Đầu năm 2015 lấy ý kiến nhân dân về bộ luật Dân sự sửa đổi

25/11/2014 16:21 GMT+7

(TNO) Kết thúc phiên thảo luận về bộ luật Dân sự (sửa đổi) tại Quốc hội sáng nay 25.11, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra luật này hoàn chỉnh thêm một bước để đầu năm 2015, lấy ý kiến nhân dân về nội dung bộ luật này.

>> Bộ luật Dân sự bị hạ thấp giá trị?
>> Loay hoay bồi thường dân sự
>> Nhiều tiêu cực trong thi hành án dân sự
>> Sửa đổi, bổ sung bộ luật Hình sự và bộ luật Dân sự là cần thiết

Đại biểu còn khó hiểu chưa nói người dân

Góp ý tại phiên thảo luận, Chủ tịch Phòng thương mại - Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng, dự thảo bộ luật Dân sự sửa đổi có một số điều chỉnh không thực sự cần thiết, trong khi lại có thể gây ra những xáo trộn lớn trong hệ thống pháp luật.

 vu-tien-loc
Ông Vũ Tiến Lộc: "Dự thảo bộ luật Dân sự sửa đổi có một số điều chỉnh
không thực sự cần thiết" - Ảnh: Ngọc Thắng

Cụ thể, theo ông Lộc, về kết cấu lại phần tài sản và quyền sở hữu, bộ luật Dân sự hiện hành thiết kế chế định này rất mạch lạc, bao gồm quy định về tài sản và các quy định xoay quanh các nội dung về quyền sở hữu và các trường hợp hạn chế quyền sở hữu.

Trong khi đó, dự thảo bộ luật Dân sự sửa đổi đã kết cấu mới lại toàn bộ các chế định này theo hướng: tách vấn đề tài sản để đưa vào phần chung, còn quyền sở hữu phân định lại theo vật quyền và trái quyền. Trong vật quyền quy định theo hai trục riêng, gồm chủ sở hữu và chủ sở hữu không phải quyền sở hữu.

Tổ chức lấy ý kiến nhân dân

Dự thảo bộ luật Dân sự (sửa đổi) gồm 710 điều, quy định những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các quan hệ khác hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm, gọi chung là quan hệ dân sự. Sau khi cho ý kiến về dự án luật này, QH giao Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân từ 1.2015 đến 3.2015.

Theo đại biểu Lộc, cách kết cấu này có thể phù hợp, nếu đây là một giáo trình pháp luật với các lý thuyết hàn lâm về quyền sở hữu trong một hệ thống pháp luật đã vận hành ổn định, bền vững và khoa học qua cả trăm năm, như những hệ thống pháp luật của một số nước phát triển. Nhưng với hệ thống pháp luật của Việt Nam còn non trẻ, cần tiếp tục tổng kết những vấn đề thực tiễn và cần có những thiết kế rõ ràng, quen thuộc, thì việc đảo lộn các quy định như dự thảo là không thích hợp, nếu không nói là khá rủi ro.

Cùng quan điểm, đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) cho rằng, tại dự thảo sửa đổi sử dụng khá nhiều thuật ngữ, cụm từ mới để thay cho những thuật ngữ, cụm từ cũ đang được sử dụng trong luật hiện hành. Cũng có những cụm từ, thuật ngữ chưa có trong luật hiện hành, hoàn toàn mới như "hành vi pháp lý dân sự", "vật quyền", "trái quyền", "ngay tình", "vì lẽ công bằng", "dựa trên lẽ công bằng"...

Vì vậy, để đảm bảo tính khả thi của bộ luật này sau khi sửa đổi, ông Dũng đề nghị cơ quan soạn thảo phải xem xét, giải thích rõ ràng lý do vì sao sửa các thuật ngữ, khái niệm, ích lợi của việc thay đổi các thuật ngữ, khái niệm đó… Trong trường hợp thay đổi căn bản những đối tượng và hành vi điều chỉnh, cần phải dùng thuật ngữ mới, thì phải giải thích thật rõ. “Bởi vì những từ ngữ đó, những thuật ngữ đó còn rất lạ tai, rất mới, đối với chúng ta cũng rất khó hiểu, chưa nói đối với những người dân tham gia vào giao dịch dân sự thường xuyên lại càng khó hiểu”, ông Dũng góp ý.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, đây là bộ luật đang trình Quốc hội lần đầu, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận trong hai kỳ họp tiếp theo. Ông Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát lại tất cả chế định, phản ánh được ý kiến của các đại biểu Quốc hội, để có được bộ luật hoàn chỉnh, có chất lượng, trình lấy ý kiến nhân dân vào đầu năm 2015.

Cần quy định thời hiệu khởi kiện di sản

Theo điều 644 của dự thảo quy định thời hạn yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này mà không có yêu cầu chia di sản thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có yêu cầu chia di sản và không có người thừa kế đang quản lý di sản và không có người khác chiếm hữu hoặc việc chiếm hữu không có căn cứ pháp luật, không ngay tình thì di sản thuộc về nhà nước.

ĐB Đặng Công Lý (Bình Định) cho rằng quy định này chưa phù hợp với thực tế, không phù hợp với Hiến pháp 2013 về bảo vệ quyền sở hữu, quyền dân sự của công dân. Vì theo quy định chỉ có thể hạn chế quyền của công dân trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng. Theo ĐB Lý, nếu quy định này đi vào thực tiễn sẽ gây khó khăn, bức xúc lớn trong xã hội, đặc biệt là những người đang quản lý chiếm hữu di sản. Vì những di sản thừa kế nếu không được người thừa kế đòi lại thì di sản được sử dụng ổn định, nay lại chuyển thành tài sản của nhà nước.

Theo ĐB Lù Thị Lừu (Lào Cai), thực trạng hiện nay cho thấy việc tranh chấp di sản thừa kế ngày càng nhiều. Một trong các vấn đề chú ý để bảo vệ quyền lợi của mình trong tranh chấp là thời hiệu khởi kiện. Vì vậy, việc quy định nguyên tắc xác định thời hiệu khởi kiện thừa kế là vô cùng cần thiết để tránh những tranh chấp và rủi ro không đáng có. ĐB Lừu đề nghị không bỏ quy định thời hiệu khởi kiện để xác định quyền thừa kế mà cần sửa đổi, bổ sung theo hướng kéo dài thời hiệu hơn so với luật hiện hành.

Trường Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.