LÊ VĂN HOÀNG
* BS NGUYỄN TẤN HƯNG (Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM)
Trong ba tháng đầu sau phẫu thuật nối xương, quá trình liền xương sẽ trải qua giai đoạn viêm, sửa chữa và tái tạo. Chị của bạn đã phẫu thuật được một tháng rưỡi, đang trong giai đoạn tái tạo mà gặp phải đinh bằng kim loại sẽ giải phóng các ion và bị ăn mòn nên dễ kích thích thần kinh cảm giác gây đau. Thời tiết lạnh, nhiệt độ thấp và độ ẩm cao tạo ra hiện tượng co cơ, tăng kích thích thần kinh cảm giác, làm đau càng tăng lên.
Để giảm đau phải tránh lạnh bằng cách không uống nước đá, không ở máy lạnh, không tắm tối, không tắm lâu, nên mặc áo đủ ấm, tắm với nước ấm, chiếu đèn hồng ngoại mỗi ngày 1-2 lần, mỗi lần 20 phút, khoảng cách đèn và da chừng 35cm, phối hợp uống thuốc giảm đau... Nếu muốn giảm đau tốt hơn nữa thì kết hợp điều trị bằng y học cổ truyền. Có thể xoa bóp nhẹ nhàng vùng bị nhức, tập vận động thụ động nhẹ nhàng cánh tay, giúp xương mau liền; hoặc châm cứu và sử dụng bài thuốc khương hoạt thắng thấp thang.
Giai đoạn tái tạo xương sau phẫu thuật kéo dài 6-9 năm. Do đó, mỗi năm cứ đến mùa mưa, thời tiết lạnh bệnh nhân sẽ bị đau nhức, nhưng cường độ giảm dần theo từng năm hoặc có thể hết hẳn, điều này phụ thuộc rất nhiều vào sự tuân thủ các biện pháp giảm đau.
* BS NGUYỄN TRỌNG ANH (giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch)
Đau nhức sau mổ nắn, kết hợp xương là vấn đề các bệnh nhân thường phải đối mặt trong thời gian đầu sau mổ và kéo dài 3-4 tuần. Mức độ đau và thời gian đau nhức còn tùy thuộc nhiều yếu tố: xương gãy nhiều hay ít, kỹ thuật mổ có bóc tách tàn phá mô mềm nhiều hay không, tay nghề phẫu thuật viên, máu tụ sau mổ nhiều hay ít, có biến chứng hoặc viêm nhiễm hay không, cuối cùng là khả năng chịu đau của mỗi người...
Sau mổ, nguyên nhân nguy hiểm nhất gây đau nhức là biến chứng viêm, nhiễm trùng vết mổ hoặc xương gãy. Ngoài ra còn có thêm nguyên nhân đau nhức do rối loạn dinh dưỡng, lưu thông máu của chi mổ.
Vào thời điểm một tháng rưỡi sau mổ, thường vết mổ đã lành nên không còn đau, đôi khi có những cơn đau nhức sâu trong xương thoáng qua do đang trong quá trình liền xương. Bệnh nhân có thể dùng thuốc giảm đau thông thường, giữ ấm, hạn chế uống nước đá lạnh, chườm ấm.
Nhưng nếu đau nhức vùng mổ liên tục kéo dài, cộng với các dấu hiệu nguy hiểm như sưng tấy, sờ thấy nóng, vùng da đỏ và ấn đau, sốt toàn thân, cần phải đến bác sĩ phẫu thuật khám lại để kiểm tra tình trạng viêm, nhiễm trùng. Nếu đau nhức toàn cánh tay, khớp vai và bàn tay sưng, hạn chế vận động có thể đó là tình trạng rối loạn dinh dưỡng sau gãy xương và phẫu thuật, nên chụp X-quang kiểm tra để bác sĩ cho thuốc điều trị và tập vật lý trị liệu.
Theo PV / Tuổi Trẻ
Bình luận (0)