoa học này”, BĐ Dương Văn Tuấn “chốt” lại.
Bình luận (0)