VŨ KHÍ "MADE IN VN" ĐỘT PHÁ
Triển lãm quốc phòng quốc tế VN 2024 diễn ra từ ngày 19 - 22.12 trưng bày 68 chủng loại khí tài trang bị trong biên chế của Quân đội nhân dân VN trên diện tích 10.530 m2. Ngoài ra còn có 66 đoàn đại biểu quốc tế và hơn 240 doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng đến từ 49 quốc gia tham gia triển lãm.
Bên trong nhà máy Z111: Nơi ra lò súng, đạn ‘made in Việt Nam’
Đoàn chủ nhà VN trưng bày nhiều sản phẩm hiện đại, tiên tiến sánh ngang với khu vực và trên thế giới. Trước hết phải kể đến 3 loại súng tiểu liên STV 380, STV 215 và STV 022 được quân đội sản xuất hàng loạt để thay cho loại súng truyền thống hàng chục năm qua là tiểu liên AK-47. Ngoài việc sản xuất hàng loạt phục vụ bộ binh, STV đã được VN xuất khẩu sang Israel.
Cạnh đó là sự xuất hiện lần đầu của xe chiến đấu bộ binh XCB-01 do Tổng cục Công nghiệp quốc phòng thiết kế và chế tạo dựa theo mẫu thiết giáp BMP-1 do Liên Xô sản xuất. Xe có trọng lượng khoảng 15 tấn, trang bị pháo chính cỡ 73 mm với 40 viên đạn, cùng súng máy song song PTK 7,62 mm với 2.000 viên đạn, súng máy phòng không 12,7 mm trên nóc tháp pháo với 200 viên đạn. Xe có tốc độ tối đa tới 65 km/giờ, tốc độ bơi 7 km/giờ với động cơ 300 mã lực. Xe có thể leo dốc 30 độ, vượt nhiều địa hình khác nhau. XCB-01 được trang bị tên lửa chống tăng B72 tích hợp trên bệ phóng cố định trên pháo chính của xe. XCB-01 có thể chở theo 8 chiến sĩ với trang bị đầy đủ, 4 quả tên lửa.
Một bước đột phá đáng chú ý, VN đã chế tạo được nhiều loại UAV hiện đại, bao gồm cả UAV cảm tử, điều mà không nhiều quốc gia trên thế giới đạt được. Tại gian trưng bày của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, 3 loại UAV chiến đấu, trinh sát và cứu hộ cứu nạn được giới thiệu đến công chúng.
UAV trinh sát có trần bay 3 km, tốc độ hành trình 80 - 108 km/giờ, camera trinh sát trận địa cả ngày và đêm, có thể thu hồi bằng cách bung dù. Hai loại UAV cánh quạt cảm tử và UAV cánh bằng cảm tử đều mang đầu nổ xuyên lõm để tấn công các mục tiêu là xe tăng, xe bọc thép, lô cốt quân sự. Đặc biệt, các UAV này đều có thể thực hiện được chiến thuật tấn công "bầy đàn".
Tổng công ty công nghiệp công nghệ cao Viettel (Viettel High Tech) cũng công bố 3 loại UAV, bao gồm UAV trinh sát, UAV cảm tử và UAV đa năng. Trong đó, UAV đa năng được kỳ vọng sẽ là bước ngoặt trong chiến lược quân sự của VN khi có khả năng hoạt động ở cự ly lớn trong mọi điều kiện thời tiết và mang được nhiều loại khí tài tấn công và trinh sát tầm xa.
Bên trong nhà máy Z111: Nơi ra lò súng, đạn ‘made in Việt Nam’
SỨC MẠNH PHÒNG THỦ NÂNG CAO
Cả ba lực lượng chủ lực của Quân đội nhân dân VN gồm: Phòng không - Không quân, Hải quân và Lục quân đều được đầu tư mua sắm vũ khí trang bị mới, hiện đại để bắt kịp xu thế chung của thế giới.
