Tiếp tục mạch chủ đề ngân sách nhà nước dành cho khoa học mà mở đầu là bài Đầu tư cho khoa học mỗi năm chỉ bằng tiền làm "một dặm đường" đăng trên Thanh Niên, nhiều nhà khoa học đã nêu ý kiến về những bất cập trong vấn đề này.
Theo TS Võ Sỹ Nam, Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn (Big Data), ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học quá ít, cộng với cơ chế đầu tư "đếm bài chi tiền" và quản lý giống các dự án thông thường không giúp thay đổi chất cho nền khoa học, đồng thời đẩy nhà khoa học vào nguy cơ "sập bẫy" cơ chế.T
Cái khó bó cái khôn?
Theo TS Võ Sỹ Nam, Việt Nam hiện có một số quỹ hoặc chương trình tài trợ, hỗ trợ nghiên cứu khoa học do Nhà nước cấp ngân sách và quản lý, trong đó Quỹ NAFOSTED được xem là quỹ có cơ chế tiệm cận nhất tới các tiêu chuẩn quốc tế tiên tiến. Điều đáng tiếc là ngân sách cho quỹ này quá ít (năm 2023 là 292 tỉ đồng), đúng như nhiều nhà khoa học khác đã phàn nàn.
Có lẽ vì quá ít như vậy mà Quỹ NAFOSTED chỉ có thể tập trung vào tài trợ các đề tài nghiên cứu cơ bản với ngân sách cho mỗi đề tài chừng dăm ba trăm triệu đồng đến dưới 2 tỉ đồng. Điều này dẫn tới hệ lụy là không tạo được sự thay đổi về chất của nền khoa học. Đây là khoản kinh phí tài trợ kém hấp dẫn, thậm chí nhiều trường hợp không đủ để làm ra kết quả thực chất.
"Số tiền mấy trăm triệu đến dưới 2 tỉ đồng có thể chấp nhận được đối với một số đề tài nghiên cứu cơ bản mang tính lý thuyết, nhưng nhìn chung không đủ để thực hiện ra tấm ra món nhiều đề tài liên quan đến thực nghiệm (cần cỡ 5 - 10 tỉ đồng trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay).
Một số nguồn khác như Chương trình KC (Chương trình "Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0", một trong các chương trình khoa học - công nghệ trọng điểm do Bộ KH-CN quản lý) có thể đáp ứng được kinh phí này về mặt hình thức, nhưng cơ chế sử dụng ngân sách thiếu hiệu quả, thậm chí thất thoát nên cũng chưa tạo ra được các kết quả nghiên cứu đủ tầm", TS Nam bình luận.
Nguy hại của phương thức "đếm bài chi tiền"
TS Võ Sỹ Nam còn cho rằng, ngoài việc ngân sách Quỹ NAFOSTED rất ít ỏi ra, cơ chế quyết toán của quỹ này còn gây ra một hệ lụy nặng nề, làm ảnh hưởng tới sự phát triển của nền khoa học. Đó là quy định đánh giá kết quả dựa vào số bài công bố quốc tế. Cách thức này mặc dù rất hiệu quả trong giai đoạn đầu, nhưng về lâu về dài là có hại.
Thoạt tiên, điều đó giúp nền khoa học Việt Nam quen dần với công bố quốc tế, giúp minh bạch hoá, thực chất hóa việc nghiệm thu kết quả, do việc đăng bài quốc tế khó thao túng kết quả hơn nhiều so với việc đăng bài trong nước hay dùng cơ chế nghiệm thu bởi hội đồng khoa học trước đây. Tuy nhiên, cơ chế "đếm bài chi tiền" sẽ có hại cho việc phát triển một nền khoa học - công nghệ lành mạnh, thực chất.
"Bản thân việc đăng báo quốc tế gần đây cũng đã có nhiều hiện tượng thao túng kết quả mà báo chí và các nhà khoa học đã liên tiếng, nên việc chỉ dựa vào tiêu chí này cũng là một con dao hai lưỡi. Do vậy, nhìn chung cần có cơ chế để các nhóm nghiên cứu nhiều kinh nghiệm, đã chứng tỏ được năng lực trong quá khứ có thể tập trung vào các nghiên cứu quan trọng hơn theo cơ chế thẩm định thực chất hơn, không chạy theo số lượng", TS Võ Sỹ Nam đề xuất.
Tác hại của cơ chế quản lý như các dự án thông thường
Cũng theo TS Nam, cơ chế nghiệm thu đề tài chặt chẽ trong thời gian tài trợ (thường là 2 năm) cũng tạo ra một số bất cập. Các kết quả quan trọng thường phải làm trong nhiều năm (thậm chí 3 - 4 năm), tính cả thời gian thực hiện lẫn thời gian chờ phản biện công bố quốc tế, tức là phải làm từ trước khá lâu.
Đặc biệt các đề tài liên quan đến thực nghiệm thường rất tốn thời gian, bắt đầu từ thu thập mẫu vật, dữ liệu, tiến hành thí nghiệm sau đó phân tích, viết bài rồi chờ phản biện, công bố, tổng thời gian này có thể lên đến 4 - 5 năm. Nói chung, không thể có kết quả trong thời gian tài trợ nếu xuất phát từ đầu, do vậy phần lớn các đề tài sẽ phải tìm cách tận dụng một số nguồn đầu vào, kết quả nào đó từ trước theo một số cách nào đó thì mới có thể kịp nghiệm thu.
"Việc này về lâu dài sẽ gây ra một số nhập nhằng trong chi tiêu và rất có thể nhà khoa học sẽ bị "sập bẫy" cơ chế, đặc biệt khi mà cơ chế quản lý ngân sách của Nhà nước hiện nay khá phức tạp và thiếu sự linh hoạt cần thiết cho đặc thù của nghiên cứu khoa học (rủi ro cao, khó phân tách chi tiết theo kiểu dự toán các dự án thông thường…).
Các quỹ nghiên cứu khoa học ở các nước thường có sự linh hoạt nhất định về mặt báo cáo kết quả cho nhà khoa học dựa trên niềm tin về sự nghiêm túc của họ, mặc định rằng họ đã có kế hoạch dài hơi về chương trình nghiên cứu của bản thân và việc tài trợ này sẽ giúp cho họ trong kế hoạch dài hơi đó", TS Nam nói.
Bình luận (0)