Dấu son Thanh Minh Thanh Nga - Kỳ 3: Đại gia đình nghệ thuật

12/03/2014 03:15 GMT+7

Thanh Minh - Thanh Nga còn là một đại gia đình nghệ thuật. Ở đó mọi người sống trong niềm vui sáng tạo và một nền nếp kỷ cương đáng khâm phục.

 >> Dấu son Thanh Minh - Thanh Nga - Kỳ 2: Đầm ấm với 2 dòng con
 >> Dấu son Thanh Minh - Thanh Nga: Cơ đồ trong tay nữ tướng

 Nghệ sĩ Thanh Nga nhận giải Thanh Tâm (năm 1958) - Ảnh: Gia đình cung cấp
Nghệ sĩ Thanh Nga nhận giải Thanh Tâm (năm 1958) - Ảnh: Gia đình cung cấp

Sau khi Thanh Nga được giải Thanh Tâm thì bà bầu Thơ đổi tên đoàn từ Thanh Minh thành Thanh Minh - Thanh Nga, tập trung toàn những ngôi sao như Út Trà Ôn, Thành Được, Việt Hùng, Hữu Phước, Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Mộng Tuyền… Cả trăm nghệ sĩ lẫn nhân viên hát suốt tuần chỉ trừ ngày thứ hai, hoạt động rầm rộ vô cùng. Khi Hữu Châu ra đời (1966) thì bà bầu Thơ trúng số độc đắc, lập thêm 2 gánh nữa, đặt tên là Dạ Minh Châu, trong đó có kép Thanh Sang bắt đầu về hát chung với Thanh Nga, quả là một đại bang.

Đại bang ấy mỗi ngày sum họp nhau bằng những bữa “cơm hội”. Mấy chục người lấy gánh hát làm nhà, cùng ăn “cơm hội” với nhau. Bảo Quốc còn nhỏ, nhưng ông vẫn nhớ những bữa cơm hội cảm động như thế. Cả chục mâm quây quần nơi trụ sở hoặc nơi sân khấu biểu diễn, cứ dọn ra sau hậu trường rồi mọi người xúm xít nhau mà ăn. Người ta gắn bó từ những bữa cơm, và yên tâm vì dù đêm đó không có suất hát thì họ vẫn không sợ đói. Nói vậy để biết bà bầu Thơ phải lèo lái con thuyền Thanh Minh - Thanh Nga vất vả thế nào. Chỉ riêng gạo mua về chất đống để nấu mỗi ngày đủ làm bất cứ ông bà bầu nào bạc tóc.

Chính vì vậy bà phải nghiêm khắc để con thuyền đứng vững. NSƯT Bảo Quốc nói: “Má tôi rất kỷ luật về hoạt động sân khấu. Tập tuồng bắt buộc phải đúng giờ, mở màn lại càng không thể chậm trễ. Có lần đoàn hát ở Gò Vấp, tôi dẫn anh em trong đoàn, vừa diễn viên vừa hậu đài, soát vé, kéo hết xuống Gò Công đá banh. Thường thì 4 giờ đá xong, 6 giờ là về tới rạp. Không ngờ xe bị lún sình nên gần 8 giờ mới về tới nơi, chỉ còn 15 phút là diễn, đã thấy bà già bắc ghế ngồi ở cửa sau mà đợi. Bà không nói gì nhưng ai nấy đã sợ tái người, vội vã chạy vô thay đồ liền. Chỉ mở màn trễ 10 phút, nhưng hôm đó chúng tôi phải xin lỗi khán giả. Nghệ sĩ Văn Ngà diễn vai tướng rất oai phong nhưng vừa hát xong là vác xe đạp chạy ra cửa khán giả mà dông sớm, không dám đi cửa hậu trường sợ chạm mặt bà già”. Ngay cả Thanh Nga có lần giận Thanh Sang, khóc sưng mắt, cáo bệnh không hát. Bà nghe vậy chỉ nói nhẹ nhàng: “Vậy thôi nghỉ. Nhưng vợ chồng bây phải trả lương cho anh em hôm nay. Người ta tới là để coi bây hát, không hát thì trả vé”. Thế là Thanh Nga riu ríu vô hát, không dám lẫy nữa.

