Đấu tranh chủ quyền hiệu quả

18/06/2012 03:10 GMT+7

Vào ngày 27 và 28.6 tới, Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ dự kiến tổ chức Hội nghị “Biển Đông và châu Á - Thái Bình Dương trong chuyển đổi: Khám phá những chọn lựa quản lý tranh chấp” tại Washington.

Hội nghị này sẽ có sự tham gia của chuyên gia đến từ nhiều nước và có cả Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương Kurt Campbell, Chủ tịch Tiểu ban Đông Á - Thái Bình Dương của Thượng viện Mỹ Jim Webb. Vì thế, đây là một sự kiện lớn liên quan đến tranh chấp biển Đông. Tuy nhiên, khi đọc được bản kế hoạch nội dung chương trình thì người viết không khỏi lấy làm lạ vì không thấy tên đại diện Việt Nam nào trong số thành viên chính tham gia phần thảo luận “Vai trò của luật và quy tắc quốc tế trong giải quyết và quản lý tranh chấp”, dù Việt Nam có đại diện tham gia các nội dung khác của hội nghị. Trong khi phía Trung Quốc có 1 đại diện là thành viên chính trong phần thảo luận trên.

Trong khi đó, thời gian qua, chúng ta vẫn khẳng định sẽ đấu tranh chủ quyền dựa trên những chứng lý và luật pháp quốc tế. Vì thế, lẽ ra chúng ta cần tận dụng triệt để những cơ hội viện dẫn luật pháp quốc tế bảo vệ chủ quyền quốc gia trong các sự kiện đa phương như hội nghị trên.

Cũng liên quan đến tranh chấp biển Đông, hiện có nhiều nhóm chuyên gia Việt Nam đang nghiên cứu ở nhiều khía cạnh khác nhau về vấn đề này như luật biển quốc tế, quan hệ quốc tế, kỹ thuật bản đồ, tuyên truyền chủ quyền… Với sự đầu tư nhiệt huyết và tri thức sâu rộng, các nhóm nghiên cứu đạt được không ít thành tựu góp phần quan trọng vào việc chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, thành tựu sẽ càng lớn hơn khi kết nối và xây dựng tính hệ thống cho các nghiên cứu trên. Thiết nghĩ, Việt Nam cần nhanh chóng triển khai việc hình thành một tổ chức phụ trách kết nối các nhóm nghiên cứu lại để tránh trùng lắp và có thể tận dụng thành quả nghiên cứu, bổ khuyết cho nhau.

Trong một lần trả lời phỏng vấn người viết, ông Swee Lean Collin Koh, Trường nghiên cứu quốc tế Rajaratnam (Singapore) từng khuyến nghị Việt Nam cần “chính thức thiết lập một cơ quan trực thuộc chính phủ chuyên trách biển Đông, tập hợp nhân sự từ giới ngoại giao, quân đội và những nhà nghiên cứu. Cơ quan này phụ trách hoạch định chính sách toàn diện về biển Đông và kết nối có tính hệ thống giữa những đơn vị khác”. Ngoài ra, cơ quan này sẽ lưu trữ thông tin, nghiên cứu và hợp tác nghiên cứu cùng các nước khác để bác bỏ những luận điểm sai trái của Trung Quốc. Với cách làm này, chúng ta sẽ từng bước hình thành một hệ thống nghiên cứu, chứng lý phong phú và toàn diện để tạo tiền đề vững chắc cho những nỗ lực đấu tranh dựa trên luật pháp quốc tế. Khi đó, chiến lược đấu tranh chủ quyền biển đảo của Việt Nam sẽ càng hiệu quả hơn.

Ngô Minh Trí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.