Miếu thờ tứ vị vương
Giới thiệu cho chúng tôi xem hình ảnh ngôi miếu bằng tre lá ngày xưa, ông từ giữ Miếu Hội ở P.Long Châu, TX.Tân Châu (An Giang) nói: "Nghe ông bà kể lại, từ ngôi miếu ban đầu, ông kế hiền đã đứng ra cất lại ngôi miếu nền đúc, mái ngói, rồi có người hiến đất mở rộng thêm, xung quanh toàn cây cổ thụ. Khoảng năm 1968, ngôi miếu bị trúng bom cháy rụi. Sau đó người dân chung sức dựng lại. Ngôi miếu hiện tại được cất trên nền miếu cũ và đã qua nhiều lần sửa chữa".
Nằm cạnh tỉnh lộ 952, từ ngoài nhìn vào, ngôi miếu có 3 nóc. Ở phần chánh tẩm xây cổ lầu và 2 lớp mái thượng lầu hạ hiên, lợp ngói mới. Giữa các cấp mái trang trí nhiều bức tranh phong cảnh với nét vẽ giản dị. Nội thất miếu là kiểu nhà vuông, cột tròn xếp liền kề với nhau. Đối diện chánh tẩm cất thêm phần võ ca khá rộng với sân khấu hát bội được đắp bằng xi măng.
Giữa chánh tẩm là điện thờ Đại càn quốc gia Nam hải, Tứ vị vương, Bát vị hầu - Trăm quan cựu thần. Hai bên có câu đối: "Gia nghiệp Minh quân Thiệu lập Tự thừa hô vạn hải/Long cơ Mạng chúa Trị dân Đức trạch quán thiên thu".
Trong khánh thờ đặt khung ảnh các vị vương theo lối tân thời và bố trí theo thứ tự: Cao nhất là tứ vị vương, tầng tiếp theo là bát vị hầu, bàn trăm quan đặt tầng sau cùng. Trước cửa ra vào gian thờ có dựng tấm bảng ghi tên họ, năm sinh năm mất, năm trị vì của tứ vị vương gồm vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và bát vị hầu là Đỗ Thanh Nhân, Châu Văn Tiếp, Nguyễn Huỳnh Đức, Võ Tánh, Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Văn Thoại.
Bên phải bàn thờ chánh có khánh thờ Thành hoàng bổn cảnh ghi chữ Thần. Khánh thờ Quan thánh đặt bên trái với cốt tượng Quan Công cỡi xích thố. Hai bên vách là các bàn thờ tả - hữu ban liệt vị, Trần Đốc tướng Giang Văn Trung (chưa rõ tiểu sử), Đông trù tư mạng, Thổ địa long thần, Bạch mã thái giám, Tiên sư Tổ sư, Tiền hiền Hậu hiền... Ngoài ra, phía sau còn có thêm bàn thờ Phật Thích ca, Cửu Huyền thất tổ.
Đình làng hay miếu hội ?
Theo ghi chép của tác giả Nguyễn Văn Kiềm trong quyển Tân Châu 1870 -1964, Miếu Hội ra đời dựa trên sự truyền khẩu. Rằng thuở xưa, các vị công thần nước ta dẫn binh đi đánh giặc ngoại xâm, trước mũi chiến thuyền trấn cái miếu nhỏ như cái khánh, thờ tứ vị vương, bát vị hầu, nhằm phô trương thanh thế, tăng uy vũ của triều đình. Nhờ vậy mà quân ta khi xáp chiến với giặc lúc nào cũng thắng trận.
Tác giả cho rằng, do ảnh hưởng từ cái khánh thờ đó nên về sau ông Nguyễn Văn Tài (đội trưởng đội quân thứ chín trấn nhậm ở Vịnh Đồn thời vua Tự Đức, người địa phương gọi là ông Đội Chín Tài) cùng các vị kỳ lão trong làng dựng lên cái miếu bằng tranh, gọi là miếu hội, với mục đích ghi dấu di tích của tiền nhân và làm nơi tụ hội hằng năm tổ chức lễ sùng bái các đấng quân vương và các vị công thần.
Còn theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường, Miếu Hội nguyên thủy có thể là ngôi đình của thôn nào đó ở khu vực này, hoặc là miếu Đại Càn, vị thần ủng hộ người đi biển được lưu dân khai hoang mở cõi đem từ miền Trung vào thờ. Việc xác định tên làng rất khó vì sắc phong không còn. Nếu miếu có sắc phong, thì cũng được phong tặng trong giai đoạn muộn, tức vào năm Tự Đức thứ 5 (1852), thời điểm vua Tự Đức phong thần và Bổn cảnh thành hoàng cho các làng ở Nam bộ đợt cuối.
Theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường, đối tượng thờ cúng ở Miếu Hội xuất phát từ hai câu đối khoán thủ treo tại 2 cây cột cái, chiết tự niên hiệu các đời vua từ Gia Long đến Tự Đức. Câu đối này ở vài ngôi đình vùng Mỹ Tho cũng có. Còn bát vị hầu thì ngay cả ông Nguyễn Văn Kiềm cũng chưa biết là ai, người địa phương thờ cúng theo quan niệm "có vương có tướng".
"Thành hoàng là vị thần bảo vệ xóm làng theo điển lệ triều Nguyễn và theo truyền thống phải được thờ ở bàn chánh trung - hiểu là vị chủ nhà. Việc đưa thần Thành hoàng sang một bên là không hợp lý vì không thể "phân công" 4 ông vua và 8 vị hầu tướng nổi danh làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho làng được. Nếu cho rằng chính quyền thực dân Pháp buộc phải thay đổi đối tượng thờ từ Tứ vị vương - Bát vị hầu thành Đại càn Quốc gia Nam hải chỉ là truyền tụng trong dân gian. Bởi lẽ, chính quyền thời đó cũng không biết thần Đại càn là ai và cũng không có chủ trương cấm thờ cúng các vị vua chúa hay quần thần nhà Nguyễn", ông Trương Ngọc Tường phân tích.
Hiện nay, Miếu Hội duy trì 2 lệ cúng hằng năm: lễ Kỳ yên từ ngày 15 - 17 tháng 6 âm lịch và lệ cúng thượng điền ngày rằm tháng giêng. Kỳ yên là lễ hội lớn, rất đông người tham dự. Khi được hỏi về khẩu thần công, di vật của ngôi miếu xưa, ông từ giữ miếu cho biết khẩu thần công đã được bảo tàng tỉnh đem đi từ mấy năm trước. (còn tiếp)
Bình luận (0)