Nghệ sĩ Quốc Nhĩ từng đóng vai Đông Bản (Tiếng trống Mê Linh) kể: “Tôi đi hát gần chục đoàn lớn nhỏ, trong đó đóng góp cho Thanh Minh - Thanh Nga gần 20 năm, tôi có thể nói rằng không đâu có một kỷ cương nền nếp như ở đây. Bà bầu Thơ có nhiều điều cấm kỵ mà suy ra thì thấy rất tốt. Thí dụ, cấm bước qua sào treo màn, cấm mấy cô đào ngồi xoạc chân khi có đàn ông, đi lưu diễn tỉnh xa cũng không có nạn bài bạc, rượu chè bê tha nhếch nhác... Cho nên giờ tập không ai dám giỡn vì bà ngồi ngay góc sân khấu đưa mắt quan sát. Thật sự có một người lãnh đạo nghiêm túc thì đoàn hát nào cũng phải tử tế thôi”.

Đối với bà bầu Thơ thì “quân pháp bất vị thân”, nếu không con cháu sẽ ỷ lại, nội bộ đoàn sẽ rối loạn. Ngay với Hữu Thình là con trai cả rất mê hát xướng, nhưng khổ nỗi Hữu Thình không có giọng ca hay, nên bà cũng chỉ cho làm quân sĩ hoặc vai rất phụ mà thôi. Con trai út Chí Tiên thì được giao cầm cờ, múa quạt. Bây giờ mở tuồng Tiếng trống Mê Linh và Bên cầu dệt lụa ra xem vẫn thấy chú út cầm cờ bên cạnh Trưng Trắc. Con mắt nghệ thuật của bà không thể thiên vị con cháu mà phải công tâm coi trọng tài năng của các nghệ sĩ khác, có vậy cải lương mới đứng vững. Bảo Quốc nhớ mãi những lời mẹ mình hay nói: “Làm là phải ra nghệ thuật. Không phải mình nhờ những nghệ sĩ đó để có doanh thu, mà họ là những người có tài thiệt sự. Vai nào cần là mình chọn đúng người để đóng, không nên chăm chăm vô người thân của mình”.

Kỷ luật nguyên tắc là thế nhưng bà bầu Thơ lại rộng rãi, nhân hậu. Sắm sửa trang phục hoặc đạo cụ trong đoàn không bao giờ bà hỏi đắt rẻ, nhân viên báo giá bao nhiêu bà đưa bấy nhiêu, nhưng chất lượng thì phải bảo đảm. Ví dụ một cây kiếm trên thị trường chỉ có giá 150 đồng, báo giá 200 đồng bà cũng gật đầu, nhưng đồ đưa về phải là loại tốt, chứ không được đưa hàng dỏm, hàng kém chất lượng, khi nghệ sĩ múa hát sẽ bị sự cố. Anh em trong đoàn gặp khó khăn, muốn ứng lương trước bà đồng ý ngay, rồi trừ dần vào cát sê từng đêm diễn, nhưng chỉ trừ một nửa để anh em có tiền sinh hoạt. Có người nghèo quá, chết không có tiền mua quan tài, bà cũng xuất tiền ra lo mai táng đàng hoàng. Cho nên nhân viên ai cũng thương, cũng quý, kính trọng và trung thành... Nghệ sĩ Xuân Lan từng đóng vai Bích Vân công chúa trong vở Bên cầu dệt lụa bồi hồi hoài niệm: “Chúng tôi không coi mợ Năm (bà bầu Thơ) là chủ, mà coi như một người cô chú lớn tuổi luôn có mặt trong đoàn để nhắc nhở chúng tôi làm việc thật tốt. Mợ nổi tiếng khó tánh, nhưng đại gia đình Thanh Minh-Thanh Nga lúc nào cũng êm ấm. Nghệ sĩ đi hát thì coi gánh hát là ngôi nhà thứ hai, cho nên gánh hát nào êm ấm, giúp cho nghệ sĩ làm nghề tử tế thì nghệ sĩ gắn bó yêu thương không biết bao nhiêu”.

Vũ Anh

 >> Thanh Minh - Thanh Nga sống lại
 >> Nữ hoàng sân khấu Thanh Nga
 >> Người đẹp màn bạc Việt một thời - Kỳ 11: Bạch Tuyết - “đối thủ” của Thanh Nga
 >> Người đẹp màn bạc Việt một thời - Kỳ 7: Thanh Nga tài sắc vẹn toàn
 >> Lễ tưởng niệm nghệ sĩ Thanh Nga 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.