Dấu xưa mùa nước nổi - Kỳ 3: Truyền thuyết lúa ma, lúa nổi

13/10/2013 03:20 GMT+7

Trong con nước trắng trời, có những loại lúa vẫn ngạo nghễ vượt nước lụt vươn lên tạo nên kỳ tích hạt lúa miền Tây.

>> Dấu xưa mùa nước nổi - Kỳ 2: Kênh Ông Kiệt
>> Dấu xưa mùa nước nổi: Sợ con rồng dữ

 Lúa ma, lúa nổi có thân dài vượt nước lụt - d
Lúa ma, lúa nổi có thân dài vượt nước lụt - Ảnh: T.D

Những giai thoại kỳ thú

Ông Nguyễn Văn Lê (68 tuổi, ngụ thị trấn Ba Chúc, H.Tri Tôn, An Giang) nhớ lại những năm ngập lụt, người dân vùng Bảy Núi rất khổ. Họ lên núi đào khoai rừng ăn đỡ đói, số khác chống xuồng tìm lúa ma ăn. Ông Lê nói: “Nước lụt chỉ có lúa ma, lúa nổi mới chống chọi mọc trong lũ. Nhờ chúng nên lũ rút có gạo ăn, nếu không rất khổ sở”.

Nhắc tới lúa nổi, nhiều cựu lão kể, chúng còn gọi là lúa chạy nước hoặc lúa vượt nước hay lúa sạ vì chỉ sạ thẳng hạt không cấy như lúa thường. Lúa ma là lúa mọc hoang trong lũ, còn lúa nổi do người trồng. Chúng giống nhau ở điểm lũ lên cao thì các lóng lúa mọc dài vượt nước, dinh dưỡng lúa ma không bằng lúa nổi. Lúa nổi là lúa sạch bổ dưỡng nên ngày xưa khi nấu cơm, người dân lấy nước cơm rồi bỏ vào đó chút đường quậy uống.

Thạc sĩ Lê Minh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh An Giang, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang nói cây lúa nổi có nhiều truyền thuyết kỳ thú. Trong dân gian truyền rằng lúa nổi kết bó từ thượng nguồn trôi theo lũ về Tân Thạnh, Hồng Ngự rụng xuống, năm sau tự mọc lên và chín. Nhà nông thu hoạch làm lúa giống và gieo sạ phát triển thành các giống lúa nổi. Điền chủ đầu tiên trồng nhiều lúa nổi là đốc phủ Ngãi ở Đốc Vàng và đốc công Đinh ở Vĩnh Chánh, Thoại Sơn.

Tờ Gia Định báo ra ngày 15.11.1901 đăng Chủ tỉnh Châu Đốc loan tin lúa nổi do ông Phan Văn Vàng trồng thử nghiệm thành công ở Hà Bao, Phước Hưng, Châu Phú, lúa có thể lên cao đến bốn năm thước. Chủ tỉnh kêu gọi dân chúng nên trồng thử lúa này. Còn theo Địa chí An Giang dẫn nguồn cuốn sách Monographie de la province de Long Xuyen thì lúa nổi do linh mục Conte ở xứ đạo Năng Gù đem từ Kongpocham đến Châu Đốc vào năm 1891. Nhưng theo báo cáo chính thức của chính quyền thực dân Pháp thì giống lúa nổi du nhập từ Thái vào Châu Đốc!

Tuy có nhiều truyền thuyết nhưng báo chí xưa và Chủ tỉnh Châu Đốc lại hay nhắc đến tên ông Vàng, chọn tên ông đặt tên đường ở Châu Đốc. Biên niên sử An Giang cũng ghi rõ năm 1891 giống lúa sạ mà người Pháp gọi là lúa nổi (rir flottant) được Phan Văn Vàng đem về từ Campuchia sau đó gieo giống thành công.

Lúc đầu có 2 loại giống lúa nổi được trồng nhiều ở An Giang gồm Tàu Binh và Nàng Tây, sau có thêm nhiều giống khác. Thân lúa dài từ 2-5 m nên vượt nước tuy nhiên năm nào lũ lên quá nhanh, một ngày đêm lên cao hơn 10 cm nước thì lúa vươn lóng không kịp, có thể chết. Ông Tùng nói trồng lúa nổi không tốn phân bón, bỏ mặc cho trời nên nhà nông rất khỏe, nhưng bù lại năng suất thấp từ 1-1,2 tấn/ha.

