Tọa lạc ở ấp Long Hậu, xã Long Khánh A, H.Hồng Ngự (Đồng Tháp), đình Long Khánh được vua Tự Đức ban sắc phong Bổn cảnh Thành hoàng ngày 29.11.1852. Tuy nhiên, do nằm trên đất cù lao, thế đất không ổn định, ngôi đình phải nhiều lần di dời. Hoành phi, câu đối, các đồ tự khí xưa dần dần hư hỏng, thất lạc.
4 lần di dời
Theo Địa bạ Minh Mạng 1836 (nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu dịch và chú giải), thôn Long Khánh xưa ở 2 xứ Chà Và châu và Tản Dù châu, thuộc tổng An Thành, H.Đông Xuyên. Chà Và châu là cù lao Chà Và, có tài liệu ghi là cù lao Đồ Bà, còn Tản Dù châu là cù lao Tản Dù. Thời đó, đất cù lao hầu hết là "vu đậu thổ", tức đất trồng khoai đậu. Trong sách Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca in năm 1909, Nguyễn Liên Phong viết: "Lao Tán Dù đẹp lắm thay/Tiếng lụa Bà Tứ lâu nay danh đồn/Thiệt thà dân ở hương thôn/Nghề trồng dưa đậu đầy cồn lịch thanh".
Tán Dù hay Tản Dù hiện tại dường như chỉ còn sót lại địa danh Đầu Lao thuộc ấp Long Phước, xã Long Khánh A. Riêng cái tên cù lao Chà Và thì ông Hồ Thanh Sơn (ngụ ấp Long Hữu, xã Long Khánh A), là hậu duệ của vị tiền hiền khai phá vùng đất này, cho biết nội tổ ông kể lại hồi đó ở cù lao có một nhóm người Chà Và định cư, thời gian sau họ chuyển đi nơi khác. Chưa rõ người Chà Và là dân Nam Đảo hay người Chăm ở Trung bộ di cư vào. Cũng theo ông Sơn, khi lập làng xong thì cất đình, nhưng lúc đầu bằng tre lá tạm bợ.
Theo ông Bảy Khủng, thành viên Ban Quản lý đình Long Khánh, ngôi đình xưa cất vào khoảng năm 1800 ở ấp Long Thái. Do khu vực này bị sạt lở nên phải dời về Giồng Sao, nay thuộc ấp Long Thạnh A. Vì đình nằm giữa đồng trống, việc đi lại khó khăn, đất giồng vào mùa khô thiếu nước nên ông Hương cả Nguyễn Như Lăng bàn với dân làng dời đình về ấp Long Phước, khu vực Đầu Lao. Năm 1908, ông cùng dân làng khởi công xây dựng lại ngôi đình quy mô hơn, đến năm 1911 hoàn thành. Ngôi đình mới có cả thảy 114 cây cột bằng gỗ căm xe, cà chất, xây vách bằng gạch và vôi vữa.
Cuối năm 2009, người dân ấp Long Phước phát hiện mặt đất khu vực Đầu Lao xuất hiện nhiều vết nứt. Chính quyền địa phương đã huy động thanh niên di dời nhà cửa cho hàng chục hộ dân đến nơi an toàn. Lúc này, đình Long Khánh được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Nhưng vừa được công nhận thì bất ngờ đất lở sát vào hông đình. Dãy tường rào cùng 2 cây cổ thụ hơn trăm năm đổ ập xuống sông. Vậy là ngôi đình buộc phải khẩn cấp tháo dỡ, di dời lần nữa. Vì đường đi lúc đó còn khó khăn, lại cách xa hơn 4 km nên bà con phải dùng máy cày kéo cột, kèo về địa điểm mới hiện nay.
