Dây đeo thắt lưng hỗ trợ người khiếm thị

09/06/2023 08:00 GMT+7

Với chức năng cảnh báo vật cản, hố sâu… và tự động nhắn tin cho người thân, thiết bị dây đeo thắt lưng dành cho người khiếm thị đoạt giải nhì Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia năm 2022 - 2023.

Chủ nhân sáng chế dây đeo thắt lưng dành cho người khiếm thị là em Quách Hải Thọ, học lớp 12A1 Trường THPT Nguyễn Sinh Sắc (TX.Tân Châu, An Giang).

Dây đeo thắt lưng hỗ trợ người khiếm thị  - Ảnh 1.

Quách Hải Thọ cùng sản phẩm dây đeo thắt lưng hỗ trợ người khiếm thị

Chứng kiến nhiều người khiếm thị dò đường đi bán vé số bằng gậy thô sơ, gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm nên Thọ mong muốn chế tạo một thiết bị có cấu tạo đơn giản, dễ sử dụng để hỗ trợ. Tuy nhiên, quá trình biến ý tưởng thành hiện thực gặp không ít khó khăn. Từ việc viết code, cài đặt thư viện cần thiết và ứng dụng Arduino, vẽ sơ đồ kết nối thực tế, đến lắp ráp, hàn chì các linh kiện thiết kế vỏ ngoài sản phẩm. Sau đó tiến hành thử nghiệm các chức năng của dây thắt lưng, như: cảnh báo vật cản, hố sâu, gọi điện và nhắn tin định vị cho người thân khi người sử dụng bị té hay muốn gọi về gia đình.

"Ban đầu, em thực nghiệm chức năng cảnh báo vật cản, hố sâu... ở người bình thường bằng cách bịt mắt, với sự hỗ trợ của các bạn trong trường. Sau đó, em thực nghiệm với sự hỗ trợ của người khiếm thị để chỉnh sửa thiết bị đạt hiệu quả cao nhất", Thọ cho biết.

Trong quá trình thực nghiệm, Thọ thay đổi khoảng cách vật cản tới người khiếm thị, hình dạng vật cản, chiều sâu hố. Ngoài ra, chức năng điều chỉnh khoảng cách từ cảm biến đến dây thắt lưng cũng được em thử nghiệm với nhiều khoảng cách khác nhau. Suốt hàng tháng trời thử nghiệm và chỉnh sửa, cuối cùng dây thắt lưng hoàn thiện.

Dây đeo thắt lưng hỗ trợ người khiếm thị  - Ảnh 2.

Dự án của Thọ đoạt giải nhì Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia năm 2022 - 2023

Duy Tân

Dây thắt lưng tích hợp cảm biến cảnh báo vật cản và cảnh báo hố sâu, thiết bị phát ra cảnh báo bằng loa và rung. Để tắt âm thanh, có thể dễ dàng thao tác thông qua công tắc. Khi người dùng bị té ngã, thiết bị tự động gọi điện và gửi định vị GPS cho người thân. Ngoài ra, người dùng có thể tự gọi về người thân thông qua phím tắt trên dây thắt lưng và đàm thoại thông qua tai nghe.

"Người thân theo dõi, điều chỉnh các thông số khoảng cách từ vật cản đến cảm biến cho phù hợp chiều cao của người thân và vị trí đeo của họ. Thiết bị được cung cấp bởi pin sạc thông qua mạch sạc, phần trăm pin được thể hiện trên thiết bị tiện lợi khi quan sát và sử dụng", Thọ chia sẻ.

Thời gian tới, Thọ sẽ cải tiến thêm cho thiết bị, như: tích hợp camera để tăng chức năng nhận diện cả vật cản đứng yên, vật cản chuyển động và nhận biết đèn tín hiệu giao thông; tích hợp theo dõi sức khỏe, định vị GPS bằng giọng nói để người khiếm thị có thể di chuyển đến vị trí cần đến nhanh chóng, chính xác và an toàn hơn.

Vừa qua, dự án dây đeo thắt lưng dành cho người khiếm thị của Thọ đoạt giải nhì Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia năm 2022 - 2023. Thầy Lê Bảo Anh, giáo viên hướng dẫn, đánh giá cao ý tưởng và nỗ lực hoàn thiện sản phẩm của Thọ: "Em đã vận dụng được kiến thức của các môn học vào giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống, hỗ trợ cho người khiếm thị trong cuộc sống hằng ngày đỡ vất vả hơn".


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.