Đầu tư cho văn hóa nhìn từ chuyện số hóa di sản chùa Keo Hành Thiện

28/10/2023 14:52 GMT+7

Nếu người làm văn hóa thực sự yêu văn hóa thì sẽ không thiếu cách làm hay để phát huy các giá trị di sản mà lại không quá tốn kém. Câu chuyện số hóa di sản tại làng Hành Thiện (xã Xuân Hồng, H.Xuân Trường, Nam Định) quê tôi là một ví dụ.

Làng Hành Thiện quê tôi đang mở hội chùa Keo Hành Thiện (từ 10 - 15.9 âm lịch) kết hợp với kỷ niệm 200 năm ngôi làng có danh xưng Hành Thiện.

Điểm nhấn năm nay chính là triển lãm Hành Thiện - 200 năm danh xưng, do trang tin làng Hành Thiện phối hợp với nhiều đơn vị chuyên môn thực hiện trong khuôn viên ngôi chùa làng, giữa không gian thâm nghiêm nhuốm màu thời gian, với những chất liệu cũ được sắp đặt, nhấn nhá, chăm chút từng góc ánh sáng, từng điểm cấu trúc. 

Đầu tư cho văn hóa nhìn từ chuyện số hóa di sản chùa Keo Hành Thiện - Ảnh 1.

Ông Đặng Vũ Chư, nguyên Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (bìa phải), tham quan triển lãm

QUỐC PHONG

Triển lãm nhè nhẹ chia sẻ những câu chuyện về làng xóm, về con người, về thiên nhiên nơi đây, như những lớp trầm tích văn hóa qua cả trăm, cả ngàn năm hình thành nên, đi cùng lịch sử đất nước, dân tộc.

Tác giả của ý tưởng này là KTS Đỗ Vũ Lợi, một người con quá đỗi yêu quê nhà và di sản văn hóa truyền thống.

KTS Đỗ Vũ Lợi cho biết: "Triển lãm là một phần nhỏ so với những gì dự án số hóa di sản làng Hành Thiện đã thực hiện suốt thời gian qua, bởi kinh phí vận động còn eo hẹp. Ngay cả lúc làm, chúng tôi xác định cứ tự bỏ kinh phí để làm đã, vận động sau. 

Chúng tôi không hướng tới những gì quá phô trương, từng chi tiết được dẫn dắt có chủ ý, từ sắp đặt, ánh sáng, câu chữ, hình ảnh, sử dụng, tận dụng những gì sẵn có trên thực địa, tái sử dụng vật liệu, hạn chế phát thải, từ những cánh ván cửa cũ, thậm chí sử dụng bộ khung kiến trúc của một khu nhà cũ như một gợi mở đầy ẩn ý. Như cách mà người xưa đã hình thành nên mảnh đất này, với các điểm quan trọng trên địa đồ hình cá chép, hay cắt đặt các tòa nhà trong tổng thể ngôi chùa... Những tưởng vô tình mà lại hữu ý".

Đầu tư cho văn hóa nhìn từ chuyện số hóa di sản chùa Keo Hành Thiện - Ảnh 2.

Những thành viên đội thi tranh thủ nghỉ tập vào thăm triển lãm

SOHANIIM

Không gian trưng bày trong nhà gồm 2 khu vực: gian ngoài kể về tổng thể ngôi làng với di tích quan trọng nhất; gian trong là sự phát triển về lễ tục đặc sắc, thiết chế làng xã bền chặt, những câu chuyện tiếp nối của các thế hệ, những bước chân lan tỏa của người Hành Thiện…

Triển lãm cũng trưng bày một số sản phẩm ứng dụng từ di sản nghệ thuật của chính ngôi chùa này, ở một bản dạng khác, như voi đá cỡ nhỏ, hay trích đoạn Tiên cưỡi rồng trên trán bia chùa được nghiên cứu, cấu trúc lại trở thành một tác phẩm độc lập, có đời sống riêng, để mỗi người dân đều có thể lưu giữ một phần di sản quê hương.

Có lịch sử từ thời Lý, ngôi làng xưa ở hương Giao Thủy, sau đổi thành Hộ Xá, phủ Hải Thanh. Làng xưa nằm bên bờ sông Hồng, phong cảnh hữu tình, được vua quan nhà Trần chọn làm nơi nghỉ ngơi vãn cảnh, đặt tên là trang Hành Cung.

Cuối thế kỷ 16, đất làng bị lở dần xuống sông. Năm Tân Hợi 1611, khu đất này lại bị lở xuống sông, một bộ phận người dân đã tìm đến mảnh đất hiện nay, có thế đất tốt, cùng nhau vượt đất, vét sông, xây chùa... gây dựng nên mảnh đất hình cá chép có đuôi hướng bắc, đầu hướng nam để lập làng; hệ thống đường làng ngõ xóm khúc triết, mà về sau này giới nghiên cứu gọi là một "thị tứ làng xã". 

Ngôi làng đã sản sinh ra nhiều danh nhân, nổi tiếng với việc học, với nhiều phong tục tập quán tốt đẹp, giàu tính nhân văn, có đời sống vật chất cao, đời sống tinh thần phong phú... Năm Minh Mạng thứ 4 (1823), vua Minh Mạng cho đổi tên làng Hành Cung thành Hành Thiện (chữ Hán: 行善) với ý nghĩa "nơi chỉ làm những điều lành, điều thiện".

