Theo Ngân hàng Nhà nước, phiên đấu thầu vàng tiếp theo sẽ được tổ chức vào sáng mai 23.5. Đây là phiên đấu thầu vàng thứ 9 trong năm nay. Tổng lượng vàng miếng dự kiến đấu thầu vẫn là 16.800 lượng. Giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 88,9 triệu đồng/lượng.
Khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 500 lượng và tối đa là 4.000 lượng.
Trước đó, trong phiên đấu thầu vàng sáng 21.5, Ngân hàng Nhà nước đấu thầu 16.800 lượng vàng. 9 thành viên đã trúng thầu 7.900 lượng vàng với mức giá 89,42 triệu đồng/lượng. Mức giá này cao hơn giá mua vào của các đơn vị kinh doanh trên thị trường 920.000 đồng/lượng, thấp hơn giá bán ra 1,05 - 1,08 triệu đồng/lượng.
Từ ngày 19.4 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức tổng cộng 8 phiên đấu thầu vàng miếng SJC, trong đó 3 phiên phải hủy. Tổng lượng vàng trúng thầu là 35.100 lượng.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng T.Ư Toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới, nhìn nhận đấu thầu vàng là một giải pháp mà Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang triển khai để có thể thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới.
Nhấn mạnh "không thể đánh giá chi tiết mức độ hiệu quả của chính sách này", song theo ông Shaokai Fan, việc đấu thầu sẽ có tác động trực tiếp đến thị trường vàng trong nước.
"Việt Nam có khai thác vàng nhưng sản lượng không đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước. Để tăng nguồn cung hoặc phải dựa vào nhập khẩu vàng, hoặc người dân phải bán số vàng họ đang găm giữ. Trong xu hướng đang mua vào mạnh như hiện nay, cách duy nhất là phải nhập khẩu vàng để đáp ứng nhu cầu trong nước", ông Shaokai Fan bày tỏ quan điểm.
Bình luận (0)