Cần lộ trình đầu tư cho nông nghiệp
Theo Hòa thượng Danh Nhưỡng (tỉnh Kiên Giang), nước ta là nước nông nghiệp với 70% dân số là nông dân. Thế nhưng, hiện nay, mức đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chỉ chiếm 20% GDP. Như vậy là quá ít.
Cùng ý kiến trên, ĐB Nguyễn Văn Sơn (tỉnh Tuyên Quang) đánh giá: Đầu tư của Chính phủ cho nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng. Mức sống của người nông dân so với các thành phần khác chưa đồng đều. Người dân càng khó khăn hơn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay hỗ trợ sản xuất.
Chính vì thế, ĐB Sơn đề nghị: “Chính phủ cần báo cáo rõ trước QH con số đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; lộ trình đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Lộ trình này cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc, căn cơ”.
Giải trình về chi phí cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh, phát biểu: Bộ chúng tôi sẵn sàng cung cấp số tiền chi cho các hoạt động mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Còn phần chi của các bộ, ngành khác thì để các bộ, ngành khác tự công bố, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp và cung cấp con số. Bộ VH-TT-DL chúng tôi đã hết sức tiết kiệm và tiết kiệm khoảng 100 tỉ đồng. |
Bên cạnh đó, ĐB Hoàng Thị Bình (tỉnh Cao Bằng) nói thêm: “Giá cả, vật tư sản xuất nông nghiệp ngày một tăng nên sản phẩm đầu ra của người nông dân sau khi trừ hết chi phí thì lời chẳng được bao nhiêu. Từ bao năm qua, nông dân VN vẫn rơi vào hoàn cảnh được mùa giá thấp”.
Điều này đã làm cho các ĐB đặt ra câu hỏi về khả năng dự báo thị trường, giá cả, trách nhiệm định hướng phát triển nông nghiệp của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.
ĐB Trần Hồng Việt (tỉnh Hậu Giang) nêu dẫn chứng cụ thể là trong vụ Đông Xuân vừa qua, nông dân bán lúa ồ ạt theo dự báo giá của nhà nước, song sau khi hết vụ, giá tăng ồ ạt nhưng nông dân không còn gạo bán.
Nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất của người nông dân, nhiều ĐB kiến nghị Chính phủ miễn giảm thuế đất nông nghiệp đến năm 2020.
Nông dân phải được học nghề, được vay tín dụng để sản xuất. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần mở rộng mạng lưới giáo dục đào tạo dạy nghề ở miền núi, vùng sâu, vùng xa và vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời đầu tư nhiều hơn nữa trong lĩnh vực đời sống văn hóa nông thôn.
Bên cạnh đó, các ĐB QH cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành chuẩn nghèo mới và gắn các mục tiêu giảm nghèo với tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
ĐB Nguyễn Thị Khá (tỉnh Trà Vinh) cho biết, theo báo cáo của Chính phủ thì hệ số giá trị gia tăng trên giá trị sản xuất nông nghiệp đang giảm. Vì vậy, đề nghị Chính phủ tập trung đầu tư cho nông thôn như: thủy lợi, đê bao, hỗ trợ vốn cho nông dân,… để gia tăng chỉ số này.
Tăng trưởng không căn cơ
“Bội chi ngân sách năm sau luôn cao hơn năm trước; dư nợ năm sau luôn cao hơn năm trước; đầu tư thiếu tập trung, chưa đạt hiệu quả như mong muốn…” là những chỉ tiêu chưa đạt theo báo cáo của Chính phủ, được nhiều ĐB quan tâm phân tích.
ĐB Trần Văn Thức yêu cầu Chính phủ làm rõ nguyên nhân về bội chi, lạm phát và nợ công - Ảnh: Ngọc Thắng
ĐB Trần Văn Thức (tỉnh Vũng tàu) đã yêu cầu Chính phủ làm rõ nguyên nhân về các chỉ tiêu chưa đạt trên.
ĐB Trần Hồng Việt (tỉnh Hậu Giang) cho rằng tốc độ tăng trưởng vượt kế hoạch trong bối cảnh dựa vào giá nhân công rẻ, nợ công tăng, tăng thu ngân sách Nhà nước mà không giảm bội chi là kiểu tăng trưởng không căn cơ.
Trong chiều nay, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng cũng có báo cáo về tình trạng thiếu đồng bộ giữa cầu và đường trong các dự án giao thông. Theo Bộ trưởng: Trong quy hoạch và trong từng dự án thì bao giờ cũng gắn kết đồng bộ cầu và đường. Nhưng khi bố trí thực hiện các dự án thì có dự án bố trí thực hiện được đồng bộ cầu, đường. Còn một số dự án, do nhà tài trợ, nhà đầu tư khác nhau theo từng hạng mục cầu, đường nên mới xảy ra sự không đồng bộ. |
Hiện nay, chỉ số tăng giá tiêu dùng của nước ta đang ở mức 8,75% (so với chỉ tiêu QH đề ra là 7,8%). ĐB Việt đánh giá: Là do bội chi lớn, vay nợ thoải mái, gây “bội thực”. Việc chỉ số giá tiêu dùng tăng cao đã khiến cho mặc dù GDP tăng nhưng mức sống của người dân tăng không được bao nhiêu, thu nhập của người dân không thể theo kịp với mức tăng giá.
Chính vì vậy, ĐB Việt đề nghị: Chính phủ nên tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, giảm lạm phát, giảm bội chi ngân sách. Trong đó, ĐB Việt nhấn mạnh trong các chỉ tiêu đề ra “Chính phủ nên thay đổi khái niệm kiểm soát lạm phát bằng khái niệm kiềm chế lạm phát vì khái niệm kiểm soát lạm phát là không rõ ràng, đồng thời tỉ lệ lạm phát của nước ta đang cao hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới”.
Để giảm bội chi ngân sách, nhiều BĐ đã đề nghị Chính phủ kiên quyết rút đầu tư đối với những dự án không hiệu quả, tránh đầu tư dàn trải.
Ngày mai (2.11), QH tiếp tục phiên làm việc.
Nguyên Mi - Trí Quang
Bình luận (0)