Đầu tư hàng tỉ USD ra nước ngoài thiếu hiệu quả

Chí Hiếu
Chí Hiếu
10/05/2018 05:55 GMT+7

Số tiền mà các doanh nghiệp nhà nước lớn đầu tư ra nước ngoài đã vượt 7 tỉ USD, song dòng tiền thu về rất khó khăn và danh sách các dự án thua lỗ, nguy cơ mất vốn đang ngày một dài thêm.

Gần 50 dự án không có báo cáo doanh thu, lợi nhuận
Trong một báo cáo mới đây về việc sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, Chính phủ cho hay, tính đến hết năm 2016, có 18 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước có dự án đầu tư ra nước ngoài, với tổng số vốn đăng ký vượt con số 12,6 tỉ USD. Trong đó số vốn đã thực hiện đầu tư là hơn 7 tỉ USD. Số tiền nói trên được rót vào khoảng 110 dự án, chủ yếu trong các lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí, khai thác khoáng sản, viễn thông, trồng cây cao su.
Dẫn đầu về vốn đăng ký đầu tư ra ngoài biên giới là Tập đoàn dầu khí VN (PVN) với tỷ trọng 53%. Cụ thể, công ty mẹ lẫn các công ty con thuộc PVN đã đăng ký đầu tư ra nước ngoài 6,68 tỉ USD. Đứng thứ hai trong danh sách này là Tập đoàn công nghiệp - viễn thông Quân đội (Viettel) với 2,13 tỉ USD vốn đăng ký. Tiếp đó là Tập đoàn công nghiệp cao su VN (VRG) với 1,412 tỉ USD. Ngoài ra, Tập đoàn công nghiệp than khoáng sản VN (TKV) cũng được biết đến là ông lớn có nhiều dự án khai mỏ ở ngoài nước.
Xét về số vốn đã thực hiện, PVN cũng đứng đầu bảng với số vốn lũy kế đến hết năm 2016 là 3,74 tỉ USD (chiếm 49%); trong khi số tiền đã đầu tư của Viettel là 1,12 tỉ USD; còn VRG đã rót ra nước ngoài 729 triệu USD.
Điều đáng nói, số tiền vốn bỏ ra lớn, song dòng tiền thu về rất nhỏ giọt. Số liệu đến 31.12.2016 cho thấy, có đến 46,4% dự án không có báo cáo về doanh thu - lợi nhuận. Số dự án lỗ lũy kế tính đến hết năm 2016 chiếm 29%, còn riêng năm 2016 có 25,5% dự án báo lỗ. Cũng tính riêng trong năm này, lợi nhuận được chia cho phía VN là 145 triệu USD, tức chỉ bằng 2% tổng số tiền đã đầu tư ra ngoài nước.
Đáng lo ngại hơn, báo cáo của Chính phủ thừa nhận còn hơn 5,5 tỉ USD trong số hơn 7 tỉ USD vốn thực hiện đầu tư ra nước ngoài chưa được thu hồi. Lũy kế đến hết năm 2016, chỉ có 4/18 tập đoàn, tổng công ty có phát sinh số tiền thu hồi từ các dự án này với số tiền 1,85 tỉ USD (bằng 22% số vốn thực hiện). Nhiều dự án đang tiềm ẩn rủi ro về pháp lý tại nước sở tại như tranh chấp đất đai, bị rút ngắn thời gian thực hiện dự án. Đó là chưa kể các rủi ro về thị trường như giá đầu ra giảm mạnh, ảnh hưởng đến hiệu quả dự án. Có dự án bị ngừng cấp bảo lãnh chính phủ, dẫn tới việc phải dừng dự án.
Điểm tên những khoản mất vốn, thua lỗ
Quả đắng nhất trong số những thương vụ đầu tư ra nước ngoài của các “ông lớn” nhà nước không thể không kể đến dự án khai thác dầu tại Venezuela của PVN mà Báo Thanh Niên đã phản ánh. Dự án này chính thức ra mắt giữa năm 2010, song đến tháng 4.2013, PVN đã phải quyết định bỏ dự án này sau khi chi hơn 500 triệu USD trong tổng số vốn dự tính góp vào 1,8 tỉ USD.
Bên cạnh đó là khoản đầu tư của Tổng công ty Sông Đà vào Công ty thủy điện Việt - Lào để thực hiện dự án thủy điện Xekaman 3 tại Lào. Cụ thể, Công ty thủy điện Việt - Lào có vốn điều lệ 3.250 tỉ đồng với vốn góp của Tổng công ty Sông Đà chiếm 45%, song dự án đã phải dừng vận hành dài hạn vì gặp sự cố. Công ty thủy điện Việt - Lào đã bị Bộ Tài chính cảnh báo tiềm ẩn nhiều rủi ro và có nguy cơ mất vốn.
Một đơn vị khác có nhiều dự án ở nước ngoài thua lỗ, mất vốn là Tập đoàn TKV. Cuối năm ngoái, Thanh tra Chính phủ khi kết thúc thanh tra tập đoàn và nhiều công ty con (thời kỳ thanh tra từ 2010 - 6.2015) đã chỉ ra hàng loạt thương vụ đầu tư ra nước ngoài mất vốn, thua lỗ. Đó là khoản 111 tỉ đồng đầu tư vào Công ty liên doanh khai khoáng Stung Treng ở Campuchia nguy cơ mất toàn bộ vốn. Tương tự là khoản 184 tỉ đồng thăm dò mỏ bauxite ở Campuchia tại Công ty liên doanh Alumin Campuchia; hoặc khoản 77,6 tỉ đồng khi hợp tác vào Công ty Southern Mining Co.Ltd, tại thời điểm thanh tra được xác định gần như mất toàn bộ vốn. Cùng với đó là khoản thua lỗ 69 tỉ đồng khi đầu tư vào dự án mỏ sắt Phu Nhuon (Lào), 37,9 tỉ vào dự án khai thác mỏ muối ở Công ty TNHH Vinacomin, Lào.
Nói đến các dự án tồn đọng trong ngành khai mỏ thì đồ sộ nhất phải kể đến dự án muối mỏ kali tại Lào của Tập đoàn hóa chất VN (Vinachem). Dự án có mức đầu tư trên 500 triệu USD này sau khi khởi công năm 2015 đã bị dừng dài hạn và được lãnh đạo Bộ Công thương nối vào danh sách 12 đại dự án nghìn tỉ thua lỗ kéo dài của ngành công thương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.