Đầu tư công tăng tốc: Kỳ vọng những 'tia sáng' cuối năm

17/05/2023 05:38 GMT+7

Dù nhận diện khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội, thuận lợi từ cả trong và ngoài nước, song Chính phủ vẫn kiên trì mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay đạt 6,5% và đang nỗ lực hết sức để thực hiện thành công mục tiêu này.

Hưởng lợi từ đầu tư công

Nhớ lại cách đây khoảng 5 năm trước, khi ngành giao thông thường xuyên "đói" dự án, ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Phương Thành Trancosin, cho biết thực tế hiện nay đã khác hẳn.

Đầu tư công tăng tốc: Kỳ vọng những 'tia sáng' cuối năm - Ảnh 1.

Dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm chuẩn bị đưa vào khai thác

THẾ QUANG

"Có lẽ chưa bao giờ ngành giao thông được quan tâm lớn, dành nhiều nguồn lực, vốn và các dự án như hiện nay. Trong bối cảnh nhiều lĩnh vực kinh tế gặp khó khăn, Chính phủ đã kích cầu bằng việc tăng tốc giải ngân đầu tư công, nhất là trong lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng là rất đúng và rất trúng", ông Khôi chia sẻ. Theo ông, đất nước đang phát triển, hạ tầng đầu tư chưa đồng bộ và hoàn chỉnh, việc dành nguồn lực công cho hạ tầng không chỉ tạo động lực kích thích tăng trưởng chung cho toàn nền kinh tế mà còn xây dựng mạng lưới hạ tầng đồng bộ đúng với phương châm "giao thông đi trước mở đường".

Là doanh nghiệp (DN) tham gia liên danh thầu nhiều dự án giao thông lớn, theo ông Khôi, việc Chính phủ dành nguồn lực lớn đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam, "cột sống" của hạ tầng giao thông đường bộ và các tuyến xương cá, tạo nên mạng lưới hoàn chỉnh cả trục dọc và trục ngang về đường bộ.

Tinh thần sốt sắng của người đứng đầu Chính phủ, sự quyết liệt vào cuộc của các cấp lãnh đạo từ T.Ư tới địa phương đã tạo nguồn động viên, nguồn năng lượng rất lớn cho các DN sau thời gian chìm trong khó khăn.

Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư bất động sản Việt An Hòa

"Anh em cán bộ công nhân viên trong ngành rất phấn khởi, có nhiều việc để làm. Không chỉ tạo sinh kế cho ngành giao thông, mà nhiều ngành khác cũng được hưởng lợi như vật liệu xây dựng, vận tải, tạo việc làm cho hàng vạn người", ông Khôi đánh giá và cho rằng trong bối cảnh các ngành khác đang co hẹp, việc này càng có ý nghĩa lớn hơn nữa.

Bên cạnh đó, DN này cũng đề xuất Chính phủ tháo gỡ thêm các nút thắt lớn đang cản trở tiến độ dự án là giải phóng mặt bằng và nguồn vật liệu đất đắp. "Thủ tướng và các lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành thường xuyên có các chuyến kiểm tra, chỉ đạo rất sát sao, giải quyết các khó khăn cho nhà thầu. Nhưng phía dưới địa phương cũng phải "nóng", phải quyết liệt như trên Chính phủ thì việc mới thông. Các nhà thầu cũng mong muốn Chính phủ vừa tháo gỡ về cơ chế vừa giải quyết sức ì của một số địa phương, có như thế thì dự án mới thông. Tiến độ công trình đúng hẹn, đảm bảo chất lượng thì mới phát huy được hiệu quả của dòng vốn đầu tư công", ông Khôi nhìn nhận.

Sự phấn khởi của công nhân, DN ngành giao thông không phải tự nhiên mà có. Ngay từ mùng 4 Tết Quý Mão, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp đi thăm, chúc tết cán bộ, công nhân và người dân khu tái định cư tại một loạt dự án từ Bắc vào Nam. Kiểm tra thi công, lắng nghe ý kiến các nhà thầu, đơn vị tư vấn, người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ đạo giải quyết ngay những khó khăn, bất cập của các dự án.

Bên cạnh đó, đúng như tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", Thủ tướng và lãnh đạo Chính phủ đã liên tục có các hội nghị đối thoại với các DN đầu tư nước ngoài, hay trực tiếp lắng nghe, gỡ vướng cho ngành du lịch trong nước...

Đầu tháng 4, Chính phủ ban hành Nghị quyết 50, trong đó yêu cầu các địa phương lập tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng tháo gỡ khó khăn cho DN cùng các dự án đầu tư, nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Thủ tướng sau đó cũng ký công điện gửi các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền về pháp lý, thủ tục hành chính, về tiếp cận vốn, điều kiện kinh doanh, về thanh khoản ngân hàng, về nợ và thuế, phí, lệ phí... để hỗ trợ DN.

