Một số lý giải khác, như trường hợp làng Mỹ Lợi, thì cho rằng người Quảng đã ra Huế định cư và bảo lưu giọng Quảng của mình suốt 4-5 trăm năm nay (những họ lâu đời nhất ở Mỹ Lợi có gia phả đều đã 16-17 đời). Thế nhưng, rõ ràng những cách trả lời này mang nhiều kiến giải của dân gian hơn là khoa học. Trong khi khoa học, tức các nhà ngôn ngữ trên thế giới, đã lý giải hiện tượng này một cách đầy đủ và khá sâu sắc.
|
Do một bộ phận dân cư đã thay đổi ngôn ngữ
Quan điểm quan trọng nhất giúp ta hiểu hiện tượng này là của Meillet, nhà ngôn ngữ học người Pháp: “Khi một ngôn ngữ biến đổi nhiều, tạo ra một bộ mặt mới khác với trước đó thì rất có thể là có một bộ phận dân cư đã thay đổi ngôn ngữ”. Ở VN, theo GS ngôn ngữ học Hoàng Thị Châu, các thành phần dân cư đã thay đổi ngôn ngữ của mình để nói tiếng Việt là những người Việt gốc Hoa, gốc Khmer và gốc Chăm”(Hoàng Thị Châu, Tiếng Việt trên các miền đất nước - Phương ngữ học, NXB KHXH 1989, trang 229). Theo chúng tôi, ở miền Trung còn phải kể đến các tộc người thiểu số khác nữa như Rục, Tà Ôi, Bru-Vân Kiều, Ka Tu, Cuối, Mọn, Đan Lai - Ly Hà, Tày Poọng...
Ví dụ, trong thực tế, điều bất cứ ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy là người Ấn nói tiếng Anh rất khác với người Thái nói tiếng Anh và cũng khác xa với người Việt, Nhật, người Hoa, người Pháp nói tiếng Anh. Những nhóm dân cư mà GS Hoàng Thị Châu đề cập đã nói tiếng Việt bằng giọng nói của họ và đã sinh ra những vùng thổ ngữ khác nhau.
Thực tế có nhiều yếu tố để tạo thành một thổ ngữ. Như trường hợp trên là một, ngoài ra ta còn có các trường hợp người Chăm tiếp thu tiếng Việt ở người có giọng Hải Dương, Thái Bình sẽ khác rất nhiều với việc họ học nói tiếng Việt với người Thanh Hóa và sẽ càng khác nếu học nói tiếng Việt với người Nghệ An. Rõ ràng điều đó tạo nên những vùng thổ ngữ khác nhau.
Ngôn ngữ tiếng Việt là ngôn ngữ thanh điệu, chưa kể điệu tính bổng trầm của mỗi vùng thì việc nói đủ sáu dấu thanh là điều khó với bất cứ ai học nói tiếng Việt. Chính vì vậy chúng ta thấy với người nước ngoài họ sẽ không nói được nên bỏ bớt đi một số dấu thanh. Ở một số làng tại Nghệ An, Hà Tĩnh người ta chỉ nói ba thanh nên nghe rất lạ tai, có thể chính là lý do này. Ở Quảng Nam vào đến Phú Yên thì các dấu thanh tương đối đủ, nhưng điểm đặc biệt là sự biến đổi của nguyên âm, đầu têu nhất là mọi âm/a/ đều bị biến thành/oa/ (ở Phú Yên thì/a/ thành như/e/ và Quảng Ngãi, Bình Định là những bước trung gian) nên kéo theo hàng loạt biến đổi khác như: Choa ơi choa, anh Boa ảnh câu con cóa, ảnh để trên hòn đóa con gòa hén en (Cha ơi cha, anh Ba ảnh câu con cá, ảnh để trên hòn đá con gà hắn ăn).
Loạt bài về tiếng nói lạ trên Tuổi Trẻ vừa qua không đề cập đến làng Cao Lao Hạ ở bờ nam sông Gianh, tỉnh Quảng Bình. Đây là một làng ngôn ngữ vì không một nhà ngôn ngữ nào không một lần đến đó để nhận thấy những biến âm kỳ lạ khi cư dân làng này nói tiếng Việt. Trong sách Có 500 năm như thế, chúng tôi đã làm một kết nối: Thì ra làng này chính là thành Khu Túc của nước Chiêm Thành xưa. Thành này đã hoàn toàn thuộc về Đại Việt từ năm 1069 nhưng người dân ở đó vẫn bảo lưu giọng nói của mình và tập nói tiếng Việt theo giọng người Khu bốn, tức chỉ có bốn thanh, và ở đó họ chỉ nói còn ba thanh, không có dấu hỏi, dấu ngã và dấu sắc, tất cả dấu hỏi, dấu ngã và dấu sắc đều được nói như dấu nặng. Chính vì vậy đã tạo nên một ốc đảo ngữ âm lạ.