Lúa nổi là nguồn lương thực khá quan trọng trong một thời gian dài, nhờ lúa nổi mà sau lũ rút người dân Châu Đốc, Long Xuyên không phải cực nhọc tìm mua lúa thóc. Diện tích lúa nổi ở An Giang từ 50.111 ha tăng lên gấp đôi, đến khi Hiệp định Genève được ký kết, diện tích lúa ở An Giang là 272.250 ha. Từ năm 1954 - 1975, lúa nổi được trồng trải rộng từ Châu Đốc xuống Thốt Nốt qua Đồng Tháp. Và An Giang có diện tích lúa nổi lớn nhất ở Nam bộ với hơn 270.000 ha cho sản lượng 400.000 - 500.000 tấn/năm.

Bảo tồn lúa nổi ?

Mấy năm trước ngay mùa này vào vùng Bảy Núi có thể bắt gặp đồng ruộng xanh mướt lúa nổi rập rờn trong con nước. Nhưng bây giờ hỏi lúa nổi nhiều người nói thẳng: lúa đó ít người trồng lắm, còn lúa ma kiếm một hạt cũng không có. Ông Hai Nghi (64 tuổi, ở thị trấn Ba Chúc) nói lúa nổi ở vùng này thành lúa xưa rồi. Theo ông Nghi, lúa nổi chỉ mọc khi có nước nổi, còn bây giờ vùng đất núi ít ngập lụt nên lúa nổi khó sống.

Ông Lê Minh Tùng nhớ lại năm 1967, An Giang đón nhận giống lúa cao sản ngắn ngày Thần Nông 8 và Thần Nông 5 của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế IRRI, mở đầu chương trình phát triển lúa gạo ở tỉnh. Giống lúa mới này sinh trưởng nhanh, cho năng suất cao, trồng được 2 vụ so với các giống lúa nổi chỉ trồng một vụ. Năm 1970, diện tích canh tác lúa Thần Nông tăng từ 31.000 ha lên 47.000 ha rồi mở rộng dần lấn ép lúa nổi. Lúc lúa vụ 3 được triển khai cùng với xây các đê bao chống lũ thì lúa nổi bị lãng quên với diện tích chỉ vài trăm héc ta trồng ở Tri Tôn.

Nhưng lúa nổi với phẩm chất chống chọi được nước lũ, kháng các loại sâu bệnh, không cần phân bón, gạo sạch và bổ dưỡng mà lúa cao sản hiện nay không sánh kịp... vẫn là mối quan tâm của các nhà khoa học. Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (Trường ĐH Cần Thơ) đã bảo tồn được nhiều giống lúa nổi, lúa ma làm nguồn gien quý và nghiên cứu lai tạo giống lúa mới chống chọi với lũ, với sâu bệnh cho năng suất cao.

Tháng 4 năm nay, UBND tỉnh An Giang đã tổ chức hội thảo khoa học về đề tài xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát triển lúa mùa nổi tìm giải pháp hữu hiệu bảo tồn lúa mùa nổi và tìm hướng ra cho sản phẩm lúa sạch này. Theo ông Nguyễn Văn Kiền, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông thôn (Trường ĐH An Giang), trước đây ở An Giang có nhiều giống lúa nổi như Nàng Pha, Nàng Tây, Tây Đùm, Tàu Binh… nhưng bây giờ người dân chỉ trồng giống lúa nổi Bông Sen thôi. Hiện trung tâm đã ký với UBND xã Vĩnh Phước, H.Tri Tôn một chuỗi các dự án phục vụ nghiên cứu và phát triển vùng lúa mùa nổi từ 2013 - 2016, hướng đến sản xuất sạch, sinh thái, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa để nâng cao giá trị hạt gạo lúa mùa nổi, nghiên cứu về chuỗi giá trị hạt gạo, lúa mùa nổi, các nghiên cứu về phát triển mô hình du lịch nông nghiệp - văn hóa sống chung với lũ... 

Thanh Dũng

>> Chợ 'độc' mùa nước nổi
>> Đặc sản mùa nước nổi
>> Mưu sinh mùa nước nổi
>> Viện lúa ĐBSC cung cấp 60 - 70% giống lúa cả khu vực
>> Đột phá về giống lúa chống hạn
>> Sản xuất thành công giống lúa “siêu chịu mặn”
>> Giống lúa do nông dân nghiên cứu đoạt giải thưởng
>> Công nhận giống lúa do nông dân nghiên cứu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.