Đầu năm bàn chuyện văn hóa giao thông của người Việt

24/02/2018 12:24 GMT+7

Mỗi dịp Tết đến người người vui xuân, gánh nặng công việc cũng được gác lại vài phần con người cũng vì thế mà thoải mái, phóng khoáng hơn trong mọi việc, bao gồm cả tham gia giao thông chăng?

"Cướp đường"
Đi lại trong những ngày người người nhà nhà về quê đón Tết không khó để thấy cảnh chen lấn, chật chội hơn thường lệ. Trong đó bên cạnh những tài xế kiên nhẫn bám đuôi xe phía trước theo đường thẳng rời thành phố thì cũng có không ít lái xe mất kiên nhẫn “tranh cướp” đường, tìm mọi chỗ trống để lách qua khiến tắc càng thêm tắc.
Xe máy đã vậy, ô tô cũng thế thì thật hết chỗ nói bởi chỉ cần 1 chiếc bốn bánh không theo lộ trình có thể khiến cả trăm xe phía sau phải dừng lại. Chưa kể việc không di chuyển ngay hàng thẳng lối, luôn trong trạng thái chờ vượt khiến những phương tiện nhỏ như xe máy không có cơ hội thoát lên phía trước, bị ùn ứ lại cản trở thêm các phương tiện khác.
Tình trạng chung trên nhiều tuyến đường tại TP.HCM và Hà Nội vào giờ cao điểm - Ảnh: Độc Lập
Tôi có dịp qua Thái Lan, dù là quốc gia ùn tắc giao thông nhiều nhất thế giới nhưng những phương tiện nhỏ như xe máy vẫn có thể di chuyển dễ dàng ngay cả trong giờ cao điểm bởi các tài xế ô tô di chuyển rất thẳng hàng trật tự, khoảng trống giữa hai làn xe thường thoải mái cho một xe máy di chuyển, ít xảy ra tình trạng xe máy ô tô lẫn lộn chặt như nêm vào giờ cao điểm. Trong khi đó tại Việt Nam, dù nhiều tuyến đường có làn riêng cho xe máy và ô tô nhưng hai phương tiện này vẫn thường chiếm chỗ nhau miễn có khoảng trống khiến tình trạng tắc đường không giảm mà còn trở lên tệ hơn.
Bên kia cửa sổ là rác
Nếu như xe máy sợ nhất mấy anh vừa đi vừa phì phèo điếu thuốc rồi gẩy tàn theo cảm hứng thì với nhiều ô tô hẳn bên kia kính xe là thùng rác. Người ý nhị thì nhẹ nhàng đi chầm chậm vô lề hay chọn lúc vắng xe qua lại lẳng lặng quăng túi rác thực phẩm vừa chè chén trong xe ra vệ đường. Kẻ vô ý thì ôi thôi ăn đâu xả đấy chẳng cần biết phía sau có phương tiện hay không và tất nhiên không hề quan tâm nếu có ai đó vô tình hứng trọn rác mà họ vừa lỡ quăng ra chỉ vì không muốn bẩn chiếc xe mới rửa cau cạnh của mình.
Vừa mới hôm rồi, khi đang lưu thông trên một tuyến đường liên tỉnh tôi vô tình chứng kiến một chiếc xe hơi với cửa kính ghế phụ luôn mở và cửa sổ trời với một bé gái đang lấp ló hóng gió. Chưa kịp lo lắng về an toàn của bé gái thì cứ 30 giây tôi lại chứng kiến bã mía bay ra từ cửa sổ phụ đang mở. Nói một cách hài hước thì nếu chẳng may ngáp ruồi không đúng lúc, vật thể lạ vừa rời cửa sổ kia có thể được “chuyển giao” cho tôi không chừng.
Nữ hành khách ở ghế phụ vô tư xả rác trên đường đông người qua lại - Ảnh: Việt Đức
Đấy là xe cá nhân, chuyện xe khách cũng chẳng kém phần hãi hùng. Việc ăn uống trên xe là cơm bữa từ bánh mì cho tới những đồ nặng mùi khiến không khí thêm phần ngột ngạt. Chưa kể đồ ăn thừa bị không ít hành khách vô tư quăng qua cửa sổ bao gồm cả… túi nôn, một “đặc sản” bạn có thể bắt gặp dễ dàng trên các tuyến đường dài.
Trong khi đó, tại Singapore việc ăn uống trên những phương tiện công cộng là cấm kỵ bao gồm cả việc mang những đồ nặng mùi như sầu riêng chẳng hạn. Đó cũng là lý do các phương tiện giao thông ở đây rất sạch sẽ, nói cho vui thì việc bạn tìm thấy rác trên xe buýt, tàu điện ngầm tại Singapore khó như khi bạn thấy một người vứt rác đúng nơi quy định trên đường phố Việt vậy.
Thiết nghĩ, ý thức văn hóa giao thông đôi khi không chỉ được xây dựng từ sự tự giác hay tuyên truyền, cách nhanh nhất là những quy định cụ thể, hình thức phạt rõ ràng để hình thành thói quen tốt. Có thể lấy việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm làm ví dụ. Nếu như thời gian đầu đại đa số người dân chấp hành vì nó là “luật” thì giờ đây phần lớn mọi người coi đội mũ là cần thiết mỗi khi lên xe để “bảo hiểm” cho bản thân, gia đình. Vì một văn hóa giao thông tốt đẹp, an toàn và sạch sẽ thì ngại gì quy định, nhỉ?.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.