Nhìn chung, ở các trận đấu quốc tế gần nhất, đặc biệt là trong các cuộc đối đầu với Indonesia tại Asian Cup 2023 và vòng loại World Cup 2026 khu vực châu Á, đội tuyển Việt Nam không thể hiện được thế mạnh nào rõ rệt.
Những tình huống chồng biên vốn từng khiến các đối e ngại đội tuyển Việt Nam cũng không còn. Dưới thời HLV Philippe Troussier, vị HLV người Pháp hầu như không sử dụng các cầu thủ chạy cánh tốt nhất của bóng đá nội.
Bên cánh trái, Đoàn Văn Hậu chấn thương dài hạn, xem như bất khả kháng không thể lên đội tuyển. Tuy nhiên, một chuyên gia chạy cánh và tạt cánh là Phan Tuấn Tài lại không được thi đấu ở vị trí hậu vệ cánh trái sở trường. Phan Tuấn Tài thường xuyên được đá chính, nhưng anh được đặt ở vị trí trung vệ lệch trái, chứ không phải hậu vệ cánh trái.
Nhận định lượt về Việt Nam - Indonesia: Bắt buộc phải thắng
Điều này vô tình triệt tiêu sở trường tạt cánh của Phan Tuấn Tài, đồng thời lại để lộ sở đoản của cầu thủ này trong các pha tranh chấp tay đôi, đeo bám cầu thủ đối phương và không chiến, công việc quen thuộc của các trung vệ, trong khi Phan Tuấn Tài bất lợi về thể hình (1,72 m).
Phan Tuấn Tài là người có pha tạt bóng quyết định giúp Nhâm Mạnh Dũng ghi bàn trong trận chung kết nội dung bóng đá nam SEA Games 21 năm 2022, mang về ngôi vô địch cho đội U.23 Việt Nam. Cầu thủ này cũng là người có pha tạt bóng chính xác cho Nguyễn Văn Tùng sút tung lưới đội U.23 Thái Lan, khởi đầu pha tấn công dẫn đến bàn thắng của Vũ Tiến Long vào lưới U.23 Hàn Quốc tại giải U.23 châu Á năm 2022.
Một cầu thủ tạt bóng giỏi như thế, nhưng không được sử dụng ở vị trí có thể tạo những tình huống tạt bóng, chẳng khác nào đội tuyển Việt Nam tự từ bỏ vũ khí lợi hại của mình.
Bên cánh đối diện, Hồ Tấn Tài cũng chưa hề được sử dụng đúng với tiềm năng ở vị trí hậu vệ cánh phải. Lần duy nhất Hồ Tấn Tài được ra sân ở 1 trận đấu chính thức của đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Troussier, đó là trận lượt đi vòng loại thứ 2 World Cup 2026, gặp Indonesia hôm 21.3.
Tuy nhiên, đó là trận đấu mà Hồ Tấn Tài vào sân quá trễ, từ phút 73, cũng không rõ ý đồ của HLV Troussier có thật sự sử dụng Hồ Tấn Tài cho các pha tấn công bên cánh phải hay không?
Giống như Phan Tuấn Tài bên cánh trái, Hồ Tấn Tài ở cánh phải rất lợi hại trong các pha tạt bóng, cả tầm thấp lẫn tầm cao. Thậm chí, Hồ Tấn Tài còn hơn Phan Tuấn Tài ở điểm anh chơi đa dạng hơn, ngoài các tình huống tạt bóng, anh còn có thêm những tình huống xâm nhập khu vực cấm địa của đối thủ để dứt điểm.
Khả năng chồng biên giữa Hồ Tấn Tài và người đồng đội cũ ở CLB Bình Dương là Nguyễn Tiến Linh rất tốt. Nhưng cũng giống như Hồ Tấn Tài, Tiến Linh ít khi được trọng dụng đúng với năng lực dưới thời HLV Troussier.
Bộ đôi Hồ Tấn Tài và Nguyễn Tiến Linh từng có những tình huống phối hợp ở biên phải, rồi ghi bàn vào lưới đội U.22 Trung Quốc trong trận giao hữu năm 2019. Sau đó, họ lại phối hợp ghi bàn trong cả 2 trận lượt đi và lượt về gặp đội tuyển Trung Quốc ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á, hồi tháng 10.2021 và tháng 1.2022.
Về cơ bản, đội tuyển Trung Quốc có một số nét giống với Indonesia, đó là có sử dụng cầu thủ nhập tịch, có hàng thủ cao lớn nhưng xoay trở chậm.
Những hàng thủ như thế rất ngại những pha chồng biên có tốc độ cao, bởi họ xoay trở và phản ứng không kịp. Đội tuyển Trung Quốc từng là nạn nhân của đội tuyển Việt Nam với lối chơi như thế, nếu chúng ta áp dụng tốt trước Indonesia, đội bóng xứ sở vạn đảo có lẽ cũng sẽ rất vất vả.
Tiếc rằng, đội tuyển Việt Nam trong các trận đấu đã qua không sử dụng những pha phối hợp như vừa nêu. Thậm chí, ở trận lượt đi với Indonesia hôm 21.3, chúng ta lại chọn cách đá y hệt như đối thủ: Lùi thấp đội hình, đá "cù cưa" chờ đối phương mắc sai lầm, thay vì chủ động chồng biên tấn công, lại trông chờ vào các tình huống ném biên mạnh của Đình Bắc, hệt như cách Indonesia sử dụng. Thế thì khác nào tự nguyện bị cuốn theo lối chơi của đối thủ!
Thăm dò ý kiến
Lượt về vòng loại thứ 2 World Cup 2026: Đội tuyển Việt Nam tiếp đội tuyển Indonesia trên sân Mỹ Đình
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Bình luận (0)