Năm nay thì khác, ta thoải mái hơn trong việc đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, dịch đau mắt đỏ cũng quay lại rầm rộ hơn. Đau mắt đỏ hay viêm kết mạc cấp là bệnh lý theo mùa, gây dịch quy mô nhỏ kiểu liên gia đình, thường do nhóm vi rút adeno gây nên. Một số chủng vi rút khác cũng có thể gây ra đau mắt đỏ cùng kiểu diễn biến và triệu chứng lâm sàng như vi rút entero, coxsackie…
Đau mắt đỏ do vi rút adeno và entero có nguy hiểm, có cần nhỏ thuốc ngừa?
Tại sao sát khuẩn tay quan trọng ?
Mọi chuyện vẫn là "đến hẹn lại lên", ở miền Bắc tỷ lệ mắc bệnh sẽ giảm mạnh khi có cơn gió mùa đông bắc đầu tiên tràn về. Diễn biến bệnh thường là một mắt đỏ vằn, sưng, ra gỉ nhiều khiến mi dính chặt, cảm giác cộm như có cát ở trong mắt. Vài ngày sau mắt còn lại cũng vậy. Bệnh toàn phát sẽ biểu hiện ở cả hai mắt. Nhỏ nước muối sinh lý thông thường thì bệnh cũng sẽ khỏi sau 7 - 10 ngày. Thời gian này cũng là thời gian ủ bệnh cho một lây nhiễm mới sang bạn bè, gia đình, đồng nghiệp… hay bất cứ ai tiếp xúc gần với bệnh nhân qua hơi thở - nước bọt, tiếp xúc trực tiếp qua con đường tay - mắt, dùng chung vật dụng…
Không dễ đến mức chỉ nhìn thấy nhau cũng lây đau mắt đỏ, nhưng hãy hình dung như sau: mắt đầy vi rút dây ra tay, tay lan ra đồ vật cầm nắm, người khác cầm nắm đồ vật ấy lại dính ra tay rồi đưa lên mắt của mình… Cứ vậy, trong nhà - ra phố - thang máy - siêu thị - nơi làm việc, chưa kể nói chuyện cự ly gần, ôm hôn, quan hệ vợ chồng cũng gây nhiễm bệnh.
Với những người có biến chứng, bệnh lâu khỏi hơn bình thường, tuy chỉ chiếm khoảng 10 - 20% nhưng sẽ là nỗi ám ảnh với họ và những người xung quanh. Mắt chói cộm, sợ sáng, nhìn mờ. Trẻ em thì có chảy máu mắt (xuất huyết kết mạc), giả mạc hãn hữu là viêm màng bồ đào trước hay viêm nội nhãn tuy hiếm nhưng cũng gây đau đớn cho trẻ, lo lắng cho cha mẹ.
Trẻ có giả mạc ở mắt sẽ cần được bóc giả mạc tại cơ sở chuyên khoa mắt để bệnh nhanh khỏi hơn. Tất cả những trường hợp có biến chứng đều nên được điều trị ở môi trường chuyên khoa. Tuy vậy rất hiếm khi phải nhập viện. Thuốc men đã rất tốt rồi nhưng lác đác vẫn có di chứng: sẹo giác mạc, khô mắt, viêm giác mạc dưới biểu mô… gây giảm thị lực ít nhiều.
Ai ở nhà, ai đến viện ?
Thực tế là không phải ai cũng bị bệnh đau mắt đỏ và khi bị bệnh thì ai cũng phải đi bệnh viện. Rất nhiều người bệnh chỉ thoáng qua, chưa kịp dùng thuốc đã khỏi. Đặc biệt là những người lây nhiễm sau cùng trong chuỗi lây nhiễm.
Phòng bệnh bằng vệ sinh, nhỏ nước muối có thể coi là điều trị bước đầu. Cao cấp hơn có người mua kháng sinh tra nhỏ kèm nước muối cũng sớm thỏa mãn nếu ở thể bệnh thông thường. Những trường hợp sau 7 ngày vẫn còn bệnh, có chói mắt - nhìn mờ - chảy nước mắt nhiều đều bị coi là bất thường, cần đi khám mắt để lấy thuốc phù hợp.
Trẻ em có kèm ho sốt, quấy khóc, khó mở mắt, viêm hô hấp, chảy máu mắt, có giả mạc… cũng cần chăm sóc chuyên khoa sâu bằng bóc giả mạc, dùng thuốc mỡ tra mắt, điều trị toàn thân cùng bác sĩ nhi khoa.
Lưu ý đặc biệt
Không vắt sữa, nhỏ nước chanh vào mắt cho trẻ nhỏ. Bệnh không đỡ và rất dễ trở thành bội nhiễm, viêm mủ của lòng đen (giác mạc), viêm mủ nội nhãn.
Xông mắt bằng nước nóng lại thêm lá có tinh dầu (trầu không, bạc hà) khiến ta dễ bị bỏng mắt, viêm tấy lan rộng, nhiều biến chứng hơn. Ngày xưa các cụ có câu "nhiệt ngộ nhiệt tắc cuồng" là do vậy, đang viêm đỏ không thể dùng đồ nóng để trị bệnh.
Rửa tay nhiều lần bằng xà phòng hay nước rửa tay chuyên dụng, kiên trì đeo khẩu trang khi tiếp xúc với nguồn bệnh, rửa mắt buổi sáng và khi đi làm về, sát trùng đều đặn dụng cụ khám mắt… Đó là kinh nghiệm riêng của tôi đã hơn 20 năm làm việc ở môi trường đậm đặc người đau mắt đỏ xung quanh mà chưa bị đau mắt bao giờ. Tuân thủ các biện pháp phòng bệnh, dịch đau mắt đỏ năm nay sẽ không còn đáng sợ lắm!
Bình luận (0)