Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến sự đầu tư phát triển toàn diện huyện đảo Phú Quý. Sau 48 năm ngày giải phóng đảo Phú Quý (27.4.1975 - 27.4.2023) bộ mặt của hòn đảo này từ kinh tế, văn hóa đến đời sống của người dân trên đảo có bước phát triển vượt bậc.
Có được thành tựu quan trọng trên hòn đảo này như ngày nay, một ngành đặc biệt quan trọng, có tính quyết định sự phát triển của đảo Phú Quý phải kể đến chính là ngành điện.
Đối với người dân sống trên đảo Phú Quý, điện đối với bà con có ý nghĩa quan trọng không chỉ là ánh sáng văn hóa, mà nó còn là khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta đối với người dân trên đảo.
Trong lần về thăm và làm việc với đội ngũ cán bộ chủ chốt của Bình Thuận vào ngày 26.3.2023 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, việc Bình Thuận ưu tiên đầu tư phát triển đảo Phú Quý là hướng đi đúng. Chủ tịch Quốc hội cho rằng "đầu tư cho đảo Phú Quý là đầu tư không nuối tiếc" và Tỉnh ủy Bình Thuận cần có một nghị quyết riêng về đảo Phú Quý. Điều đó thể hiện sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đối với hòn đảo thân yêu này.
Người dân trên đảo được dùng điện như trong đất liền
Trao đổi với PV Thanh Niên, Giám đốc Công ty Điện lực Bình Thuận Nguyễn Thành Ngôn, cho biết được sự quan tâm của lãnh đạo Tập đoàn Điện lực VN (EVN), Tổng công ty điện lực Miền Nam và nhất là sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bình Thuận, Công ty Điện lực Bình Thuận đã có nhiều chương trình đầu tư về điện cho đảo Phú Quý.
"Chính vì sự quan tâm ấy, chúng tôi xác định về nguồn điện, nhất định không để bà con trên đảo phải thiếu thốn, mà phải được dùng điện như người dân trong đất liền".
Lãnh đạo Công ty Điện lực Bình Thuận khẳng định "muốn đầu tư gì thì ngành điện cũng phải đi trước".
Nếu như năm 2.000, trên đảo chỉ phát điện 5 giờ/ngày thì đến năm 2002 đã tăng thời gian phát điện cho đảo 12 giờ/ngày; năm 2003 là 16 giờ/ngày và từ năm 2014 đến nay điện đã sáng trên đảo 24/24 giờ.
Theo lãnh đạo Công ty Điện lực Bình Thuận, đây là sự đầu tư rất lớn của ngành điện cho người dân trên đảo mà "không cần kể ra thì người dân đã rất hiểu điều này".
Vấn đề không chỉ có đủ điện cả ngày, mà giá điện đang áp dụng đối với người dân trên đảo được tính bằng với giá trên đất liền, kể từ năm 2014.
Hiện đại hóa để huyện đảo "cất cánh"
Theo thống kê của Công ty Điện lực Bình Thuận, để có được sự cung cấp điện ổn định trên đảo Phú Quý như hiện nay, từ năm 1998, Điện lực Bình Thuận đã đầu tư, cải tạo sửa chữa mạng lưới điện với kinh phí rất lớn.
Chỉ tính từ năm 2020 trở lại đây, ngành điện đã đầu tư hơn 106 tỉ đồng cho việc cải tạo lưới điện, đầu tư biến áp.
Theo Công ty Điện lực Bình Thuận, năm 2019 ngành điện sử dụng nguồn vốn vay ODA, với tổng mức đầu tư 271 tỉ đồng để đầu tư dự án: "Phát triển và hiện đại hóa hệ thống nguồn - lưới điện huyện đảo Phú Quý".
Theo đó, công ty đã đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện, nguồn điện tại Điện lực Phú Quý; Đầu tư mở rộng thêm 5 MW nguồn điện Diesel, đầu tư cải tạo 29,4 km đường dây trung thế 22 kV và 21,3 km đường dây hạ thế; 30 trạm biến áp với tổng dung lượng 5.620 kVA.
Ngoài ra, ngành điện còn đầu tư hệ thống điều khiển hỗn hợp Diesel - gió vận hành tự động, hệ thống SCADA điều khiển giám sát từ xa các thiết bị trên lưới, hệ thống tự động sa thải phụ tải theo tần số.
Sau khi hoàn thành dự án này, đã phát triển và hiện đại hóa lưới điện, nguồn điện giúp hệ thống điện trên toàn đảo Phú Quý là một trong những hệ thống hiện đại trong Tập đoàn Điện lực VN và tại Công ty Điện lực Bình Thuận có thể điều khiển và giám sát các máy phát tại nhà máy điện ở Phú Quý.
Giám đốc Điện Lực Bình Thuận Nguyễn Thành Ngôn khẳng định, đầu tư hệ thống truyền tải điện, nguồn điện trên đảo Phú Quý không đơn thuần là kinh doanh điện. Dù không có lãi (do phải chạy dầu Diesel), nhưng công ty coi đây là nhiệm vụ chính trị, góp phần quan trọng xây dựng đảo Phú Quý trở thành đảo phát triển về kinh tế, vững mạnh về an ninh quốc phòng.
Bình luận (0)