Theo đó, trên một nhóm mạng xã hội có hơn 340.000 thành viên, một tài khoản đăng clip ghi lại cảnh 3 cô gái chui vào trong chuông chùa. Bên ngoài, một người mặc áo nâu gõ vào chuông, tiếng chuông ngân dứt hồi, người này tiếp tục gõ thêm vài lần nữa, 3 cô gái ngồi trong chuông chùa yên lặng.
Đoạn clip nhận được hàng ngàn lượt tương tác, bình luận. Một số tài khoản lo lắng ngồi trong chuông chùa nghe gõ vậy không tốt cho thính giác. "Bác sĩ tai mũi họng hẹn các bạn một ngày gần nhất", "Giác ngộ xong đi viện là vừa", "Về lại bị lãng tai",...
Hình ảnh nhận nhiều ý kiến khác nhau trên mạng xã hội |
Cắt từ clip |
Trong khi đó, một số người dùng mạng xã hội khác cho rằng việc ngồi trong chuông chùa như vậy là không phù hợp. Nickname Nguyễn Võ Đại Dương nêu ý kiến: "Đạp lên rồng, đã vậy còn là nữ mặc váy có phạm húy quá không. Chưa kể lỡ chuông rớt xuống rồi gây tai nạn thì trách nhiệm là do nhà chùa rồi".
Facebooker Linh Nguyễn bình luận: "Trị liệu bằng chuông xoay là phương pháp chữa bệnh của người Nepal, họ dùng những cái mõ bằng đồng thế này để gõ và phát ra sóng âm có lợi cho não, kết hợp với xông và thảo dược, yoga. Nếu làm đúng phương pháp thì rất tốt cho sức khoẻ, nhưng chơi cả cái chuông kia thì chỉ có...".
Một vài tài khoản khác thì bày tỏ quan điểm rằng, ngồi trong chuông chùa là bình thường. Nickname N.N viết: "Không biết chỗ mọi người thế nào chứ chỗ mình rúc chuông là chuyện bình thường. Nữ nghe 9 tiếng, nam nghe 7 tiếng. Bên trong nghe rất nhỏ luôn. Nhớ hồi đó còn nhỏ nhìn thấy cái chuông to quá nên sợ lắm".
Tài khoản mạng xã hội khác cũng đăng đoạn hình ảnh người dân chui vào chuông chùa |
Cắt từ clip |
Người dùng mạng xã hội tên T.T cũng kể: "Nhà mình gần cái chùa nhỏ, hồi nhỏ ngày nào ba cũng qua tụng kinh, mình chui vào trong cái chuông như này, muốn ê cái tai".
Không chỉ đoạn clip này, trên các nền tảng mạng xã hội những ngày đầu năm, một số tài khoản cũng đăng clip chui vào chuông chùa với tựa đề "giác ngộ", "giải nghiệp". Những đoạn clip này đều nhận được nhiều ý kiến khác nhau từ dân mạng.
Có nên chui vào chuông chùa?
Trao đổi với Thanh Niên, Đại đức Thích Minh Phú, Phó trưởng ban kiêm Chánh thư ký Ban từ thiện xã hội GHPGVN TP.HCM, trụ trì chùa Tường Nguyên (Q.4, TP.HCM) nhận xét, việc chui vào chuông chùa là không đúng tinh thần nhà Phật.
Theo Đại đức Thích Minh Phú, chuông hay còn gọi đại hồng chung là một pháp khí linh thiêng trong chùa để tôn thờ, ghi chép lại lịch sử, tiểu sử ngôi chùa đó, trụ trì ngôi chùa. Tiếng chuông chùa khi rung lên còn được xem là tiếng chuông cảnh tỉnh, thức tỉnh mình.
Đại đức Thích Minh Phú, trụ trì chùa Tường Nguyên |
FBNV |
Đại đức trụ trì chùa Tường Nguyên phân tích, chuông chùa đánh vào nghe tiếng "ung" kéo dài, mọi thứ xung quanh như tĩnh lặng lại khi tiếng chuông được rung lên. "Chui vào chuông để giác ngộ, giải nghiệp là hơi mê tín, không đúng theo tinh thần của Phật giáo. Thay vào đó, chúng ta có thể đứng trong khuôn viên chùa và nghe tiếng chuông thì tâm mình cũng tĩnh lặng lại", Đại đức Thích Minh Phú chia sẻ.
Tuy nhiên, Đại đức Thích Minh Phú cho rằng mọi người không nên dùng những lời lẽ nặng nề để nói về hành vi chui vào chuông chùa của 3 cô gái trong clip, cũng như những tài khoản khác đăng tải các đoạn clip tương tự.
Giác ngộ, cầu bình an, hạnh phúc là ở trong tâm mình, tâm mình tịnh thì trí tuệ phát sinh, mọi việc đều thành công
Đại đức Thích Minh Phú
Theo trụ trì chùa Tường Nguyên, những người đến chùa và chui vào chuông chùa trước hết đều có tâm hướng thiện đến chùa, họ nghĩ rằng chui vào chuông chùa nhờ tiếng chuông để đánh bay đi những gì ưu phiền. Quan niệm của họ có thể chưa được chính xác theo tinh thần Phật giáo chứ không phải vô văn hóa nên chúng ta không nên nặng lời.
Đại đức Thích Minh Phú nói thêm, trong pháp tu của Thiền sư Nhất Hạnh, khoảng 15 phút sẽ có một tiếng chuông được rung lên. Cứ mỗi lần nghe tiếng chuông thì mọi người dừng lại hẳn, hít thở 3 lần để tịnh tâm, thức tỉnh lòng người rồi mới đi tiếp.
"Giác ngộ, cầu bình an, hạnh phúc là ở trong tâm mình, tâm mình tịnh thì trí tuệ phát sinh, mọi việc đều thành công", Đại đức Minh Phú đưa ra lời khuyên.
Bình luận (0)