Liên tiếp sau đó, đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng dẫn đầu thường xuyên trực tiếp đến các công trình trọng điểm để đôn đốc tiến độ, tháo gỡ khó khăn, đồng thời tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với các DN thuộc tất cả lĩnh vực để lắng nghe, cùng DN tìm cách bước qua giai đoạn khó khăn này.

Chờ chính sách "ngấm"

Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư bất động sản Việt An Hòa, đánh giá hiện nay Chính phủ, Thủ tướng đã có nhiều nghị quyết, văn bản chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, cho thị trường bất động sản, cho DN và người dân. Đơn cử, với cách tổ chức mới, Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng tổ công tác đặc biệt chắc chắn sẽ "lên dây cót" cho cán bộ cấp dưới, gỡ vướng nhiều hơn cho DN, giúp các dự án đầu tư được xốc lại tinh thần. Điều này cũng giúp bộ máy chính quyền các cấp hoạt động trơn tru hơn, kỳ vọng sẽ tháo gỡ được các vướng mắc về pháp lý hiện nay, giúp nền kinh tế nói chung cũng như thị trường bất động sản nói riêng sớm hồi phục.

Tương tự, trong bối cảnh các DN bất động sản đang tái cấu trúc, cơ cấu lại sản phẩm hướng đến nhu cầu ở thực thì Nghị quyết 50 cũng định hướng rõ các chính sách, ưu đãi dành cho nhà ở xã hội. Đồng thời, gói vay ưu đãi 120.000 tỉ đồng hỗ trợ chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã giúp DN tự tin hơn trong việc triển khai dự án.

"Tất nhiên, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, muốn thay đổi cục diện kinh tế phải cần thêm thời gian, chờ cho các chính sách "ngấm" nhưng trước hết, tinh thần sốt sắng của người đứng đầu Chính phủ, sự quyết liệt vào cuộc của các cấp lãnh đạo từ T.Ư tới địa phương đã tạo nguồn động viên, nguồn năng lượng rất lớn cho các DN sau thời gian chìm trong khó khăn", ông Trần Khánh Quang nói.

TS Võ Trí Thành (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh) đánh giá năm nay là một năm cực kỳ khó khăn, nhưng kinh tế VN bắt đầu có hy vọng. Đầu tiên là từ thị trường quốc tế. Mặc dù tính bất định còn cao nhưng ông Thành nhận định các áp lực lãi suất, tỷ giá đã dịu bớt. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã giảm lãi suất và có thể sẽ theo xu hướng dừng tăng trong giai đoạn tới. Trong khi đó, lạm phát tuy còn dai dẳng nhưng đã qua "đỉnh". Một số quốc gia đã ghi nhận mức phục hồi tốt. Có nhiều yếu tố để có thể kỳ vọng tăng trưởng toàn cầu suy giảm nhưng sẽ không rơi vào suy thoái, hoặc nếu có cũng chỉ ở thể rất nhẹ.

Trong nước, từ cuối năm ngoái, Chính phủ, Thủ tướng đã bám sát tình hình, lắng nghe nhiều bên từ DN đến chuyên gia, từ trong nước đến bối cảnh thế giới để nắm khá chắc những thách thức mà nền kinh tế phải đối mặt trong năm 2023. Chính phủ đã ban hành nghị quyết mới, đi cùng các chỉ thị tháo gỡ khó khăn cho DN. Nhiều vấn đề Chính phủ đã làm gấp như gỡ chính sách tiền tệ, hỗ trợ pháp lý, tái cấu trúc thị trường bất động sản; tháo gỡ cho thị trường trái phiếu DN; thực địa và hiện thực hóa chỉ đạo bằng văn bản thúc giục tăng tốc đầu tư công tại những dự án hạ tầng trọng điểm… Cái gì không thuộc thẩm quyền thì chuyển Quốc hội để nhanh chóng thông qua như trao cơ chế đặc thù cho một số địa phương, nhất là TP.HCM; giảm thuế giá trị gia tăng cho đa số các ngành kinh doanh, gỡ visa cho du lịch và hàng không…

"Nỗ lực của Chính phủ đã thấy, các chính sách có rồi và cũng đã ghi nhận một số dấu hiệu tích cực như thanh khoản ngân hàng cải thiện. Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại bắt đầu giảm lãi suất, dù chưa nhiều nhưng chắc chắn còn tiếp diễn. Cùng với định hướng tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công, đa dạng hóa thị trường, giảm khó khăn cho ngành hàng xuất khẩu, chuyển đổi các gói hỗ trợ..., các chính sách sẽ thấm dần. Kỳ vọng nửa năm tới sẽ xuất hiện những tia sáng, kinh tế VN sẽ bớt khó hơn."

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh

CHUYỂN ĐỘNG KINH TẾ ngày 17.5: Vì sao tăng giá điện mùa nóng? | Thanh niên Trung Quốc thất nghiệp nhiều kỉ lục

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.