Việc thờ cúng được rút gọn
Ngôi đình mới được lắp dựng lại trên khu đất hơn 1,2 ha, diện tích lớn nhất so với các ngôi đình trong vùng. Quy mô và kích thước vẫn giữ như ngôi đình cũ, với chiều ngang 14 m, dài hơn 50 m và mở thêm lối đi hành lang xung quanh. Một ít cột kèo phải thay bằng xi măng do gỗ cũ bị mục. Các tác phẩm gốm mỹ thuật trang trí trên nóc khi dịch chuyển bị hư bể phải mua cái khác giống y vậy thay thế. Ngói âm dương cũng đặt mua theo mẫu cũ bổ sung vào.
Mái đình được thiết kế theo lối kiến trúc trùng thềm điệp ốc. Trên nóc đắp nổi phù điêu lưỡng long tranh châu, phía dưới là tấm bình phong đắp bức tranh đàn hươu gặm cỏ có gắn tấm hoành Long Khánh cổ miếu. Các góc mái đều chạm trổ đầu rồng. Nội thất có 4 gian chính, mỗi gian đấu nối với khu vực võ qui. Nền lót gạch tàu. Sau khi trùng tu, đình còn làm lại sân khấu võ ca và thêm nhà khách khá rộng.
Do nhiều lần di dời nên ngoại trừ bộ giàn trò của ngôi đình cũ ra, nội thất đình phải trang trí lắp đặt đồ tự khí mới. Khu vực cửa chính đều viết câu đối bằng chữ quốc ngữ, trên bậc thềm có tấm bảng ghi tóm lược nội dung sắc thần cho mọi người biết.
Trước bàn thờ thần có dàn lỗ bộ xưa. Một số cột trước chánh tẩm được sơn vẽ hình rồng cùng các cặp liễn đối phục chế lại nên đều được chú bằng chữ quốc ngữ bên cạnh chữ Hán. Đại loại như: "Môn tiền trực khách hành hương lễ/Điện nội tôn nghiêm phụng sự thần/Giang sơn cẩm tú phong hòa thuận/Tổ quốc thanh bình phước lộc lai".
Khánh thờ thần chạm rồng và hoa văn. Dưới khánh là cặp qui - hạc đứng chầu. Việc thờ cúng cũng rút gọn khá nhiều so với trước. Hai bên thờ tả ban - hữu ban và các bàn tiền hiền - hậu hiền. Các vị thần theo tín ngưỡng dân gian thì xây trú sở riêng, như: miếu thờ Bạch Mã thái giám, Chúa Xứ nương nương, Thần hổ…
Ông Bảy Khủng cho biết đình có rất nhiều lư đỉnh, nhưng đến lệ cúng kiếng mới bày ra. Bình thường phải đem cất, sợ bị trộm cắp. Cổng đình trước đây chỉ cắm 2 cây cột gắn tấm bảng hiệu. Sau khi di dời, trùng tu, chính quyền đứng ra xây dựng theo bản vẽ của Bộ VH-TT-DL từ Hà Nội đem vô. Đình xưa chỉ có một cổng, không làm kiểu tam quan.
Mỗi năm, đình có 2 lệ cúng là lễ thượng điền và hạ điền. Cứ 3 năm một lần chọn lệ Hạ điền làm lễ Kỳ yên, tổ chức quy mô hơn, kéo dài 3 ngày, có rước đoàn hát bội về phục vụ bà con. Ngoài ra, vào dịp Tết Nguyên đán, theo lệ xưa, ban tế tự còn thỉnh sắc về đình cúng vào mùng 1 tết đến ngày hạ nêu mới hồi sắc trở lại. Sắc thần hiện đang được để ở phủ thờ họ Hồ bên ấp Long Hựu, do ông Hồ Thanh Sơn phụng sắc.
Khi thỉnh sắc tổ chức một đoàn xe kết cờ, hoa, trống phách, múa lân… chở long đình đến làm lễ thỉnh. Bà con đến dự lễ rất đông, nhất là đêm mùng 9 tháng 5 âm lịch, sân đình gần như không còn chỗ trống. (còn tiếp)
Bình luận (0)