Ngày 6.4, ADB công bố báo cáo dự báo tình hình kinh tế Việt Nam năm 2022 và 2023.
Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế của ADB |
gia hân |
Báo cáo của ADB do ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế quốc gia của ADB, đưa ra những dự báo khả quan đối với sự phục hồi và phát triển kinh tế của Việt Nam.
“Kinh tế Việt Nam dự kiến phục hồi ở mức 6,5% trong năm nay và tăng trưởng mạnh mẽ hơn ở mức 6,7% trong năm 2023, do tỷ lệ tiêm chủng cao, đẩy mạnh thương mại và tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng”, ông Cường nói.
Tuy nhiên, theo chuyên gia của ADB, có nhiều rủi ro trong ngắn hạn có thể cản trở sự phục hồi kinh tế Việt Nam như sự gia tăng dịch bệnh Covid-19 với các biến chủng mới, những bất ổn địa chính trị khiến giá cả hàng hóa tăng cao với xung đột Nga - Ukraine, sự phục hồi kinh tế toàn cầu chậm lại, lạm phát gia tăng ở các nước là bạn hàng lớn của Việt Nam…
“Ngoài ra, Trung Quốc với chính sách "zero Covid" sẽ tác động mạnh tới chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có Việt Nam”, ông Cường nhận định.
Ở trong nước, ông Cường cho rằng, sự phục hồi của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào việc triển khai Chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế với hàng loạt chính sách tài khóa, tiền tệ được Quốc hội thông qua hồi tháng 1.
Tuy nhiên, theo ông Cường, rủi ro trong năm tới là bất ổn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và nợ xấu gia tăng dù thị trường tài chính vẫn tương đối ổn định.
“Cái này đã được cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam tính toán và đang được xử lý tương đối hiệu quả”, ông Cường nêu.
Vì sao CEO Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng bị bắt vì tội danh lừa đảo? |
Quản lý việc thao túng thị trường của tập đoàn lớn
Đánh giá rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhất là sau vụ việc Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng bị bắt liên quan việc doanh nghiệp này phát hành trái phiếu, chuyên gia Nguyễn Minh Cường cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam tăng rất mạnh trong 5 năm vừa qua.
Đánh giá đây là “tín hiệu tốt” khi thị trường trái phiếu Việt Nam vẫn chưa phát triển mạnh, song ông Cường cho rằng, sự gia tăng này quá nhanh so với sự đáp ứng các nền tảng cả từ phía nhà đầu tư lẫn nhà phát hành.
“Rất nhiều doanh nghiệp đua nhau phát hành trái phiếu doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khi thông tin về doanh nghiệp, tài sản bảo đảm chưa vững chắc. Ngược lại, không phải nhà đầu tư nào cũng có thông tin, kinh nghiệm, gần như đầu tư mang tính bầy đàn”, ông Cường nói.
Theo ông Cường, cả nhà phát hành và nhà đầu tư không thực sự sẵn sàng về thông tin, trình độ để đảm bảo cho sự phát triển trái phiếu doanh nghiệp bền vững. Ngoài ra, đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp phát hành trái phiếu cũng chưa thực sự phát triển.
Về vụ việc của Tân Hoàng Minh, ông Cường nói không đề cập trực tiếp, song cho rằng, Việt Nam đã trải qua một thời kỳ dài cải cách doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, trong thời gian qua, doanh nghiệp tư nhân đã phát triển mạnh với sự xuất hiện của nhiều tập đoàn lớn.
“Nhiệm vụ cần tập trung lúc này là đảm bảo thị trường lành mạnh dù là doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân. Do đó, bên cạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước cũng cần tập trung quản lý thị trường, đặc biệt là hành vi thao túng thị trường ở những tập đoàn lớn”, ông Cường nêu kiến nghị.
Bình luận (0)