Đau xót 2 mẹ con cùng bị tâm thần, khi trở bệnh còn đánh nhau

21/10/2016 13:34 GMT+7

Bà Phạm Thị Huệ (64 tuổi) và người con trai Phạm Văn Hạnh (38 tuổi) đều bị tâm thần, đang sống lay lắt trong căn nhà cấp 4 rêu mốc ở thôn 4, xã Thiệu Khánh, TP.Thanh Hóa.

Khi chúng tôi tới thăm, bà Huệ ra đứng chặn ở cổng, rồi nói: “Xin các anh cho kiểm tra giấy tờ”. Phải nhờ tới sự trợ giúp của vợ chồng bà Trần Thị Tâm (em dâu bà Huệ) chúng tôi mới vào được phía trong ngôi nhà.
“Chị ấy lúc tỉnh lúc mê nên thường xua đuổi mọi người. Nhiều người dù muốn đến thăm nhưng cũng không dám bước chân vào nhà vì sợ”, bà Tâm nói.
VIDEO: Đau xót căn nhà hai mẹ con tâm thần và căn hầm kỳ lạ
Ngồi ở bàn uống nước đặt giữa nhà, cầm chiếc radio đã hỏng và cáu bẩn, anh Hạnh lọ mọ gắn tai nghe vào tai, rồi lắc qua lắc lại như đang “thưởng thức” một chương trình nào đó. Thi thoảng người đàn ông có khuôn mặt hốc hác, người gầy đét, mái tóc và bộ râu dài thượt, lại buột miệng nói: “Mời quý vị và các bạn lên đây để nghe đài”.
Trong căn nhà ẩm thấp, tối tăm, không có vật dụng gì đáng giá của mẹ con bà Huệ và khoảnh sân nhà đất đá, gạch ngói, chiếc radio hỏng, dây điện… rải rác khắp nơi. Dưới nền nhà bếp sập sệ nằm bên trái ngôi nhà, xoong, chảo móp méo nằm lẫn lộn với đất đá.
Bà Tâm cho biết, ngôi nhà giống như một “bãi chiến trường” là do anh Hạnh hay lang thang khắp nơi nhặt nhạnh phế thải xây dựng, đồ dùng, dụng cụ hư hỏng, đưa về nhà để “nghiên cứu”. “Nhặt được cái gì về là nó lại đập nát, tháo bung ra, rồi ngó ngó nghiêng nghiêng. Nhiều khi nó lấy dây điện trong đống đồ thập cẩm nhặt được, đấu vào ổ cắm. Sợ cháu bị điện giật, tôi thuê thợ lắp duy nhất 1 bóng đèn thắp sáng cho hai mẹ con chị dâu”, bà Tâm nói.
Chỉ tay vào “căn hầm” rộng khoảng 2 m2 nằm ở góc nhà, ông Phạm Văn Hợp (61 tuổi, là em ruột của bà Huệ và là chồng của bà Tâm) lắc đầu ngao ngán cho biết, đó là nơi trú ẩn của anh Hạnh. Căn hầm trông chẳng khác gì chiếc chuồng gà, được xây kín, chỉ chừa lỗ hổng đủ để anh Hạnh chui ra chui vào.
Theo ông Hợp, từ ngày mắc bệnh, anh Hạnh đi nhặt gạch và xin xi măng của người dân, tự tay xây 3 căn hầm kỳ quặc, 1 ở phòng khách và 2 cái ở trong buồng. Khi chúng tôi tiến lại gần căn hầm, anh Hạnh ngăn lại và quát tháo: “Có chi trong đó mà xem. Tui đào hầm để tìm vàng. Trong đó không có lúa gạo gì đâu”.
Lúc trở bệnh hai mẹ con lại đánh nhau
Theo ông Hợp, khi còn là một cô gái đôi mươi, bà Huệ từng đi dân công khắp các huyện miền núi ở tỉnh Thanh Hóa. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, bà Huệ trở về nhà và mang thai anh Hạnh nhưng gia đình không biết bố của đứa bé là ai. Từ lúc sinh con, bà Huệ bắt đầu rơi vào tình trạng nửa tỉnh nửa mê. Khi tỉnh táo, bà đi nhặt phế liệu kiếm sống và dành tiền nuôi con ăn học.
Ông Hợp và người thân trong gia đình từng hy vọng, sau này lớn lên, anh Hạnh sẽ là người chăm sóc cho bà Huệ đến lúc người mẹ bất hạnh này nhắm mắt xuôi tay. Thế nhưng, năm lên 15 tuổi, Hạnh lại bắt đầu xuất hiện các triệu chứng bệnh giống mẹ. Sau đó, Hạnh cứ ngơ ngác, chửi lẩm bẩm suốt ngày và thường đi lang thang khắp nơi.
Ông Lê Tiến Vinh, Chủ tịch UBND xã Thiệu Khánh cho biết, mẹ con bà Huệ đều bị bệnh tâm thần, không làm được việc gì nên hoàn cảnh rất khó khăn. Hàng tháng 2 mẹ con được hưởng trợ cấp của nhà nước gần 1 triệu đồng.
Theo ông Hợp, do gia đình ông và họ hàng đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên chẳng giúp được nhiều cho mẹ con bà Huệ. Năm nay tuổi đã cao, bệnh tình ngày càng nặng, bà Huệ chẳng thể làm được việc gì. “Những lúc trở bệnh, bà Huệ và thằng Hạnh lại lao vào đánh nhau một trận. Thương tình, thỉnh thoảng bà con xóm giềng cho bó rau, cân thịt… nhờ vợ chồng tôi mang qua cho hai mẹ con”, ông Hợp nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.