Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, hầu hết các trường, đặc biệt là những trường chuyên trọng điểm đều bày tỏ sự đồng tình với chủ trương này và cho rằng đó là những môn học rất cần thiết để giáo dục VN có thể hòa nhập với quốc tế.
Ông Đỗ Bá Khôi - Phó hiệu trưởng trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, tỏ ra khá lạc quan khi năm tới sẽ bắt đầu thực hiện. Ông cho biết: “Hiện nay, học sinh (HS) từ lớp 7, 8 đã có thể nghe giảng bằng tiếng Anh. Lâu nay HS chúng tôi không cần có phiên dịch khi tham gia các hoạt động ngoại khóa với chuyên gia nước ngoài.
Có 7 trong số gần 40 giáo viên tổ Toán có thể dạy được bằng tiếng Anh. Hầu hết họ là những giáo viên trẻ, khi ra trường đã giỏi tiếng Anh rồi”. Hơn nữa, theo ông Khôi, vài năm gần đây, trường có khoảng 10% HS lớp 12 được học bổng du học. Với những HS này thì được học tất cả các môn bằng tiếng Anh là nhu cầu rất thiết thực.
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) là trường đầu tiên của cả nước chủ động tổ chức giảng dạy các môn Toán, Lý, Hóa bằng tiếng Anh. Đến nay, trường đã thực hiện đến năm học thứ tư. Theo lãnh đạo của trường thì đây là một nhu cầu lớn của cha mẹ HS của trường, nhưng vì mới bắt đầu thực hiện trong giai đoạn rút kinh nghiệm nên chưa đáp ứng hết nhu cầu của HS.
Khó về giáo viên
Không nên buộc các trường có nhu cầu và điều kiện phải dừng lại để chờ những nơi khó khăn, nhưng nên xem xét điều kiện cụ thể của từng trường thì việc thực hiện mới đạt hiệu quả, không nên “ép” tiến độ và chạy theo số lượng Ông Đỗ Bá Khôi (Phó hiệu trưởng trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) |
Lý do quan trọng nhất khiến một số trường dè dặt với chủ trương này là thiếu đội ngũ giáo viên vừa giỏi chuyên môn vừa thông thạo ngoại ngữ.
Ông Thái Văn Bình-Hiệu trưởng trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Đông, Hà Nội), cho rằng: "Khó khăn nhất nằm ở đội ngũ giáo viên. Hiện số giáo viên giàu kinh nghiệm trong trường thì đã luống tuổi, nên khả năng tiếng Anh còn nhiều hạn chế, nhất là ở khâu truyền đạt. Ở độ tuổi từ 40-50, nếu có bồi dưỡng tiếng Anh thì coi như ôn lại từ đầu”.
Ông Đậu Văn Mùi - Hiệu trưởng trường THPT Phan Bội Châu (Nghệ An) thì thông tin: “Trình độ tiếng Anh của HS có thể đáp ứng được nhưng giáo viên thì mỗi môn hiện nay cũng chỉ có khoảng 1-2 người có thể dạy được bằng tiếng Anh. Năm học tới, nếu triển khai thì nhà trường chỉ sẽ thực hiện đối với khoảng 10% HS”.
Đây cũng là khó khăn ở ngay cả những trường được xem là đủ điều kiện. Để cải thiện tình trạng này, mỗi trường có cách làm khác nhau. Lãnh đạo trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) cho hay: “Đối với các giáo viên trẻ mới về trường, chúng tôi đặt ra yêu cầu sau 5 năm giảng dạy, các em phải học xong thạc sĩ, sử dụng được một ngoại ngữ trong giao tiếp. Tuy nhiên, phong trào tự học chưa đồng đều ở các tổ bộ môn, các giáo viên lớn tuổi chưa tham gia đông đảo”. Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cũng tổ chức cho giáo viên sang nước ngoài đào tạo hằng năm để có thể nâng cao trình độ ngoại ngữ. Còn trường THPT Phan Bội Châu (Nghệ An) thì đã bắt đầu thực hiện chủ trương tất cả giáo viên phải đi học văn bằng 2 tiếng Anh.
