Dạy con, cháu nếu không khéo có thể khiến mối quan hệ của nàng dâu
và bố mẹ chồng, chàng rể với bố mẹ vợ trở nên ức chế, rạn nứt thậm chí
dẫn đến đổ vỡ.
Dạy con, cháu nếu không khéo có thể khiến mối quan hệ của nàng dâu và bố mẹ chồng, chàng rể với bố mẹ vợ trở nên ức chế, rạn nứt thậm chí dẫn đến đổ vỡ.
Ảnh: shutterstock
|
Yêu thương dẫn đến mâu thuẫn
Mất đến 5 năm trời chạy chữa các kiểu, chị T.Trang (33 tuổi, nhân viên một ngân hàng ở Đà Nẵng) mới sinh được một bé trai. Chị yêu thương con rất mực và tâm niệm phải mang lại cho con một nền tảng giáo dục “chuẩn” nhất để trưởng thành và hoàn thiện nhân cách. Nhưng dường như mọi chuyện đều đi ngược lại những nỗ lực của chị. Thậm chí chị gặp khó khăn ngay từ chuyện ru con ngủ.
Chị chủ trương cho bé nằm một bên của mình và ra sức “luyện” cho con tự ngủ bằng cách nói “không” với việc bồng ẵm, rung lắc, ầu ơ... các kiểu. Nhưng mẹ chồng thì tỏ rõ sự không hài lòng: “Mới bé tí tuổi đầu thì biết gì...” rồi bà giằng lấy đứa bé và đung đưa hát ru, cưng nựng cho đến khi cháu ngủ. Chị biết do bà thương cháu quá nên đành nhẫn nhịn.
Đến khi con lên 3, anh chị quyết định tắt đèn sớm để lại tập cho con tự ngủ. Khi cả hai nín thở giả vờ ngủ nhưng theo dõi nhất cử nhất động của con, chờ cho nó nghịch đến mệt và lăn ra ngủ thì mẹ chồng chị đứng trước cửa phòng chép miệng: làm cha mẹ mà không chăm cho giấc ngủ của con, lại ngủ trước con thế kia! Cháu thấy bà thì ra sức khóc quấy, cầu cứu. Tình thế này, anh chị đành bấm bụng nằm yên để bà mang cháu đi.
Trường hợp chị T.Huyền (29 tuổi, Đà Nẵng) còn căng hơn. Suốt từ khi sinh đến khi con trai được 3 tuổi, chị luôn trong tình trạng “đối đầu căng thẳng” với bố mẹ chồng, chỉ vì cả hai bên đều muốn tốt cho một đứa trẻ, trong khi phương pháp lại khác nhau. Vì không đủ sức “vật vạ” theo đứa nhỏ suốt ngày nên ông bà thường mở các kênh phim hoạt hình cho cháu xem để nó ngồi yên. Hết giờ làm về nhà, chị Huyền thấy con trai ngồi đờ đẫn trước màn hình ti vi, phản xạ thì chậm chạp, mụ mị nên chị phát hoảng, với tay tắt phụp màn hình. Đứa nhỏ vừa khóc thét lên thì ngay lập tức ông bà nội có mặt và “bảo kê” cho cháu. Với nỗi ấm ức, nhẫn nhịn bấy lâu, chị Huyền giữ tay con lại “xin được dạy con”, ông bà nội thì kéo cháu đi kèm theo đó là bao nhiêu lời chỉ trích chị trước mặt đứa bé. Cứ giằng co như vậy đến khi đứa nhỏ khóc thét lên chị mới giật mình buông tay con ra trong nỗi bất lực.
Tìm tiếng nói chung
Điều này là vô cùng khó khi bên nào cũng có cái lý của mình. Trong những trường hợp có dấu hiệu bất đồng, dẫn đến nguy cơ rạn nứt, sứt mẻ tình cảm thì vai trò của người chồng, hoặc vợ, là cầu nối giữa hai bên sẽ có chút trọng lượng. “Biết bà thương cháu nội vô điều kiện nên tôi đành tự an ủi, rằng bà thương con mình chứ thương ai. Những lúc rối nhất, chồng tôi thường bị đẩy ra đứng mũi chịu sào, đóng vai trò thương thuyết. Nói chung mọi chuyện rồi cũng sẽ đâu vào đấy nếu đôi bên bình tĩnh, cùng tìm sự đồng thuận”, chị Trang chia sẻ kinh nghiệm.
Không riêng gì chị Trang, chính cái lý về tình yêu thương, luôn mong mỏi những điều tốt nhất cho đứa trẻ sẽ dần khiến những người trong cuộc bớt “cái tôi” của mình lại để cùng tìm tiếng nói chung. Theo một chuyên gia tâm lý giáo dục thì: “Trường hợp này, bố mẹ trẻ không nên cố chấp, cho rằng kiểu nuôi dạy của ông bà không còn phù hợp với lối sống hiện đại. Ngược lại, ông bà cũng nên nhìn nhận đúng vấn đề, rằng chăm trẻ bây giờ rất khó, từ môi trường sống độc hại cho đến nguy cơ dịch bệnh, không thể để tự lớn như ngày xưa. Cùng trao đổi để tìm tiếng nói chung trong việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ không chỉ giải tỏa “ấm ức” cho đôi bên, mà khiến trẻ nhỏ cũng cảm nhận được không khí thuận thảo trong gia đình”.
Thạc sĩ Thiều Thị Hường, giảng viên Khoa Tâm lý - Giáo dục (Trường đại học Sư phạm - ĐH Huế) cũng công nhận, việc không tìm được tiếng nói chung trong việc nuôi dạy con cháu là một trong những nguyên nhân khiến không khí gia đình trở nên căng thẳng. Và để hạn chế điều này thì vợ chồng trẻ nên khéo léo bàn bạc, hỏi ý kiến ông bà để cùng đưa ra phương pháp nuôi dạy trẻ phù hợp nhất, tùy theo tính cách của trẻ. “Tuyệt đối không để trẻ nhỏ chứng kiến thái độ bất đồng trong cách nuôi dạy của cha mẹ, ông bà. Người mẹ, người bà nên là người gần gũi, làm người bạn tin cậy của con, cháu mình, có như vậy thì trẻ mới mới dễ dàng hợp tác”, Th.S Hường bày tỏ quan điểm.
Bình luận (0)