>> Người đẹp màn bạc Việt một thời - Kỳ 6: Em còn nhớ hay em đã quên ?
Đến với Loan mắt nhung
Lúc ấy cô là Giám đốc Hãng nhập khẩu Cosunam Films nổi tiếng, nay muốn sản xuất bộ phim Việt Nam đầu tiên của hãng. Tôi giới thiệu quyển tiểu thuyết Loan mắt nhung của Nguyễn Thụy Long viết về đời sống giang hồ du đãng khá hấp dẫn. Gilberte Lợi đồng ý, mời tôi chuyển thành truyện phim và làm đạo diễn. Thế là tôi trở lại ngành điện ảnh với một loạt ba phim liên tiếp về tuổi trẻ: Loan mắt nhung (1970), Trần Thị Diễm Châu (1971) và Sau giờ giới nghiêm (1972), với mục đích phê phán xã hội suy đồi trong vùng địch tạm chiếm.
Loan mắt nhung kể chuyện về cuộc đời của Loan (Huỳnh Thanh Trà), một thanh niên bình thường bị hoàn cảnh xã hội đưa đẩy trở thành du đãng nổi tiếng. Khi còn lương thiện, Loan đã có mối tình rất đẹp với cô gái tên Xuân (Thanh Nga). Khi vào giới giang hồ, Loan gặp Dung bụi đời (Kim Xuân), và quy tụ những tên đàn em sừng sỏ: Tài Woòng (Nguyên Hạnh), Hải Cụt (Tâm Phan), Thanh Italie (Ngọc Phu). Cùng bọn chúng, Loan thực hiện nhiều phi vụ, buôn lậu, ăn cướp… Nhưng Loan luôn cảm thấy cô đơn. Loan muốn đổi đời, tìm vùng đất sống mới, nhưng không thoát được chốn bùn nhơ, càng ngày càng đi sâu vào tội ác. Loan gặp lại Xuân trong tình cảnh éo le, khi Xuân bị bọn xấu hãm hại đến chết. Quá đau khổ, Loan nổi loạn giết hết bọn ác, rồi tự nộp mình cho cảnh sát, ân hận rằng mình đã lãng phí tuổi trẻ.
|
Dư luận báo chí khen ngợi rất nhiều phim này. Tuần lễ chiếu phim đầu tiên, khán giả đã nô nức đi xem, phim Loan mắt nhung phải tiếp tục tuần lễ thứ nhì tại nhiều rạp. Bên cạnh ngôi sao Thanh Nga, nam diễn viên chính Huỳnh Thanh Trà chỉ là một khuôn mặt mới, nhưng từ phim này đã nổi lên, sau đó được nhiều đoàn nghệ thuật liên tiếp mời biểu diễn với thù lao rất cao. Huỳnh Thanh Trà, một diễn viên sân khấu, được tôi chọn nhờ có vóc dáng thích hợp, nhất là có đôi mắt to, sắc sảo, dễ gây ấn tượng.
Vai nữ chính là Thanh Nga, một nghệ sĩ cải lương tài sắc vẹn toàn. Chính nhà sản xuất phim Gilberte Lợi đã giới thiệu với tôi cô em gái của mình. Hai người là chị em con một cha, ông hội đồng Nguyễn Văn Lợi, cùng quê Tây Ninh với tôi. Thanh Nga tên thật là Juliette Nguyễn Thị Nga, mẹ cô là bà Nguyễn Thị Thơ tức bà bầu Thơ, Trưởng đoàn hát Thanh Minh - Thanh Nga nổi tiếng. Khi gặp mặt nhau lần đầu tại trụ sở của Hãng Cosunam Films, tôi khen xã giao, nhưng thật tình: “Thanh Nga có nét đẹp trong sáng, chân thật, không màu mè, dễ gây cảm tình với khán giả”.
Thanh Nga sinh ngày 31.7.1942, mới 28 tuổi đời mà đã trải qua nhiều sóng gió trong tình yêu. Năm 1958, khi Thanh Nga nhận được huy chương vàng giải Thanh Tâm (vai sơn nữ Phà Ca, vở Người vợ không bao giờ cưới), đúng lúc ấy, mối tình đầu đến với người nghệ sĩ trẻ. Có một chàng trai mỗi ngày đều âm thầm đến gửi tặng hoa hồng cho người mình ái mộ. Nhưng rồi do thời cuộc, duyên nợ không thành, nên mối tình này không đi đến cái kết có hậu.
