Dạy 'giáo trình hạnh phúc' cho học sinh ở Ấn Độ

21/07/2018 14:00 GMT+7

Học sinh của những trường công từ bậc mầm non đến lớp 8 ở Delhi sẽ được học cách để làm cho bản thân trở nên hạnh phúc.

Trong bốn trẻ em ở độ tuổi 13 đến 15 ở Ấn Độ, có một trẻ bị trầm cảm, theo Tổ chức Y tế Thế giới. Ngoài ra, khoảng 11% trẻ ở Ấn Độ bị đãng trí và áp lực cao về bài vở làm thêm ở nhà và ở trường. Ấn Độ có tỉ lệ tự tử ở trẻ em và thanh niên ở độ tuổi từ 15 đến 29 tuổi cao nhất ở khu vực, theo CNN.
Theo nhà tâm lý học lâm sàng Puroitree Majumdar của Children First - tổ chức cung cấp những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần ở Delhi (Ấn Độ), trẻ em đang phải chịu nhiều căng thẳng trong việc học.
Bây giờ, ngành giáo dục ở Ấn Độ nên thay đổi, không nên chạy theo thành tích mà quên đi những giá trị cốt lõi của giáo dục.
Bộ trưởng Giáo dục ở Delhi, Manish Sisodia, phát biểu trên Tweeter, trẻ cần phải sống hạnh phúc hơn. Khi chúng ngủ được tốt hơn và có hệ miễn dịch khỏe mạnh hơn, những đứa trẻ hạnh phúc này có thể tiếp thu nhanh hơn, suy nghĩ sáng tạo hơn trong khi học.
Đặc biệt, chúng không cảm thấy bi quan khi thất bại.
Vì vậy, học sinh của những trường công từ bậc mầm non đến lớp 8 ở Delhi sẽ được học cách để làm cho bản thân trở nên hạnh phúc trong tuần sau (từ ngày 23.7.2018).
Vào mỗi thứ hai hằng tuần, học sinh sẽ có 45 phút để ngồi thiền và suy ngẫm, kể chuyện, và luyện tập những bài tập giúp cho sức khỏe tinh thần thoải mái và hạnh phúc, theo The New Indian Express.
Từ 2.7.2018, 18.000 giáo viên của những trường này đã được dạy “giáo trình hạnh phúc” này và sau đó họ sẽ về dạy lại cho học sinh của họ.
“Tôi chắc giáo trình này sẽ giúp giải quyết được sự gia tăng trầm cảm, lo lắng và tính nóng nảy ở thanh thiếu niên trong nước ta”, Bộ trưởng Manish Sisodia nói. Ngành giáo dục sẽ sử dụng chỉ số hạnh phúc để đánh giá sự tiến bộ ở các em học sinh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.