(TNO) Chợ chỉ đông trong ba ngày Tết Nguyên đán và được lưu giữ như một phong tục cổ truyền có từ nhiều đời nay tại làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
|
Sáng mùng 1 Tết Giáp Ngọ, tôi hòa theo dòng người của nhiều xã vùng ven đầm Cầu Hai, ven biển để đi chợ phiên ngày tết của làng Mỹ Lợi. Trên một đoạn đường dài hàng chục cây số, chỉ duy nhất nơi đây có chợ ngày tết.
Khoảng 6 giờ sáng, chợ đã bắt đầu đông và trở nên nhộn nhịp, tấp nập chỉ sau một giờ.
|
Chợ phiên ngày tết ở Mỹ Lợi có truyền thống chỉ đông trong ba ngày đầu năm.
Theo lý giải của các bậc cao niên làng Mỹ Lợi thì cùng với việc tạo nên một không khí vui xuân, một hoạt động ngày đầu năm mới vui vẻ, việc họp chợ trong ba ngày tết ở một vị trí khác ngày thường là dịp để khu vực chợ trung tâm làm lễ “tẩy uế” để đón chị em tiểu thương trở lại bán buôn trong năm mới.
Chợ phiên Tết Giáp Ngọ được nhóm họp tại khu vực gọi là xóm Cồn, gần UBND xã Vinh Mỹ, sát quốc lộ 49A.
Làng Mỹ Lợi nổi tiếng với nghề làm vườn và gắn liền với thành ngữ “Khoai lang Mỹ Á, mía mả Nam Trường, nương vườn Mỹ Lợi”. Mỹ Á (xã Vinh Hải) và Nam Trường (xã Vinh Giang) là hai vùng đất nằm gần Mỹ Lợi (xã Vinh Mỹ).
Chính vì thế trong các sản vật bày bán tại phiên chợ tết đông chỉ ba ngày nói trên không chỉ có sản vật của làng Mỹ Lợi mà có thể chúng được mang đến từ các ngôi làng, địa phương lân cận.
Đó là những bó mía tím mập thân, lóng dài, ít sâu; hay những rổ khoai lang, bó cải, rổ đậu cô ve…, con cá to, mớ cá tươi vừa được đánh bắt trên sông đầm hoặc kéo lưới ngày tết trên vùng biển quê.
“Buôn bán ngày đầu năm chủ yếu là làm vui và lấy lệ. Mua được cũng tốt, bán không được cũng không sao. Mọi người hỏi han, trao nhau nụ cười đã là tốt rồi”, chị Nguyễn Thị Thảnh, người bán cá ở chợ phiên Mỹ Lợi cười niềm nở.
Đặc biệt, chợ phiên ngày tết Mỹ Lợi có loại sản vật chủ đạo, không thể thiếu, đó là cau trầu và muối. Mặt hàng trầu cau được bày bán cả dãy.
Người bán thủng thẳng, người mua từ từ. Không mặc cả, không nói thách, không trả giá. Cứ vậy, người mua hỏi mua, người bán cung cấp và nhận tiền.
Món hàng mà người đi chợ phiên ngày tết ở Mỹ Lợi mua nhiều nhất vẫn là cau trầu. Quả cau phải có vỏ đẹp, trơn tru, còn lá trầu xanh cũng phải xanh vừa và không được bôi vôi như bình thường bởi quan niệm “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Bà con đi chợ phiên mua cau trầu gọi là mua lộc đầu năm.
Gặp được lá trầu đẹp, quả cau ngon (da đẹp, ruột ngon) thì người mua đều tin rằng mình đã rước được cái lộc đầu năm tốt đẹp, báo hiệu một năm an lành, làm ăn suôn sẻ, gia đình êm ấm thuận hòa.
|
|
|
|
|
|
|
Bài, ảnh: Đình Toàn
>> Tây ăn tết Việt: Háo hức chờ tết
>> Hối hả chợ tết ngày cuối năm ở Cà Mau
>> Video clip: Nhộn nhịp chợ tết đưa ông Táo về trời
>> Người Sài Gòn tất bật đi chợ tết đưa ông Táo
>> Hội chợ Tết tràn ngập hàng ngoại
Bình luận (0)