Dầu tràm Lộc Thủy: Để xứng danh cái nôi của dầu tràm

12/12/2012 09:45 GMT+7

Mấy chục năm qua, dân làng Lộc Thủy vẫn loay hoay tìm cách vực dậy nghề nấu dầu tràm của tổ tiên...

Dầu tràm Lộc Thủy: Để xứng danh cái nôi của dầu tràm
Bà Trần Thị Quyên, người đầu tiên đem lò dầu ra đường, vừa bán vừa nấu - Ảnh: Tuyết Khoa

Đưa lò lên đường lộ

PV tìm đến lò dầu tràm của bà Trần Thị Quyên, 62 tuổi, người đầu tiên đưa lò ra cạnh đường quốc lộ để nấu. Ngồi bên lò dầu đang đỏ lửa là người phụ nữ với nước da đen sạm và tay chân lấm lem bụi than. Vừa cầm chai dầu mới ra lò thơm phức, bà vừa nói:  “Tui gắn bó với cái lò dầu tràm từ nhỏ. Chỉ biết bám vào cái nghề gia truyền này mà sống thôi, dù có những năm chỉ còn vài lò đỏ lửa!”.

Bà kể, sau giải phóng, dân làng lại đỏ lửa nấu dầu. Nhưng, nấu không được bao lâu thì ai nấy tìm kế sinh nhai khác. Mấy mươi năm nay, dù có khi chỉ còn vài ba lò còn nấu nhưng lò bà chưa bao giờ tắt lửa. Từ sau thời bao cấp đến năm 2000, cả làng chỉ còn 4-5 lò, thậm chí nhiều khi chỉ còn nấu 2 lò. Dân làng không sống nổi với nghề tổ tiên, nên nhiều người phải bỏ nghề dù rất yêu nghề. Thời gian đó, bà phải đem dầu vào Đà Nẵng để bán. Việc bà chuyển lò ra cạnh đường vừa bán vừa nấu hơn 20 năm nay cũng chỉ là tình cờ. “Nhà gần đường quốc lộ nên tui thấy cần làm một cái tủ bỏ dầu ra ngoài đường bán cho khách vãng lai. Nhưng vậy thì phải đem lò ra luôn, một mình tui không thể vừa nấu vừa bán. Cách đây chừng mười năm, khách du lịch đến Huế nhiều, xe du lịch dừng lại lò dầu của tui vừa xem vừa mua. Thế là dân làng cùng nhau đem lò ra cạnh đường vừa bán vừa để khách tham quan!”, bà thú thực.

Bao đời nay, dân làng Lộc Thủy sinh ra và lớn lên trên mảnh đất đượm mùi dầu tràm. Nghề luyện dầu tràm là nghề gia truyền của cả làng.  Dù có khi nó chỉ còn cái tên, họ phải chuyển làm nghề khác. Nhưng người làng luôn sẵn sàng trở lại với nghề nếu thấy có hy vọng vực dậy làng nghề. Giữa tháng 9.2012, các ban ngành chức năng, chính quyền và người dân địa phương đã họp bàn thành lập HTX chế biến dầu tràm Lộc Thủy. Ban đầu, HTX chỉ có 9 hộ tham gia. Đến nay trên địa bàn có 46 hộ với 54 điểm bán gia nhập HTX.

“Mọi người đã thống nhất thành lập HTX để tập trung xây dựng thương hiệu. Khi trở thành xã viên, chúng tôi cam kết sản xuất kinh doanh giữ uy tín sản phẩm dầu tràm của làng, chỉ bán dầu Lộc Thủy”, chị Ly, chủ một cửa tiệm dầu tràm ở đây cho biết.

Ước mong đổi thay...

Dầu tràm Lộc Thủy: Để xứng danh cái nôi của dầu tràm
Nhiều lò dầu Lộc Thủy vẫn sống dựa vào việc bán dầu không rõ nguồn gốc - Ảnh: Tuyết Khoa

 

“Chính quyền và người dân địa phương đã họp bàn tháo gỡ bằng cách đề xuất ban, ngành chức năng cấp trên giúp đỡ  xây dựng nhãn hiệu. Không thể để cái nghề gắn liền với người Lộc Thủy hàng trăm năm nay mai một”, ông Trương Viết Đính, chủ nhiệm HTX dầu tràm Lộc Thủy, khẳng định.

Theo ông Đính, năm 2011, sản phẩm dầu tràm Lộc Thủy được Cục Sở hữu trí tuệ chính thức công nhận. Đây là một dấu mốc quan trọng trong việc vực dậy làng nghề nấu dầu tràm. Đầu năm 2012, thông qua Phòng Công thương Phú Lộc (Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Thừa Thiên-Huế) đã tiến hành khảo sát, thẩm định và thống nhất hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng mô hình thí điểm phục vụ tinh chế dầu tràm tại xã Lộc Thủy. Theo đó, trung tâm đã hỗ trợ cơ sở chế biến dầu tràm Thanh Bình 40 triệu đồng để xây dựng mô hình lò chân cất dầu tràm lôi cuốn bằng hơi nước giúp cơ sở tăng năng suất, tiết giảm chất đốt và nhân công.

Ông Đính cũng cho biết thêm, chính quyền địa phương đã đề xuất huyện cho quy hoạch 20 ha đất ở khu vực thôn Thủy Tân, Phước Hưng (xã Lộc Thủy) để trồng cây tràm, bởi đảm bảo vùng nguyên liệu cho làng nghề. Đặc biệt, HTX đang đặt nhãn mác, bao bì mang thương hiệu dầu tràm Lộc Thủy để quán triệt việc cấm bán dầu tràm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng trên địa bàn.

“Tuy tất cả chỉ mới bắt đầu, nhưng với sự đồng thuận của bà con thì việc vực dậy tên tuổi dầu tràm Lộc Thủy nhất định làm được”, ông Đính nói.

Tuyết Khoa 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.