Đau cơ ở bệnh nhân Covid-19 có thể kéo dài hơn so với các trường hợp nhiễm virus khác và có thể đáp ứng kém với thuốc giảm đau thông thường. Vậy tại sao đau mỏi cơ do Covid-19 gây ra lại kéo dài và nghiêm trọng hơn chứng đau mỏi cơ do nhiễm virus khác? Nguyên nhân và cơ chế của tình trạng này vẫn đang được các nhà khoa học nghiên cứu, hiện tại có 3 giả thuyết được đặt ra:
ThS-BS Ngô Thị Kim Oanh |
- Mô cơ bị tổn thương do sự tấn công trực tiếp của virus
- Thông qua phản ứng viêm dẫn đến tình trạng tăng nồng độ lactate máu, giảm pH nội bào và lượng ô xy thấp dẫn đến tình trạng đau mỏi cơ giống với tình trạng mỏi cơ sau khi vận động quá sức. Ngoài ra hiện tượng tăng đông, viêm mạch máu trong và xung quanh dây thần kinh và cơ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu máu đến nuôi dưỡng cơ.
- Tác dụng phụ của thuốc điều trị: một số loại thuốc được sử dụng trong điều trị Covid-19 có thể gây ra tác dụng phụ đau cơ, ví dụ như các thuốc kháng virus (Ribavirin) và corticosteroid (Dexamethasone)...
Điều trị kết hợp YHCT và YHHĐ
Để điều trị đau mỏi cơ kéo dài sau Covid-19 cần loại trừ các yếu tố gây nên tình trạng này do đó mục tiêu là giảm mức lactate trong máu, tăng sự vận chuyển ô xy đến các mô và thuốc giảm đau có thể không hiệu quả. Người bệnh nên vận động, tập thở nhẹ nhàng giúp tuần hoàn được lưu thông, tăng cường trao đổi khí, cung cấp ô xy cho mô đồng thời đẩy nhanh quá trình đào thải lactate dư thừa trong máu.
Theo quan điểm của YHCT, các biểu hiện đau mỏi cơ thuộc phạm trù các chứng Tý, chứng Thống. Có hai nhóm cơ chế gây ra chứng này:
1. “Bất thông tắc thống”: Hễ thông thoáng thì không đau, đã đau thì nơi nào đó ắt hẳn bị nghẽn.
2. “Thất vinh tắc thống”: Thiếu nuôi dưỡng sẽ gây đau
Căn cứ vào cơ chế trên và đặc điểm cụ thể của từng người bệnh, người thầy thuốc YHCT có thể kết hợp phương pháp điều trị dùng thuốc và phương pháp điều trị không dùng thuốc để giúp khí huyết lưu thông, bồi bổ khí huyết để giải quyết tình trạng tắc nghẽn hoặc thiếu nuôi dưỡng, đồng thời nâng cao chính khí giúp cơ thể phục hồi nhanh.
Điều trị dùng thuốc
Người thầy thuốc dựa trên tính chất của triệu chứng đau mỏi cơ để phân thành các thể từ đó có pháp trị, bài thuốc tương ứng. Đồng thời gia giảm bài thuốc để phù hợp thể trạng của từng người bệnh và đây được xem như việc cá thể hóa điều trị của YHCT.
- Nếu người bệnh cảm giác đau mỏi cơ, cảm giác cơ nặng nề, rêu trắng nhớt … cho thấy thể bệnh thiên về Thấp Tý và bài thuốc tương ứng sẽ bao gồm những vị thuốc có tác dụng trừ thấp, hành khí hoạt huyết như bài Tam tý thang, Ý dĩ nhân thang…
- Nếu đau mỏi cơ kèm cảm giác vận động không có sức, hơi thở ngắn, mệt mỏi, tiếng nói nhỏ, chán ăn… cho thấy thể bệnh thiên về Khí hư và bài thuốc tương ứng sẽ bao gồm các vị thuốc bổ khí như bài Sâm linh bạch truật tán, Ngọc bình phong tán, Bảo nguyên thang…
BS đang thăm khám cho người bệnh bị đau mỏi cơ |
Điều trị không dùng thuốc
Châm cứu: Bằng cách tác động lên huyệt được lựa chọn, châm cứu giúp thúc đẩy lưu thông khí huyết trong các kinh mạch, lập lại quân bình cho cơ thể. Huyệt được lựa chọn có thể là huyệt tại chỗ A thị huyệt, hoặc huyệt có tác dụng điều trị đặc hiệu như Huyết hải, Lương khâu để hoạt huyết… Mỗi liệu trình từ 10-15 ngày.
Xoa bóp: Thông qua những tác động trực tiếp lên da, gân cơ, hệ thống tuần hoàn mao mạch dưới da, các thụ thể thần kinh dưới da… xoa bóp sẽ giúp tăng tuần hoàn, dinh dưỡng tại chỗ cho cơ, tăng thải trừ các sản phẩm chuyển hóa của cơ, tạo cho người bệnh cảm giác dễ chịu, khoan khoái. Thông thường liệu trình xoa bóp là 10-15 lần, mỗi lần khoảng 15-20 phút.
Dưỡng sinh: Các bài tập dưỡng sinh như thở bốn thời, thư giãn, xem xa xem gần… giúp khí huyết lưu thông, phổi hoạt động tốt hơn. Nên tập dưỡng sinh mỗi ngày từ 20-30 phút.
Tóm lại, đau mỏi cơ dai dẳng làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, do đó, cần được quan tâm và điều trị. Kết hợp điều y học cổ truyền và y học hiện đại trong điều trị đau mỏi cơ hậu Covid-19 tỏ ra có ưu thế vượt trội và giúp người bệnh sớm trở lại với cuộc sống thường ngày.
Bình luận (0)