Điểm đáng chú ý ở chỗ, các trường tư có danh tiếng đều là những trường phi lợi nhuận. Còn trường tư có lợi nhuận thậm chí còn bị tai tiếng. Những trường có lợi nhuận chỉ mới xuất hiện khoảng từ thập niên 1990 trở đi, các trường phi lợi nhuận thì đã có truyền thống rất lâu, hơn 100 năm trở lên. Trong đó, trường ĐH Harvard là trường tư cổ nhất và danh tiếng nhất, có gần 400 năm lịch sử.
Về đầu tư của nhà nước cho các trường thì có 2 khoản chính. Thứ nhất là kinh phí nghiên cứu khoa học. Khoản tiền này được xét dựa theo năng lực nghiên cứu khoa học của trường và có tính cạnh tranh. Chỉ những trường có năng lực nghiên cứu mới nhận được. Các trường tư có lợi nhuận hầu như không bao giờ có đủ năng lực để làm điều này mà chủ yếu chỉ tổ chức giảng dạy mà thôi. Khoản kinh phí thứ hai là hỗ trợ cho người học thông qua các chương trình cho vay học phí. Trong trường hợp này thì không hề có sự phân biệt tư hay công, lợi nhuận hay phi lợi nhuận. Bởi trách nhiệm chọn trường là của người học, chọn sao cho phù hợp với điều kiện của mình.
Vừa mới đây Quốc hội Mỹ đưa ra phương án thắt chặt quy định với các trường có lợi nhuận, ví dụ không cho vay để học ở những trường không đảm bảo chất lượng, từ đó buộc các trường phải có trách nhiệm cung cấp những chương trình tốt, tuyển sinh chặt chẽ, và quan tâm đến việc làm của sinh viên hơn.
Nhà nước ta nên làm rõ 2 loại trường tư lợi nhuận và phi lợi nhuận thì mới hy vọng có những trường tư danh tiếng ở VN sau vài thập niên nữa.
Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh
Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG TP.HCM
Bình luận (0)