Đối với tôi, qua những trải nghiệm đau khổ nhiều lần về tình yêu của người trong cuộc, tôi có niềm tin Thanh Nga sẽ lấy được nước mắt của khán giả xem phim trước hoàn cảnh bi đát của cô gái tên Xuân, người yêu của Loan mắt nhung. Niềm tin ấy không sai, vì bộ phim này đã là một thành công đáng nhớ.
Đến với vai Lan
Năm 1972, ông Diệp Nam Thắng, tức bầu Xuân, đã mời tôi làm đạo diễn bộ phim đầu tiên của Hãng Dạ Lý Hương. Ông đề nghị tôi sử dụng các diễn viên nổi tiếng trong đoàn cải lương của ông, để chuyển thể vở Lan và Điệp thành phim chiếu ở rạp. Tôi đồng ý, nhưng lại yêu cầu ông ấy cho tôi thoát ra khỏi hình thức cải lương, tạo thành một tác phẩm hoàn toàn điện ảnh. Bầu Xuân chấp thuận và hứa sẽ cung cấp mọi phương tiện cần thiết để hoàn thành mỹ mãn bộ phim. Thế là chúng tôi khởi quay bộ phim Tình Lan và Điệp, dài 1 giờ 30 phút. Phim gồm các diễn viên: Thanh Nga (Lan), Thanh Tú (Điệp), Bạch Tuyết (Thúy Liễu), Ba Vân (ông Phủ), Ngọc Giàu (bà Phủ), Năm Châu (ông giáo), Kim Cúc (bà giáo), và các vai khác: Út Bạch Lan, Dũng Thanh Lâm, Tùng Lâm… Điều khiến tôi băn khoăn là phải điều khiển toàn những gương mặt cải lương nổi tiếng, những nghệ sĩ thuộc lớp đàn anh, như Năm Châu, Ba Vân… Tôi đã tế nhị hướng dẫn họ không để cường điệu như trên sân khấu. Kết cuộc, một phim Tình Lan và Điệp rất điện ảnh đã ra đời, vẫn xúc động như tuồng cải lương, lại thêm phần hấp dẫn với những ngoại cảnh đẹp, những tình tiết đúng với thời của câu chuyện: vật dụng trang trí trong nhà, y phục của các nhân vật, xe ngựa, xe hơi kiểu xưa… Dĩ nhiên, người hài lòng nhất là bầu Xuân, vì được doanh thu cao, và anh đã trở thành bạn thân của tôi đến lúc cuối đời.
Hầu hết những vai chính trong phim Tình Lan và Điệp đều là đào kép gạo cội của đoàn cải lương Dạ Lý Hương. Duy chỉ có vai Lan là tôi phải mời Thanh Nga đến giúp. Tôi không thể quên người diễn viên đã lấy nước mắt của nhiều khán giả xem phim Loan mắt nhung của tôi trước đây. Chắc chắn là Thanh Nga sẽ thành công như thế trong câu chuyện tình vô cùng éo le và đau khổ của Lan và Điệp trong phim này. Hơn nữa, tôi cố ý gặp lại Thanh Nga để giúp cô thấy rõ thêm từ sân khấu qua điện ảnh phải diễn xuất khác nhau như thế nào. Tôi muốn Thanh Nga được tôn vinh là một “ngôi sao điện ảnh”, cũng như là một “nữ hoàng sân khấu”. Tôi sẽ hết lòng dẫn dắt Thanh Nga vững bước đi tiếp trên con đường nghệ thuật thứ bảy. (Còn tiếp)
Đạo diễn Lê Dân
>> Gã si tình nặng nghiệp cầm ca: Lăng xê Thanh Nga
>> Người đẹp màn bạc Việt một thời - Kỳ 6: Em còn nhớ hay em đã quên ?
>> Người đẹp màn bạc Việt một thời - Kỳ 5: Băng Châu hóa thân thành Diễm Châu
>> Người đẹp màn bạc Việt một thời - Kỳ 4: Thành ngôi sao quốc tế
>> Người đẹp màn bạc Việt một thời - Kỳ 3: Người tình không chân dung
Bình luận (0)