Ở làng Mỹ Lợi cũng vậy, nhà nghiên cứu Chu Sơn nói làng Mỹ Lợi nói không hẳn ra giọng Quảng vì không nói “mô, tê, răng, rứa” mà nói “đâu, kìa, sao, vậy”, nếu vậy thì đây chính là nét để nhận ra giọng Quảng Ngãi. Ở Quảng Nam có rất nhiều làng nằm giữa một vùng Quảng Nam nhưng lại không nói “mi, tau, mô, tê, răng, rứa” mà nói “mầy, tao, đâu, kìa, sao, vậy” giống Quảng Ngãi như Phong Lệ, Thanh Quýt, Mã Châu, Phú Nham, Tây Gia, Phú Bình... Cứ như theo ngữ điệu mà xét thì ta thấy giọng nói các làng này khá gần với Quảng Ngãi. Tại sao lại có hiện tượng những ốc đảo giọng Quảng Ngãi, Bình Định ở giữa Quảng Nam hay Huế?
|
Từ thổ ngữ nhận ra lịch sử
Khi một bộ phận dân cư thay đổi ngôn ngữ thì dấu hiệu đặc trưng nhất giúp ta nhận biết đó chính là ngữ điệu và ngữ âm. Ví dụ dễ thấy là người Việt nói tiếng Anh, và bất cứ người nước nào khác cũng vậy, khi nói tiếng Anh khó nhất là ngữ điệu của người Anh. Ở VN ta thấy nếu lấy ngôn ngữ vùng đồng bằng Bắc bộ làm chuẩn, và cả giọng Khu 4 cũ (tức các tỉnh từ Nghệ An vào Thừa Thiên - Huế) cũng rất nhiều bổng trầm, thì phương ngữ Nam Hải Vân đến tận Cà Mau hầu như đã đánh mất ngữ điệu đó.
Để đồng thuận được điều này chúng ta cần thống nhất thời điểm hình thành vùng phương ngữ Nam Hải Vân này. Sách Ô Chân Cận Lục của Dương Văn An, được viết năm 1553, đã phân biệt vùng Thuận Hóa (tức các tỉnh từ Quảng Bình đến một phần tỉnh Quảng Nam nay) có hai giọng nói là giọng Châu Hoan và giọng Châu Hóa. Giọng Châu Hoan được xác định là giọng của người Khu 4 cũ (Vinh đến Huế nay), vậy giọng Châu Hóa là gì nếu không phải là giọng Quảng Nam? Nhìn lại lịch sử, vùng đất Quảng Nam có người Việt đặt chân đến định cư bắt đầu từ năm 1306 và chắc chắn giọng nói vùng này cũng hình thành từ đó do cuộc biến đổi từ một bộ phận người Chăm đã thay đổi ngôn ngữ, tức người Chăm nói tiếng Việt mà thành. (Xem thêm từ sách Có 500 năm như thế - Hồ Trung Tú).
Trong suốt 700 năm qua, có nhiều làng người Chăm ở Quảng Bình đến Quảng Nam vẫn bảo lưu giọng nói của mình và chỉ chịu chuyển sang nói tiếng Việt vào các thế kỷ sau, thậm chí có làng, nhất là các làng biển, mãi đến thế kỷ 18 họ mới hoàn toàn chuyển hẳn sang nói tiếng Việt. Nó cho ta một hình dung về chuyện người Chăm chuyển sang nói tiếng Việt sớm muộn khác nhau mà ra những vùng thổ ngữ khác nhau.
Mô hình này cho ta hình dung câu trả lời hiện tượng những làng nói giọng lạ, mà loạt bài về “Lạ kỳ tiếng Việt đó đây” đã đề cập. Nếu bỏ công truy tìm ở các làng thổ ngữ này chắc chắn ta sẽ tìm thấy nguồn gốc xa xưa của một tộc người nào đó đã từ bỏ ngôn ngữ của mình để nói tiếng Việt, và điều này mở ra những khả năng nghiên cứu bản sắc địa phương lý thú hơn rất nhiều.
Nếu chấp nhận mô hình này, chúng ta sẽ mặc nhiên có được một công cụ quan trọng để nhìn vào các bước đi của lịch sử trong trường hợp đã mất hết các sử liệu, tức giúp ta hình dung về những cuộc chuyển động, va chạm của các tộc người, sự tiếp biến của các nền văn hóa đã từng xảy ra cách nay vài trăm đến hàng ngàn năm trước.
Theo lịch sử Nam tiến, người Quảng Ngãi phải nói tiếng Việt muộn hơn người Quảng Nam và người Bình Định thì càng muộn hơn nữa, người Phú Yên rõ ràng chỉ chịu chuyển sang nói tiếng Việt sau năm 1611 (theo chúng tôi, ở đây phải cuối thế kỷ 17 này mới hoàn toàn chuyển sang tiếng Việt). Nếu giọng Quảng Nam do người Chăm nói tiếng Việt của người Hải Dương, Thanh Hóa mà thành thì có thể giọng Bình Định, Phú Yên là do người Chăm nói tiếng Việt theo giọng người Quảng Nam mà có (giai đoạn này do chiến tranh Trịnh - Nguyễn nên không có Nam tiến nữa)! |
>> Lạ kỳ tiếng Việt đó đây - Kỳ 1: Làng nói tiếng... cực lạ
>> Lạ kỳ tiếng Việt đó đây: Làng nói tiếng... cực lạ
Theo HỒ TRUNG TÚ \ Tuổi Trẻ
Bình luận (0)