Đầu tư cho văn hóa nhìn từ chuyện số hóa di sản chùa Keo Hành Thiện - Ảnh 3.

Những người phù giá phục vụ lễ rước kiệu tham quan triển lãm

NGUYỄN ĐÌNH THỐNG

Chùa Keo làng Hành Thiện (tên chữ là Thần Quang tự) với nét kiến trúc dân gian gần gũi, có lịch sử song hành cùng ngôi làng, được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Ngoài vẻ đẹp kiến trúc, chùa còn gìn giữ được những hiện vật cổ có giá trị: hệ thống tượng pháp, chuông, khánh, văn bia cổ, hoành phi, câu đối, sắc phong... và sách chữ Hán nói về chùa Keo. Các di sản này đang có nguy cơ mai một theo thời gian, khí hậu biến đổi, rất cần có một phương thức ứng xử phù hợp.

Tham quan online chùa Keo Hành Thiện

Với tình yêu và khát khao gìn giữ những giá trị di sản làng xã, một nhóm các chuyên gia quê làng Hành Thiện cùng các kiến trúc sư, nhà nghiên cứu, nghệ nhân trẻ có chung đam mê đã tập hợp nhau, lựa chọn chùa Keo Hành Thiện để thực hiện dự án nghiên cứu, thu thập dữ liệu, số hóa di sản... nhằm xây dựng hệ thống dữ liệu, tạo ra các dạng sống khác cho tư liệu gốc, bảo quản và nối dài đời sống tư liệu.

Các tư liệu này sẽ được xử lý, lưu trữ, công bố, sử dụng làm tài liệu nghiên cứu, quảng bá giới thiệu hoặc sử dụng như một căn cứ để phục dựng di sản.

Đầu tư cho văn hóa nhìn từ chuyện số hóa di sản chùa Keo Hành Thiện - Ảnh 4.

Nhiều học sinh, giáo viên tới tham quan, tìm hiểu lịch sử văn hóa địa phương

TRANG TIN LÀNG HÀNH THIỆN

Tôi đã bất ngờ và thật sự "choáng" khi được ngắm bản rập tấm bia Thần Quang tự Đại pháp sư bi từ thế kỷ 17, cùng với trích đoạn Tiên cưỡi rồng của trán bia được in rập tỉ mỉ bằng màu dầu trên giấy thủ công.

Tấm bia nổi tiếng trong giới nghiên cứu này nằm lặng lẽ dưới gác chuông chùa làng, rất khó để quan sát các chi tiết hoa văn, chữ khắc. Nhưng khi các chuyên gia sử dụng biện pháp in rập, chụp ảnh, scan 3D thì đã dễ quan sát, nghiên cứu hơn rất nhiều, thậm chí trở thành một tác phẩm nghệ thuật độc lập.

Ngoài ra, người dân cũng có thể tham quan online chùa Keo Hành Thiện hay triển lãm qua công nghệ chụp ảnh, số hóa 3D. Triển lãm cũng đã thu hút sự quan tâm rất lớn của người dân địa phương. Ngỡ như đây là một triển lãm tầm cỡ với hàng trăm triệu đồng kinh phí, nhưng nhóm đã thực hiện với vài chục triệu đồng ít ỏi.

Di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo Nam Định cùng với nhiều di sản văn hóa khác của làng quê Hành Thiện, nay được nâng cấp số hóa sẽ góp phần nâng cao giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của ngôi chùa cổ; giúp con người có thể tiếp cận di sản trong nhiều không gian, với nhiều phương thức, tạo ra những dạng sống khác nhau của cùng một tư liệu, giúp chúng có cơ hội tồn tại lâu dài hơn trước thiên nhiên.

Đầu tư cho văn hóa nhìn từ chuyện số hóa di sản chùa Keo Hành Thiện - Ảnh 5.

Người dân tham quan triển lãm

SOHANIIM

PGS - TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận văn học nghệ thuật T.Ư, phát biểu trên một tờ báo rằng: "Không phải cứ chi thật nhiều tiền là văn hóa, di sản, di tích sẽ được trùng tu, tôn tạo hiệu quả. Có tiền mà không biết cách chi dùng, không có kiến thức chuyên môn thì có khi thành phá hoại, thậm chí phá hoại ở mức... nguy hiểm".

Quả thật, cái cách mà nhóm thực hiện dự án số hóa di sản làng Hành Thiện vận động qua kênh xã hội hóa để có được một cuộc triển lãm mini như hiện nay thật đáng mừng, nhưng quan trọng hơn là kết hợp số hóa công trình kiến trúc này rồi lưu giữ càng thật nhiều ý nghĩa.

Đầu tư cho văn hóa nhìn từ chuyện số hóa di sản chùa Keo Hành Thiện - Ảnh 6.

TRANG TIN LÀNG HÀNH THIỆN

Đầu tư cho văn hóa nhìn từ chuyện số hóa di sản chùa Keo Hành Thiện - Ảnh 7.

Quang cảnh trưng bày khu triển lãm

TRANG TIN LÀNG HÀNH THIỆN

Chính quyền địa phương mấy năm qua cũng đã có ý tưởng kết nối khu di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo với khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh trong một chuỗi du lịch bởi cùng trong một làng, mỗi khi được bố trí trong hành trình tham quan, du lịch vùng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.