Trái dâu tây chứa nhiều acid malic và citric, các vitamin và nguyên tố vi lượng, đặc biệt có acid ellagic là một chất đang được các nhà khoa học thử nghiệm để ngăn ngừa ung thư
Dân châu u từ lâu đã biết sử dụng trái dâu tây làm thực phẩm giúp mát gan, mát máu, giảm đau dạ dày; dùng lá để chữa tiêu chảy; rễ sắc ngâm chữa đau răng. Ở nước ta, dâu tây được trồng nhiều ở Đà Lạt (Lâm Đồng) và vùng ngoại thành Hà Nội.
Lưu ý khi da mẫn cảm
Khi phân tích, các nhà khoa học nhận thấy trong lá dâu tây có chứa các flavonoid, tanin, tinh dầu dễ bay hơi; rễ có chứa 12% - 14% tanin, fragarol; trong trái có chứa acid malic và citric, các vitamin (A, B1, B2, C), các nguyên tố vi lượng (Fe, Ca, P, K, Mg, Mn). Đặc biệt, dâu tây có chứa acid ellagic, là một chất đang được thử nghiệm để ngăn ngừa ung thư. Chất này không phân hủy dưới tác dụng của nhiệt nên để sống hay nấu chín đều có công hiệu. Màu đỏ của dâu tây là do có sự hiện diện của chất pelergonidin 3-galatoside.
Các nhà nghiên cứu Nhật Bản cho rằng dâu tây có khả năng ngăn chặn sự tạo thành các nitrosamine gây ung thư, có tác dụng chống ôxy hóa; ngoài ra, chất pectin có trong trái dâu tây sẽ giúp giảm lượng cholesterol máu cũng như lượng calo do cơ thể hấp thu nên góp phần phòng chống bệnh béo phì.
Từ lâu, dân nhiều nước đã biết bôi dâu tây để làm đẹp da, trị mụn trứng cá, diệt một số nấm ký sinh ở da và điều trị được một số trường hợp viêm da đơn giản. Phụ nữ Nhật Bản sử dụng dâu tây để làm cho da bớt bị ăn nắng và làm đẹp da bằng cách cắt đôi trái dâu tây rồi chà lên da sau khi đã tắm rửa sạch sẽ hoặc nghiền nát quả dâu tây chín rồi bôi lên da. Tuy nhiên, lưu ý là nếu bạn có làn da mẫn cảm dị ứng với dâu tây thì khi bôi có thể sẽ gây mẩn ngứa và các dấu hiệu dị ứng bất thường khác, cho nên phải cẩn thận dùng thử từng ít một.
Món ngon từ dâu tây
Mùa xuân là mùa thu hoạch dâu tây nên chúng ta có điều kiện để thưởng thức dâu tây theo nhiều cách. Bạn có thể chế biến những thức uống đơn giản như sau để dùng thường xuyên cho gia đình:
- Nước ép dâu tây: Cho 100 g trái dâu tây tươi vào máy ép để lấy nước cốt dâu. Hòa nước cốt dâu với 1/2 ly nước sôi để nguội cùng một muỗng xirô và một muỗng nước cốt chanh, thêm chút muối rồi khuấy đều, đổ ra ly, trang trí lên trên bằng một trái dâu tươi. Nếu làm sinh tố dâu tây thì cho hỗn hợp dâu tươi xắt nhỏ, xirô, nước cốt chanh và 1/2 ly nước sôi để nguội vào máy xay nhuyễn. Sau đó đổ ra ly và cũng trang trí bằng một trái dâu tươi bên trên.
- Dâu tây đường phèn: Lấy 100 g trái dâu tây tươi xay nhuyễn cùng 30 g đường phèn giã nhuyễn, trộn thêm 100 ml nước chín nguội rồi lọc lấy nước. Thức uống này bổ phổi, trị ho, thích hợp dùng cho người có chứng bệnh lâu ngày không lành như miệng lưỡi khô chát, ho khan không đàm.
- Nước nấu dâu tây, bưởi: Lấy 200 g trái dâu tươi và 100 g thịt bưởi tươi, thêm 100 g đường trắng cùng nửa lít nước, nấu 3 phút bằng lửa lớn kể từ lúc sôi. Món này uống khi để nguội, thích hợp cho người có chứng chán ăn, rối loạn chức năng tiêu hóa.
Rượu dâu tây tốt cho người gầy, thiếu máu Nghiền nát 1 kg trái dâu tây tươi chín. Nấu sôi 1 kg đường cát trắng làm nước xirô (400 ml nước nấu với 1 kg đường), sau đó hớt bỏ bọt, để nguội, đổ vào trộn đều với dâu tây nghiền. Lọc qua vải thưa để lấy nước cốt. Thêm vào 1 lít rượu trắng, bỏ vào chai và đậy kín vài hôm là dùng được. Món rượu này có công hiệu bồi bổ cơ thể, dùng chữa các chứng suy nhược do bệnh lâu ngày, suy dinh dưỡng, gầy ốm, thiếu máu. Tuy nhiên, đây là dạng rượu nên chỉ uống mỗi lần một - hai ly nhỏ, uống nhiều sẽ phản tác dụng. |
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)