Trình độ học sinh chưa đều
Triển khai đến năm 2015 Theo đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên và đề án dạy ngoại ngữ các trường trung học của Bộ GD-ĐT, trường THPT chuyên sẽ dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh. Trước tiên, năm học 2011-2012 dạy bằng tiếng Anh môn Tin và Toán, sau năm 2015 là các môn Lý, Hóa, Sinh. |
Thực tế ở các trường cho thấy trình độ tiếng Anh của HS ở các trường chuyên rất khác nhau. Vì thế, để có thể tiếp thu được bài giảng đòi hỏi phải có lộ trình trang bị “vốn liếng” tiếng Anh chứ không thể ngay một lúc tiến hành đồng loạt.
Một giáo viên dạy chuyên Toán trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi tự bồi dưỡng cho HS chuyên Toán vì thấy các em có khả năng chứ trường chưa có chủ trương thực hiện việc này. Qua những tiết ngoại khóa, chúng tôi thấy khả năng của các em có thể đáp ứng được và các em tỏ ra rất hào hứng. Khi các em thích thì tôi tin rằng các em sẽ thực hiện được”.
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) ngay từ năm 2002 đã chủ động đề nghị ngoại ngữ như là môn bắt buộc trong kỳ thi tuyển sinh của trường. Những năm qua, HS trúng tuyển vào trường này thường có điểm ngoại ngữ đạt 8/10. Thế nhưng, ở Hà Nội thì việc bắt buộc thi thêm môn tiếng Anh trong kỳ thi tuyển sinh vào trường chuyên mới bắt đầu thực hiện từ năm học này. Thế nên, HS mới chỉ giỏi môn chuyên chứ chưa nhiều em giỏi tiếng Anh. Vì thế, có trường chuyên phải hạ điểm môn tiếng Anh xuống còn 2,5/10 mới tuyển đủ chỉ tiêu.
Chính vì vậy, ông Đỗ Bá Khôi đề nghị: “Không nên buộc các trường có nhu cầu và điều kiện phải dừng lại để chờ những nơi khó khăn, nhưng nên xem xét điều kiện cụ thể của từng trường thì việc thực hiện mới đạt hiệu quả, không nên “ép” tiến độ và chạy theo số lượng”.
Chưa có chuẩn
Ông Đậu Văn Mùi tâm tư: “Tôi thấy thí điểm việc dạy tiếng Anh là môn học bắt buộc ở lớp 3 Bộ GD-ĐT có lộ trình rất rõ ràng, trực tiếp mời chuyên gia nước ngoài để tập huấn cho giáo viên các tỉnh… Trong khi với chủ trương này (dạy môn tự nhiên bằng tiếng Anh tại các trường THPT chuyên - PV) thì lại chưa có cái chuẩn về chương trình và giáo viên được đưa ra cả. Mỗi trường đều tự làm theo cách của mình”.
Đây cũng là băn khoăn của hầu hết các trường. Ông Đỗ Bá Khôi nói: “Cách thức triển khai, kế hoạch cụ thể thế nào đến nay cũng chưa rõ để chuẩn bị làm cho tốt, bởi mới chỉ được biết theo thông báo của bộ. Theo tôi, cần phải có giáo trình chuẩn và triển khai sớm, tránh thụ động dẫn đến kém hiệu quả”. Ông Khôi cũng cho rằng về nguyên tắc phải tiến tới việc sử dụng giáo trình đã được công nhận theo chuẩn quốc tế, nhưng phải phân loại cho phù hợp với từng đối tượng HS.
Ông Thái Văn Bình đề xuất: “Muốn làm tốt, phải có lộ trình rõ ràng. Điều quan trọng là phải nâng cao trình độ tiếng Anh của HS, đào tạo giáo viên tại các trường sư phạm dạy các môn bằng tiếng Anh. Số tiết đưa vào dạy cũng phải phù hợp”.
Tuệ Nguyễn
Bình luận (0)