Đau lưng ở trẻ em phòng bệnh hơn chữa bệnh

09/01/2010 09:36 GMT+7

(TNTT>) Nếu bố mẹ không chú ý chuyện cặp sách, tư thế ngồi và chế độ sinh hoạt của con mình, trẻ nhỏ rất dễ mắc chứng đau lưng.

Theo TS.BS Nguyễn Quang Hiển, trưởng khoa Ngoại thần kinh, BV Triều An, triệu chứng đau lưng không chỉ là “đặc sản” của những người lớn tuổi, có khoảng 8% trẻ em gặp khó khăn trong sinh hoạt vì “cái lưng trở chứng”. Các triệu chứng đau lưng ở trẻ em thường gặp nhất trong độ tuổi 12-15. So với người lớn, đau lưng ở trẻ em ẩn chứa nguy cơ cao hơn về các rối loạn liên quan đến đốt sống, cột sống và có khi là tâm lý. Khi con em mình thường xuyên nhăn nhó vì bị cái lưng “hành hạ” và kèm theo các biểu hiện tê, sốt, sụt cân, phụ huynh nên đưa trẻ đến khám tại các chuyên khoa để được kiểm tra và điều trị kịp thời.

Lối sống hiện đại tạo nên nhiều thói quen xấu dễ dẫn đến việc trẻ bị đau lưng, ta hãy thử điểm qua vài nguyên nhân chính.

Cặp sách, “gánh nặng” của tuổi thơ

Cặp sách quá nặng tuy không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến bệnh đau lưng ở trẻ nhỏ nhưng có thể làm cơn đau trở nên trầm trọng hơn. Cặp sách được các bác sĩ khuyên là nên giới hạn ở 10% trọng lượng cơ thể của trẻ. Quan trọng hơn, phụ huynh cần chú ý đến cách con em mang vác cặp, nên tập cho trẻ đeo cặp bằng cả hai vai để giữ cho cân bằng.

Trẻ em ngày nay có nhiều đồ chơi "high-tech" nặng hơn hẳn so với hòn bi, con dế thời niên thiếu của các "tiền bối" thuở trước. Chính vì thế các bậc phụ huynh nên dành thời gian mỗi tối để soạn cặp sách cùng con, giúp trẻ chọn những dụng cụ, sách vở cần thiết nhất trong ngày, tránh dư thừa khiến ngày hôm sau cái lưng của trẻ bị "làm tình làm tội". Bạn cũng nên chú ý chỉ dẫn con ưu tiên xếp các vật nặng về phía lưng cặp, tránh tình trạng sách vở nặng nằm ngoài sẽ kéo lưng trẻ về phía sau.

Học ăn, học nói, học cả chuyện… ngồi

Trẻ em đang "quá tải" với chuyện học. Hết chính khóa, tăng tiết đến học thêm, về tới nhà lại chúi mũi vào bàn học. Mà học thì phải… ngồi chứ không thể nào đứng được nên nhiều bé mỗi ngày phải ngồi hết… 1/3 quỹ thời gian. Theo BS Nguyễn Quang Hiển, cơ thể chúng ta không được cấu tạo để ngồi nhiều như thế và nguy hại hơn, rất nhiều em có tư thế ngồi sai, dễ dẫn đến việc bị gù, vẹo cột sống.

Bàn học có độ cao không phù hợp, khiến trẻ thường xuyên phải khom người khi học bài; trẻ có thói quen ngồi bò ra bàn, ép ngực vào thành bàn, nghiêng vẹo cổ để viết ; trẻ xem truyền hình ở tư thế nửa ngồi, nửa nằm trên ghế bành… tất cả đều là những nguyên nhân khiến trẻ bị đau lưng, về lâu về dài có thể thành tật, ảnh hưởng đến sự phát triển cũng như thẩm mỹ khi trẻ trưởng thành. Bố mẹ cần phải "phòng bệnh hơn chữa bệnh", tập cho trẻ giữ lưng thẳng, thỉnh thoảng thay đổi tư thế cột sống bằng cách ưỡn lưng, vươn vai, duỗi tay trong lúc ngồi học. Mặt khác, phụ huynh và thầy cô nên khuyến khích trẻ "tận dụng" tối đa giờ ra chơi để đi lại giãn gân giãn cốt, tránh tình trạng ngồi quá lâu, dễ làm hại đến cột sống còn non nớt của trẻ.

Một chế độ sinh hoạt, tập luyện điều độ

Nguyên nhân khiến cho trẻ em ngày nay dễ thành nạn nhân của bệnh đau lưng chính là vì các em ít vận động. Ngoài việc học, chuyện giải trí của các em đa phần xoay quanh truyền hình, phim ảnh và các trò chơi điện tử. Do đó, hệ cơ xương của các em không được rèn luyện nên yếu ớt và dễ bị ảnh hưởng, sinh bệnh. Mặt khác, với điều kiện kinh tế khá giả, bố mẹ chiều con mua nhiều quà bánh để sẵn. Ăn nhiều, ít vận động, tình trạng tăng và thừa cân là không thể tránh khỏi. Cơ lưng và cột sống vốn không khỏe, lại phải chống đỡ trọng lượng "hạng nặng" nên dễ gây đau lưng.

Vì vậy, việc tập luyện thể thao một cách điều độ và có chế độ dinh dưỡng cân bằng là rất quan trọng với sự phát triển của trẻ. Có cơ lưng săn chắc, thân hình gọn gàng, bệnh đau lưng sẽ khó làm phiền bé yêu nhà bạn!

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.