Một trong những thay đổi lớn của lục quân là sự xuất hiện của xe tăng T-90S, dòng xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại được Nga và quân đội nhiều nước tin dùng. T-90 cũng như phiên bản T-90S/SK được trang bị hệ thống vũ khí cực mạnh và tự động hóa cao với máy tính đường đạn, các cảm biến quang - ảnh nhiệt, khí tài quan sát, hệ thống tự động bám mục tiêu... cho phép tấn công chính xác mục tiêu trong mọi điều kiện thời gian, thời tiết.
Xe có tốc độ tối đa 60 km/giờ, trọng lượng 46,5 tấn, chở tối đa 3 người. Ngoài các loại đạn pháo tăng uy lực, T-90S/SK còn được trang bị hệ thống tên lửa chống tăng 9M119M Refleks bắn qua nòng pháo chính có khả năng tấn công chính xác cao tới 5 km và khả năng xuyên phá 950 mm giáp thép.
VN cũng nâng cấp xe tăng T-54, T-55 và T-62, xe chiến đấu bộ binh BMP-1, các loại pháo tự hành để đáp ứng yêu cầu chiến tranh hiện đại và kéo dài niên hạn sử dụng.
Tổ hợp tên lửa phòng không Spyder (Israel chế tạo) của Quân chủng Phòng không - Không quân được đánh giá là hiện đại nhất Đông Nam Á. Hệ thống tên lửa này có khả năng tác chiến cơ động, phản ứng nhanh, hoạt động ngày, đêm trong mọi điều kiện thời tiết, tiêu diệt các mục tiêu trên không ở tầm ngắn và trung như: máy bay, trực thăng, mục tiêu bay tầm thấp, tên lửa hành trình, thiết bị bay tấn công không người lái…
Tổ hợp tên lửa bờ Redut-M của Quân chủng Hải quân dùng để tiêu diệt các tàu mặt nước, các phương tiện vận tải trên biển và công trình trên đảo, ven bờ biển. Tổ hợp gồm 2 tên lửa P-28 và P-28 M, trong đó tên lửa P-28 có chiều dài 9,8 m, khối lượng phóng khoảng 4,16 tấn. Đạn tên lửa P-28 có tầm bắn 300 km, độ cao hành trình tối đa 7 km. Khối lượng đầu đạn của tên lửa khoảng 560 kg, có thể phá hủy nhiều loại chiến hạm, kể cả tàu sân bay và tàu đổ bộ hạng nặng, nếu đánh trúng đích.
VN còn nghiên cứu, cải tiến 2 tổ hợp tên lửa phòng không và tên lửa phòng thủ bờ biển, đó là tổ hợp tên lửa phòng không S-125-VT, chế tạo tổ hợp tên lửa đất đối hải Trường Sơn.
VŨ KHÍ HIỆN ĐẠI, VƯƠN RA BIỂN LỚN
Nhiều người dân, chuyên gia tham quan Triển lãm Quốc phòng quốc tế VN 2024 đều ngạc nhiên về sự tối tân của vũ khí, khí tài VN. Trao đổi với Thanh Niên, đại tá Đàm Rơi, nguyên Phó tư lệnh Bộ Tư lệnh thông tin (Bộ Quốc phòng), cho biết đây là lần thứ 2 ông tham quan triển lãm. Năm nay, những vũ khí, khí tài của VN trưng bày khiến ông bất ngờ bởi ở triển lãm trước, vũ khí của VN đã hiện đại rồi nhưng chưa được công bố.
Ông Đàm Rơi đánh giá rất cao hệ thống radar, UAV của ngành công nghiệp quốc phòng… "Chúng ta cần phải nghiên cứu, đẩy mạnh sản xuất để xây dựng tiềm năng về nền công nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa", ông nói.
Trong khi đó, thượng tá Phạm Anh Tuấn, nguyên cán bộ Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng), cho rằng quân đội ta đã hiện đại, tiên tiến ngang các nước trong khu vực và thế giới khi áp dụng công nghệ mới. "Nhìn những vũ khí của nước ngoài mang sang VN rất hiện đại, nhưng vũ khí của chúng ta cũng không kém họ là mấy. Tôi cho rằng VN đang theo kịp công nghệ sản xuất vũ khí của thế giới. Tuy nhiên, chúng ta cần đầu tư hơn nữa về quốc phòng để bắt kịp xu thế của thời đại", ông Tuấn nhấn mạnh.
Bình luận (0)