Dấu vết của một pho tượng rắn khổng lồ?

16/04/2010 00:41 GMT+7

Việc phát hiện thêm những mảnh tượng tại khu vực đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh (Bắc Ninh) đã dẫn tới những giả thiết khác nhau về nguồn gốc và kết cấu của pho tượng rồng/rắn "miệng cắn thân, chân xé mình" vốn dĩ rất bí ẩn (Báo Thanh Niên đã có bài viết tháng 8.2008).

Theo báo cáo mới được công bố của Ban quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh, hai mảnh tượng "Xà thần" (như cách gọi của người dân) vừa được tìm thấy trong cuộc khai quật khảo cổ học tại đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh (xã Đông Cứu, huyện Gia Bình).

Vị trí phát hiện 2 mảnh tượng này là 2 hố khai quật phụ, được nhóm chuyên gia khảo sát mở thêm sau khi phân tích kết cấu pho tượng Xà thần và các truyền thuyết từ địa phương. Mảnh tượng thứ nhất dài 60 cm, rộng 40 cm, cao 35 cm. Mảnh tượng thứ hai dài 50 cm, đường kính 30 cm, trên mình có vẩy, phần thân tương đối tròn, gắn liền một bàn chân (20x25 cm) có móng vuốt sắc nhọn bám chặt vào thân. Đặc biệt, cả hai mảnh tượng thu được đều làm bằng đá cát, có chất liệu và phong cách điêu khắc hoàn toàn phù hợp với chất liệu và phong cách điêu khắc của khối tượng hiện được thờ trong miếu Xà thần.

Những suy đoán

Theo phỏng đoán của nhóm khảo sát, rất có khả năng những mảnh tượng tìm thấy thuộc về phần thân chính của tượng Xà thần, trong đó có một bàn chân sau. Bởi lẽ, khối tượng được tìm thấy năm 1991 chỉ có phần đầu rắn thần, trong tư thế miệng và hai chân đang quặp chặt lấy phần đuôi tượng. Từ đó, căn cứ theo tỷ lệ thiết kế của khối tượng này (chiều cao 0,76m, chiều ngang 1,12m, chiều dài 0,96m và nặng 3 tấn), pho tượng hoàn chỉnh sẽ có cấu trúc lớn gấp 3 lần so với khối tượng đang được thờ.

"Theo quan điểm cá nhân của tôi, rất nhiều mảnh tượng còn lại vẫn đang nằm trong lòng khu đền thờ này" - ông Nguyễn Khắc Thuận, thành viên tổ khảo sát, cho biết. Và báo cáo của tổ khai quật đưa ra kết luận: "Đây là một phát hiện mới, có thể là bước đột phá để trong tương lai có thể phục hồi hoàn toàn khối tượng rồng đá đặc biệt quý hiếm này". Theo báo cáo, phát hiện này sẽ dẫn đến những yêu cầu thay đổi về thiết kế và kích thước trong quá trình trùng tu lại tượng Xà thần.

Cụ Nguyễn Đức Đam, 73 tuổi, thủ từ tại đền cũng kể: sau thời điểm đền được công nhận là di tích quốc gia (năm 1994), những người dân tại đây đã từng đào được một số mảnh tượng có dạng rồng/rắn tại khu vực xung quanh di tích. Tuy nhiên, do yếu tố tâm linh, những mảnh tượng đào được đều được chôn lại xuống diện tích khuôn viên đền và thắp hương cẩn thận. Rất có thể chính mảnh khai quật được là một trong những phần tượng đã được chôn xuống.

 
Một mảnh tượng có bàn chân 5 vuốt, được tìm thấy

Bước đầu giải mã

Từ khi được tìm thấy năm 1991, sự tồn tại của khối tượng Xà thần đã gây nên nhiều giả thiết khác biệt: tượng rồng hay tượng rắn thần? Tượng được tạc vào thời Lý Trần hay Hậu Lê? tượng do hậu nhân hay do chính Lê Văn Thịnh cho tạc? Tượng là hóa thân của vị Thái sư bị khép án oan "hóa hổ" hay là lời ngầm trách móc vua Lý Thánh Tông vì nghe lời xiểm nịnh mà tự "ăn thịt" bề tôi của mình? (các ý kiến sau được đưa ra dựa vào việc pho tượng Xà thần chỉ một bên tai có đục lỗ)… Điểm chung lớn nhất giữa các ý kiến này chỉ là lời khẳng định về nghệ thuật tạo hình độc đáo và hiếm thấy: khối tượng có bộ mặt giống một con rắn hổ mang cỡ lớn, thân có vẩy, cuộn xiết trong tư thế vật vã, miệng cắn chặt đuôi, các móng quắp lấy thân đau đớn, đôi mắt như nhòa đi.

Với những mảnh tượng mới tìm thấy, ông Lê Viết Nga, Giám đốc Bảo tàng Bắc Ninh đưa ra những kiến giải riêng về sự tồn tại của kiến trúc tượng rồng/rắn khác. Giả thiết này tỏ ra khá phù hợp với kết luận của báo cáo khảo sát. Theo đó, quần thể di tích đền thờ Lê Văn Thịnh có sự xuất hiện của hàng loạt mảnh gốm sứ mang dáng dấp từ hiện vật thời Hán cho tới thời Trần, Lê sơ, Hậu Lê, Nguyễn… Đặc biệt, địa tầng của khu di tích có hiện tượng đào bới rất mạnh và trải rộng trong toàn bộ khuôn viên, cho thấy những thông tin ban đầu về một ngôi đền thờ Lê Văn Thịnh được tu sửa liên tục qua nhiều thế kỷ và đặc biệt có quy mô kiến trúc đồ sộ vào thời Hậu Lê.

"Cá nhân tôi cho rằng khối tượng thờ hiện nay có kết cấu đủ hoàn chỉnh và cân đối rồi, nếu thiếu chỉ là chút ít. 2 chân sau của tượng quặp và "ẩn" sát vào thân chứ không tách rời như chúng ta tưởng, vì vậy việc thử "ghép" các mảnh tượng mới tìm thấy vào khối tượng thờ đã không mang lại kết quả" - ông Nga cho biết. Nếu theo giả thiết ấy thì có lẽ vào thời Hậu Lê, trong quần thể ngôi đền đã có không chỉ một pho tượng rồng…

Với những mảnh tượng tìm được, việc xác định rõ hơn cấu trúc và niên đại của tượng Xà thần sẽ là một bước tiến trong việc giải mã pho tượng bí ẩn này.

Lê Văn Thịnh (1038 -?), người tỉnh Bắc Ninh, từng đỗ Trạng Nguyên khoa thi đầu tiên trong lịch sử Việt Nam (1075). Với triều Lý, ông là người có nhiều công lao - đặc biệt trong việc ngoại giao đòi nhà Tống trả lại đất thuộc 6 huyện, 3 động thuộc vùng Cao Bằng, Lạng Sơn hiện nay. Năm 1096, khi đang là quan Thái sư, ông bị khép án "hóa hổ giết vua", sau đó bị đày viễn xứ và không rõ năm mất. Các nghiên cứu hiện đại đa phần khẳng định vai trò của Lê Văn Thịnh và cho rằng ông là nạn nhân bị vu oan trong cuộc tranh chấp tại triều Lý khi đó (giữa phái theo Phật giáo - đang là quốc giáo, và phái Nho giáo đang muốn vươn lên giành ngôi vị thống trị trong triều đình).

Xuân Thành

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.